Thứ Sáu, 11/10/2024 11:24 SA
Nghị lực thắp lên ánh sáng cho đời
Thứ Bảy, 08/07/2017 14:00 CH

Đôi mắt không còn nhìn được mọi vật, với nhiều người, tương lai dường như đã đóng sập lại. Nhưng cũng có người vượt lên nghịch cảnh để tự thắp lên ánh sáng cho mình, cho đời bằng nghị lực sống.

 

Chị Dương Thị Kim Thảo với công việc thường ngày - Ảnh: BẠCH VÂN

 

Trụ cột của người sáng

 

Lễ hội Festival biển Nha Trang năm 2017 vừa diễn ra tại tỉnh Khánh Hòa đã đưa vợ chồng anh Lê Kim Hiệp (trú khu phố 2, phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa) gặp em Trương Văn Hội (quê xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa). Tình đồng hương xứ Nẫu, sự thán phục trước tay nghề của Hội là duyên may với vợ chồng anh và cũng là duyên may với chúng tôi khi được trải nghiệm nghị lực sống của những người không may mắn bị rơi vào cảnh khiếm thị như Hội.

 

Anh Lê Kim Hiệp kể lại: Tôi phải sống chung với bệnh đau vai gáy hơn 5 năm nay. Đợt rồi, hai vợ chồng đang ở Nha Trang xem lễ hội Festival biển thì tôi bỗng đau nặng hơn. Mọi người hướng dẫn tôi tìm tới địa chỉ 12 Hồng Bàng, (phường Phước Tiến, TP Nha Trang) để mát xa, bấm huyệt ở Trung tâm “Ánh sáng người mù”. Tôi được một thanh niên khoảng 20 tuổi làm cho. Đôi tay cậu ấy như có “điện”, bấm tới đâu thấy thông kinh mạch tới đó, cảm giác tê người, cảm giác đầu nặng, tay chân uể oải tôi phải mang nhiều năm giảm hẳn. Tôi định bụng mỗi tháng sẽ tới đây bấm huyệt một lần để bệnh thuyên giảm. May là khi nói chuyện, tôi nhận ra giọng Phú Yên của cậu ấy. Tôi hỏi địa chỉ, xin số điện thoại và em cho biết cứ 2-3 tuần về quê một lần, sẽ gọi để tôi tới nhà bấm huyệt.

 

Người mà anh Hiệp nói đến là em Trương Văn Hội, sinh năm 1994. Hè năm 16 tuổi, trên đường đi phụ hồ, em bị tai nạn chấn thương sọ não. Hàng tháng trời điều trị, mọi thứ với em trở lại bình thường, duy chỉ có đôi mắt là khép lại mãi mãi. Hội nói: Hết năm lớp 9, chuẩn bị bước vào lớp 10, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên nghỉ hè em vẫn đi làm giúp mẹ. Năm đó, em quyết định đi phụ hồ, công việc này vất vả hơn nhưng được trả công cao. Em muốn có tiền lo cho ba năm cấp ba và chuẩn bị bước vào đại học. Một chiều, đang trên đường đi làm về, một xe máy đâm trực diện vào và em không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy, bác sĩ báo em bị teo dây thần kinh thị giác. Em ù đi chỉ còn nghe thấy tiếng mẹ nghẹn ngào như đang nuốt từng giọt nước mắt vào trong. Những ngày sau đó với em mới thực sự nặng nề. Bạn bè cắp sách tới trường, ba mẹ già yếu vẫn phải cặm cụi ngoài đồng nắng cháy, còn em sức trai lại ngồi đó trở thành gánh nặng cho cả nhà. Tiền chữa bệnh cho em, tiền sinh hoạt hàng ngày, ba mẹ làm nông lấy gì lo toan và tới khi nào trả hết nợ cho người ta. Em nghĩ cứ như thế này thì cuộc đời mình coi như “mù” thật. Nhưng hồi đó mới 16-17 tuổi, không thể chấp nhận như vậy. Thế rồi, em tới Hội Người mù tỉnh để tìm sự đồng cảm từ những người cùng hoàn cảnh. Em được hội cho học chữ nổi, hướng nghiệp nghề và em đã chọn công việc xoa bóp, bấm huyệt - một dịch vụ đang rất phát triển. Ra nghề đi làm, có lương, em thấy mình có ích, có động lực để tiếp tục vươn lên. Giờ mỗi tháng, em có thu nhập ổn định từ 6-7 triệu đồng”.

 

Tới nay, Hội đã đi làm được 5 năm, giờ cha mẹ đã yếu và em trở thành trụ cột kinh tế cho cả nhà. Bà Phùng Thị Hai, mẹ của Trương Văn Hội, vui vẻ nói: Vợ chồng tôi trước đã yếu vì huyết áp, tiểu đường; gặp cảnh con bị vậy lại càng rầu hơn. Lúc đó, cả hai động viên nhau thôi thì cái xui vận vào gia đình, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, trời vẫn cho con mình sống là may rồi. Nào ngờ, cháu vươn lên được, ngày cháu đưa mẹ 50 triệu đồng trả hết tiền nợ cho người ta, đưa thêm 30 triệu đồng mua bò làm vốn lấy vợ, tôi mừng không nói nên lời. Giờ sinh hoạt hàng ngày của vợ chồng là nhờ cháu đi làm gửi về”.

 

Năm 2016, Hội hoàn thành khóa xoa bóp bấm huyệt và được Trường cao đẳng Y tế Khánh Hòa cấp chứng chỉ nghề. Với Hội, đây là giấy thông hành để em xây dựng ước mơ lớn hơn cho tương lai. Hội chia sẻ: Em đã tích góp được lưng vốn và cố gắng dành dụm thêm để trở về Phú Yên mở cơ sở xoa bóp bấm huyệt. Em sẽ giúp những người mù có hoàn cảnh như mình có công ăn việc làm, trở thành người có ích cho xã hội.

 

Trương Văn Hội đang bấm huyệt cho khách - Ảnh: BẠCH VÂN

 

Tình yêu tạo nên nghị lực

 

Vợ chồng lấy nhau, đang vui mừng chào đón đứa con đầu lòng thì năm 2010, chị Dương Thị Kim Thảo ởthôn Phước Hậu (xã An Hiệp, huyện Tuy An) thấy mắt yếu dần rồi rơi vào cảnh mù lòa do di truyền. Thương người chồng trẻ, nhiều người đã to nhỏ khuyên anh đi tìm bến đỗ mới, có người nuôi con và để chị Thảo về với cha mẹ đẻ. Bà Nguyễn Thị Thái, mẹ chồng chị Thảo từng hoang mang: “Lúc ấy, điều kiện kinh tế hai bên gia đình đều khó khăn. Hai đứa nó lấy nhau lúc mắt sáng đã là hộ nghèo, huống chi giờ một đứa mù lòa, không làm thêm được gì thì biết tương lai đi về đâu. Thương con dâu, thương con trai mình, nhiều lúc nghĩ người ta khuyên biết đâu cũng đúng. Nhưng khi nói với con trai, con gạt phăng đi, nói: Làm vậy sao được má, mình nghèo sống phải giữ cái tình, vợ chồng con lấy nhau gặp lúc khó khăn sao con bỏ cô ấy được. Dù nghèo dù khổ, con cũng làm nuôi vợ nuôi con…”.

 

Cái ngặt tiếp tục gặp phải cái nghèo, năm 2014, chồng chị không may gặp tai nạn chấn thương sọ não, chỉ còn 50%-60% sức khỏe. Cặp vợ chồng Thảo Tùng, vợ 24 tuổi, chồng 27 tuổi, đang sung sức đứng trước nghịch cảnh trở thành gánh nặng cho hai bên nội ngoại. Nhưng ngược lại, chính trong hoàn cảnh này đã giúp anh chị thấu hiểu nhau hơn và đùm bọc, nương tựa nhau vượt qua khó khăn. Chị Thảo kể: Chồng tôi vẫn đi làm mướn, tôi ở nhà lần mò làm 3 sào đất trồng màu, trồng lúa và nuôi gà. Năm 2012, tôi được Hội Người mù các cấp cho vay vốn ưu đãi để mua bê. Tôi đi học chữ nổi và được Hội Người mù tỉnh nhận vào làm công tác văn phòng (hiện chị là ủy viên Ban Chấp hành Hội người mù tỉnh Phú Yên - PV). Chịu khó tích góp, đến nay vợ chồng tôi cũng có được ít vốn để lo cho cuộc sống và cho con ăn học.

 

Hôm đến thăm gia đình chị Thảo, tôi không gặp được anh Phan Phương Tùng bởi anh đi làm, lúc chỗ này lúc chỗ kia, miễn là có người thuê làm. Còn chị Thảo đang vừa lo công tác văn phòng hội vừa cùng con trai học bài. Điều ngạc nhiên với tôi là căn nhà lá lụp xụp, gặp mưa là dột, gặp lụt là lênh láng nước trước đây của vợ chồng chị giờ đã được thay thế bằng ngôi nhà mái ngói, tường vôi trắng kiên cố, khang trang và xuất hiện thêm cả đàn bò 5 con béo mượt đang gặm cỏ bên hông nhà. Chị Thảo tâm sự: Năm 2016, chúng tôi đã xây nhà mới. Cũng cho nhà báo biết tin mừng là gia đình tôi đã thoát nghèo được 1 năm rồi.

 

Ngôi nhà của vợ chồng chị Thảo ấm áp hơn khi có tiếng học bài của cậu con trai 8 tuổi, là học sinh giỏi nhiều năm liền: “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”.

 

Nguyễn Hòa Phú luôn cố gắng học giỏi - Ảnh: BẠCH VÂN

 

Không ngừng thực hiện ước mơ

 

Nhìn vào từng hàng giấy khen treo kín tường với giải nhất môn Hóa học TP Đà Nẵng, huy chương bạc hội thi thể thao, học sinh giỏi từ lớp 8-lớp 11… của em Nguyễn Hòa Phú (sinh năm 1999, ở thôn Phụng Tường, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa), tôi đã không tin đây là thành tích của một học sinh khiếm thị học với các bạn bình thường ở Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Đà Nẵng).

 

Chia sẻ về điều này, Nguyễn Hòa Phú cho biết: Năm lớp 8, em đang học ở Trường THCS Lương Văn Chánh (xã Hòa Trị) thì mắt bỗng dưng bị mờ lòa, đi khám bác sĩ bảo bị viêm thị thần kinh (là bệnh hiếm gặp tới nay chưa có thuốc chữa). Điều trị 1 năm không có kết quả, em như rơi vào tuyệt vọng. Rồi em nhớ lớp nhớ trường nên xin mẹ cho học lại. Em phải chuyển ra TP Đà Nẵng để học ở Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu dành cho người khiếm thị. Nhờ có nền tảng kiến thức, em được học song song ở Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm dành cho học sinh bình thường. Lúc đầu, cuộc sống của một học sinh nội trú với em khó khăn lắm. Phải xa nhà, xa người thân, bạn bè, bản thân tự ti vì cảm giác mình là người bị bệnh khiến em thu mình lại. Nhờ có thầy cô và bạn bè em đã dần vui vẻ và hòa nhập với các bạn. Nhờ đó, em học tập tốt hơn, đặc biệt là môn Hóa học. Chính ước mơ muốn đi học đã giúp em tìm lại được cuộc sống, tương lai của mình. Năm nay là năm cuối cấp, em rất mong mình sẽ thi đỗ vào Trường đại học Luật.

 

Ước mơ của người khiếm thị là không trở thành gánh nặng cho người thân, cho xã hội. Nhiều người đang từng ngày từng giờ nỗ lực thực hiện ước mơ đó và nhiều người đã thành công như Hội, Phú, Thảo… Họ chính là ánh sáng cho những người cùng hoàn cảnh vươn lên, tiếp tục vượt qua nghịch cảnh và biến ước mơ thành hiện thực. Thời gian qua, Hội cũng đã tích cực tìm cách hỗ trợ vốn, hướng nghiệp để có thể đồng hành với các hội viên xóa bỏ mặc cảm, vươn lên làm người có ích.

 

Ông Hoàng Tự Điển, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Phú Yên

 

BẠH VÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hoa giữa đời thường
Thứ Ba, 27/06/2017 12:00 CH
Người “vác tù và hàng tổng”
Thứ Bảy, 24/06/2017 11:57 SA
Ông Chín Thiện làm việc thiện
Thứ Hai, 19/06/2017 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek