Thứ Sáu, 11/10/2024 13:19 CH
Nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ:
Hơn hai thập kỷ, một công trình thấm đẫm tình quê hương
Thứ Năm, 25/05/2017 14:00 CH

Nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ - Ảnh: YÊN LAN

Nghiên cứu hơn 10 năm, viết trong 3 tháng, chỉnh sửa bổ sung 2 lần, rồi 15 năm sau tác phẩm mới đến tay bạn đọc, nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ đã dành rất nhiều tâm huyết cho công trình Đất Phú trời Yên. Với tập sách công phu về vùng đất Phú Yên từ thuở sơ khai cho đến thời hiện đại, “nhà Phú Yên học” này vừa được vinh danh với giải thưởng Nhà nước.  

 

1 Trên bàn làm việc trong căn phòng đầy sách và tràn ngập ánh sáng của nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật do Chủ tịch nước trao tặng được đặt trang trọng bên bó hoa hồng tươi thắm mà PGS-TS Nguyễn Thị Thu Trang vừa mang đến chúc mừng. Tác giả cười nhẹ nhàng khi được hỏi về cảm xúc lúc nhận giải thưởng cấp quốc gia danh giá. Rồi ông đi qua phòng bên, mở tủ sách, lấy ra một quyển vở học trò đã cũ nhưng phẳng phiu và đặt lên bàn. Tôi tròn mắt ngạc nhiên khi thấy trên bìa vở 4 chữ nắn nót Đất Phú trời Yên. Càng ngạc nhiên hơn khi mở trang đầu tiên và gặp dòng chữ “Khởi viết ngày 1/7/1996”. Đó là bản thảo Đất Phú trời Yên đầu tiên của nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ.

 

Một thời gian sau khi rời công việc ở Phòng Văn hóa - Thông tin TX Tuy Hòa, năm 1985, ông giáo xa bục giảng Trần Sĩ Huệ đặt những bước chân đầu tiên lên con đường nghiên cứu văn nghệ dân gian. Ông thực hiện hai công trình Phú Yên dọc đường ca dao Chân dung làng Vân Hòa (đoạt giải ba của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam). Rồi ông muốn có một công trình “dài hơi” về quê hương. Đất Phú trời Yên là công trình nghiên cứu thứ ba, cũng là công trình công phu nhất của Trần Sĩ Huệ. Ông nhớ lại: “Thời gian tìm tư liệu rất lâu. Cũng nhờ ông Trần Thiện Lục (cố tác giả Phương Yến - PY) làm việc ở thư viện giúp đỡ, tôi “rinh” mấy bộ sách hiếm về nhà, đọc từng trang, thấy có gì liên quan đến Phú Yên thì ghi ra, sau đó mới phân loại. Về tôn giáo, tôi được cha Nguyễn Cấp, cha Bùi Huy Bích, thầy Nguyên Đức, mục sư Đinh Thống và GS Ngọc Trường Thanh giúp. Một mặt tôi tìm tư liệu từ sách vở, mặt khác tôi tiếp xúc với nhiều người rồi về quê tìm hiểu thêm…”.

 

Sau hơn 10 năm âm thầm thu thập, chắt chiu, đầu tháng 7/1996, nhà nghiên cứu “trẻ” bắt đầu viết. Lật đến trang cuối của tập bản thảo đầu tiên, ông giải thích về những con số: Đến ngày 30/10/1996 là hết hạn gửi tác phẩm dự thi về Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nên tôi phải vạch ra kế hoạch và viết tốc hành: Từ 24-26/8 viết về kinh tế, từ 27-31/8 viết về xã hội, từ ngày 1-6/9 viết về di tích, nhân vật, từ ngày 7-10/9 rà soát lại và bổ sung, từ 11-30/9 đánh máy… Đến ngày 20/10, nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ hoàn tất bản thảo và gửi đi. Năm đó, Đất Phú trời Yên đoạt giải nhì (không có giải nhất) của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

 

Khi tính đến việc xuất bản công trình nghiên cứu này, từ năm 2005-2006, nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ chỉnh sửa, bổ sung bản thảo, với sự góp ý của GS-TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Trang đầu của tập bản thảo thứ hai có những nhận xét của vị giáo sư danh tiếng: “Ngay từ năm 1996, sau khi đọc công trình Đất Phú trời Yên của tác giả Trần Sĩ Huệ, tất cả 7 ủy viên Hội đồng Khoa học của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đều thống nhất rằng đây là một công trình khoa học nghiêm túc, có chiều sâu và nhất trí trao giải nhì, một giải cao của Hội. Khi ấy, cố GS Trần Quốc Vượng đã nhận xét: “Trong nghề nghiên cứu của chúng ta, để viết được một phải biết mười, nếu không phải là hơn thế nữa. Công trình này phải là kết quả của nhiều năm tháng điền dã, đọc tư liệu cổ kim đông tây, của một tư duy tổng hợp liên ngành và chắc chắn không thể thiếu một tình yêu sâu đậm với quê hương ruột thịt”. Nhận xét này cũng là kết luận của Hội đồng Khoa học”.

 

Trong khi nhiều công trình nghiên cứu “sinh sau đẻ muộn” của ông đã được in thành sách thì Đất Phú trời Yên vẫn ở dạng bản thảo. Năm 2009, tác giả tu chỉnh lần thứ hai, bổ sung nhiều nội dung. Đến năm 2011, công trình nghiên cứu công phu của ông giáo nặng lòng với quê hương ra mắt bạn đọc, theo dự án Công bố, phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam. Sách dày hơn 560 trang, là bức tranh tổng thể của vùng đất Phú Yên qua bao thăng trầm. Đây cũng chính là công trình đưa nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ đến với giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. “Nhiều người dự giải với hai, ba quyển sách, mình có một quyển mà đi tới nơi suông sẻ thì cũng mừng”, ông thổ lộ.

 

Trên lĩnh vực nghiên cứu văn nghệ dân gian ở Phú Yên, anh Trần Sĩ Huệ là “cây đa cây đề”. Anh am hiểu đất và người Phú Yên; các công trình nghiên cứu của anh đi vào chiều sâu nên được đánh giá cao. Anh Trần Sĩ Huệ rất xứng đáng được trao tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên rất trân trọng những nhà nghiên cứu như anh Trần Sĩ Huệ. Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tạo điều kiện để anh Trần Sĩ Huệ thực hiện các công trình nghiên cứu. Đó là những vốn quý cho thế hệ sau.

 

Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên Trần Quốc Cưỡng

2 Chiếc máy đánh chữ dùng để đánh máy bản thảo tập Đất Phú trời Yên và nhiều bản thảo khác, nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ vẫn còn giữ, như một kỷ vật. Sau bao chuyến điền dã, lúc thì cùng với người bạn đời, lúc lại đi một mình, trở về căn nhà nhỏ phía sau lối đi hẹp gần đình Năng Tịnh (phường 1, TP Tuy Hòa), ông cặm cụi bên chiếc máy này, đến năm 2000 thì mới chuyển sang sử dụng máy vi tính.

 

32 năm say mê nghiên cứu văn nghệ dân gian, đến nay Trần Sĩ Huệ đã có 25 công trình được in thành sách, nhiều công trình đoạt giải cao của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Sau Đất Phú trời Yên, ông tâm đắc với quyển Phú Yên miền đất ước vọng (NXB Trẻ, 2004). Ông bảo, nếu như Đất Phú trời Yên đậm chất nghiên cứu thì Phú Yên miền đất ước vọng có chất văn chương. Riêng về ca dao, ông có 5 công trình nghiên cứu được in thành sách, đầu tiên là quyển Phú Yên dọc đường ca dao, gần đây nhất là quyển Đôi điều suy nghĩ về ca dao. Trong 2 năm 2015-2016, ông hoàn tất 9 tập bản thảo của 2 công trình nghiên cứu về phong tục tập quán. Sức làm việc của cựu giáo chức sinh năm 1937 này thật đáng nể!

 

Khi được hỏi rằng ông thích được gọi là nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ hay nhà thơ, nhà văn Trần Huiền Ân hơn, tác giả Thuyền giấy, Năm năm dòng sông thơ, Lời trên lá, Tiếng hát nhân ngư, Một nửa chân trời… khẽ cười: “Cũng tùy, nhưng tên Trần Huiền Ân quen thuộc với nhiều người hơn, tên khai sinh Trần Sĩ Huệ thì người ta mới biết sau này”. Không quen thuộc sao được, khi tác phẩm văn chương của ông đến với công chúng từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Sau ngày giải phóng đến nay, nhà văn Trần Huiền Ân có 11 tập thơ và truyện được in, trong đó có nhiều tập truyện nồng ấm tình quê như: Một nửa chân trời, Mùa hè quê ngoại, Khói của ngày xưa

 

“Tôi không nghĩ rằng mình viết để lại cho ai, ai phải đọc… Chỉ đơn giản là mình nghiên cứu, mình viết vì yêu thích. Sưu tầm được, viết được thì thấy vui. Người viết có cái vui riêng - niềm vui giản dị, âm thầm khi mình tìm hiểu những điều thú vị. Đọc cũng vậy. Tôi chỉ đọc những gì làm cho mình phải suy nghĩ, tìm hiểu, không đọc những gì hời hợt”, “nhà Phú Yên học” thổ lộ. 

 

Nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ quê ở cao nguyên Vân Hòa (huyện Sơn Hòa), từng là nhà giáo, từng làm việc tại Phân hội Văn nghệ tỉnh Phú Yên, thành viên Ban vận động thành lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Khánh. Năm 1978, ông chuyển về làm việc tại Phòng Văn hóa - Thông tin TX Tuy Hòa cho đến năm 1984. Thời gian sau này, ông dành cho việc sáng tác văn chương, nghiên cứu văn nghệ dân gian. Cùng với 94 tác giả có tác phẩm, công trình xuất sắc về văn học nghệ thuật, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ vừa được trao tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

 

PHƯƠNG TRÀ

 

 

 

 

 

 

 

Trang đầu của tập bản thảo “Đất Phú trời Yên” đầu tiên - Ảnh: YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Kỳ 2: Vỡ mộng hồ tiêu
Thứ Sáu, 14/04/2017 07:00 SA
KỲ 1: “Vàng đen” trên vùng đất đỏ
Thứ Năm, 13/04/2017 08:02 SA
Dì Năm Tây Ninh trên đất Phú
Thứ Bảy, 25/03/2017 09:46 SA
Hai thanh niên 9x “vác tù và hàng tổng”
Thứ Bảy, 11/03/2017 13:00 CH
Xóm chợ bò
Thứ Bảy, 25/02/2017 10:49 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek