Thứ Sáu, 11/10/2024 13:23 CH
Thăng trầm hồ tiêu đất Phú
Kỳ cuối: Vườn tiêu hai không của lão nông “ngoại đạo”
Thứ Bảy, 15/04/2017 07:00 SA

Ông Tạ Văn Tụy kiểm tra các ống tưới phun gốc của vườn tiêu - Ảnh: TRUNG HIẾU

Cuối mùa mưa 2016, khi các vườn tiêu xung quanh chết dần vì dịch bệnh, người người đứng ngồi không yên vì sau mỗi đêm lại mất thêm hàng chục triệu đồng thì vườn tiêu gia đình ông vẫn không hề hấn gì. Có được kết quả này là nhờ ông đã ứng dụng phương pháp chăm sóc sinh học, tuyệt đối nói không với phân, thuốc hóa học trong mấy năm qua. Ông là Tạ Văn Tụy, chủ vườn tiêu rộng 4ha ở thôn Tịnh Thọ, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa).

 

Duyên nợ hồ tiêu

 

Sở dĩ chúng tôi gọi ông là lão nông “ngoại đạo” là vì nhiều lẽ. Thứ nhất, ông không phải dân Phú Yên; thứ hai ông không xuất thân từ nông dân, càng không biết gì về cây tiêu. Ông vốn dĩ là dân xây dựng chuyên nghiệp, là bậc “đàn anh” trong ngành Địa chất. Còn 2 không ở vườn tiêu của ông là không thuốc trừ sâu, không phân hóa học, giúp vườn hạn chế tối đa dịch bệnh.

 

Quê ở Phú Thọ, từng là du học sinh Việt Nam học về chuyên ngành Địa chất ở Rumani, sau đó ông Tạ Văn Tụy về công tác tại Bộ Xây dựng. Đầu những năm 2000, ông về Phú Yên thành lập và giữ chức Giám đốc Trung tâm Thí nghiệm và kiểm định chất lượng Phú Yên (thuộc Bộ Xây dựng). Sau nhiều năm bôn ba gần khắp vùng đất khách để khảo sát địa chất, địa hình phục vụ công việc chuyên môn thì ông “gặp gỡ” cây tiêu vào những năm tháng sắp nghỉ hưu như một duyên nợ. Ông Tụy cho hay: Tôi đã từng biết về cây tiêu trong những tháng ngày còn làm việc ở Tây Nguyên, sau đó là vùng tiêu Sơn Thành Tây nhưng chưa một lần nghĩ đến việc mình sẽ trồng tiêu. Duyên nợ đưa đẩy, năm 2004, tôi mua được 2 sào tiêu (2.000m2) ở Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) và bước vào trồng tiêu với tâm thế của một kỹ sư địa chất. May mắn thay, hồi đó, hồ tiêu là cây trồng mới, đất đai, khí hậu còn ưu đãi. Chỉ với 2 sào tiêu nhưng vụ thu hoạch đầu tiên tôi đã “hốt” được 1,7 tấn, tính giá trị thời điểm đó cũng được gần chục cây vàng. Thấy cây tiêu dễ “ăn”, tôi mua thêm đất, mở rộng diện tích trồng tiêu lên được 1ha, 2ha, rồi 4ha cho đến nay.

 

Vậy là từ một kỹ sư địa chất, sau khi nghỉ hưu, ông Tụy chuyển sang làm nông. Thời bấy giờ, ông là một trong những hộ trồng tiêu lớn ở Phú Yên. Ông Tụy kể: Hồi đó, tôi thấy chưa cây gì dễ trồng lại mau có như cây tiêu. Vừa trồng, vừa chơi, sau mỗi vụ thu hoạch, tôi bỏ túi tiền tỉ là chuyện bình thường. Bình quân, mỗi năm, tôi có mặt ở vườn tiêu trên dưới 10 lần, chủ yếu vào các thời kỳ quan trọng như cắt dây lương, cột tiêu, bỏ phân, thu hoạch...

 

Nhưng thời kỳ huy hoàng của cây tiêu cũng dần “lụi”, đặc biệt là với một người “ngoại đạo” như ông - kiến thức không, kinh nghiệm không và thời gian cũng không. Việc chăm sóc vườn tiêu ông khoán trắng cho người làm. Việc gì đến ắt cũng đến, khoảng năm 2010, khi diện tích trồng tiêu ở Tây Hòa được mở rộng đáng kể, kéo theo đó là dịch bệnh trên cây tiêu cũng bùng phát liên tục, vụ được, vụ mất, trồng tiêu trở nên bấp bênh. Ông Tụy cho biết: Ban đầu, vườn tiêu của ông chớm bệnh (bệnh xảy ra rải rác), như những hộ dân khác, ông chi tiền đổ hàng lớp phân hóa học xuống đất, phun hàng chục lít thuốc sâu lên thân cây... Với cách làm này, ông cứu vườn được một, hai vụ đầu nhưng vụ sau dịch bệnh phát ra còn mạnh hơn, mức độ lây nhiễm cũng cao hơn, thế là tiêu chết, tiền mất.

 

 

Ông Tạ Văn Tụy giới thiệu hệ thống ủ phân hữu cơ của trang trại với tác giả - Ảnh: TRUNG HIẾU

 

 

Trồng tiêu sạch

 

Không để giấc mơ “vàng đen” vụt mất, ông Tụy “thân chinh” từ Bình Định (hiện gia đình ông đang định cư ở Bình Định) vào ăn, ngủ cùng vườn tiêu. Ông bắt đầu xắn tay vào làm thật sự. Tận dụng hiểu biết của mình về nguồn nước, địa chất vùng Sơn Thành Tây trong những năm làm xây dựng, cộng với những kiến thức tìm hiểu được qua sách, báo và đi thực tế, ông Tụy ứng dụng vào chăm sóc tiêu. Ông Tụy nói: Tôi nhận ra rằng, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp là bởi sâu bệnh bị kháng thuốc, miễn nhiễm, đất đai thì xơ hóa và đang “chết” dần vì hóa chất. Để cứu vườn, tôi quyết định chuyển hướng, canh tác tiêu theo phương pháp nông nghiệp hữu cơ, loại bỏ dần và tiến tới nói không với phân, thuốc hóa học. Thời gian đầu khi mình cắt giảm dần lượng phân hóa học thay vào đó bằng phân chuồng, do phải thay đổi “khẩu vị” nên vườn tiêu kém “sắc” hẳn, năng suất giảm theo. Tiếp tục những vụ sau, tôi đã loại hẳn phân bón hóa học cho tiêu và thay bằng các loại phân sinh học. Cây tiêu dần quen, sức khỏe tốt dần và khả năng kháng bệnh rất cao.

 

Sau khoảng 3 năm thực hiện phương pháp canh tác sinh học, thân thiện môi trường, đến nay vườn tiêu gia đình ông đã hoàn toàn nói không với hóa chất, sản phẩm tiêu đạt tiêu chuẩn sạch để chinh phục những thị trường khó tính. Để có được kết quả này, nhiều năm qua, ông đã đầu tư không ít tiền của, tìm hiểu và học tập nhiều cách ủ phân, chế thuốc điều trị bệnh từ nguồn sản phẩm hữu cơ để thay thế cho thuốc hóa học.

 

Ông Tụy nói: “Từ kiến thức của những năm tháng còn làm tư vấn xây dựng, tôi biết được vùng Sơn Thành có mạch nước ngầm khá nông với đặc tính dễ khô hạn vào mùa nắng và ngập úng khi mưa. Vì vậy muốn ổn định sản xuất nông nghiệp ở vùng này phải tính đến công nghệ khai thác nước phù hợp và hệ thống thủy lợi hiệu quả giúp thoát nước nhanh và không bị ngập ngược (nước từ bên ngoài tràn ngược vào vườn). Một trong những công nghệ tưới tiên tiến mà hiện nay vườn tiêu của tôi cùng nhiều vườn khác ở đây ứng dụng là tưới phun gốc, công nghệ này giúp tiết kiệm khoảng 2/3 lượng nước, công lao động. Cả vườn tiêu rộng 4ha tôi chỉ cần mở máy bơm và canh chuyển chuyền tưới trong 1 ngày là xong”.

 

Cũng từ hệ thống tưới tiết kiệm, ông Tụy còn nâng cấp thành hệ thống bón phân tận gốc. Trong khuôn viên vườn, ông xây một bể chứa lớn có hệ thống máy đảo phân. Nước phân từ hồ này được lọc đưa sang hồ chứa có thang canh dung lượng. Bình quân, mỗi tháng, ông bón 1 lần phân, mỗi gốc sẽ được tưới 12 lít phân với dạng phân nước tại gốc. Phương pháp này giúp rải đều “bữa ăn” cho tiêu còn giúp đất khỏi bị ngộ độc.

 

Đặc biệt, phân được ông sử dụng bón cho tiêu cũng rất riêng, được tổng hợp pha trộn từ phân trùn quế, mật mía, đạm cá, nấm đối kháng Trichoderma. Ông Tụy giải thích: Thay vì bổ sung đạm cho cây tiêu bằng phân Ure thì tôi thay bằng nước đạm cá. Nếu mua đạm cá ủ sẵn ngoài thị trường thì giá sẽ rất cao từ 120.000-150.000 đồng/lít, để tiết kiệm chi phí tôi mua cá mè, cá rô phi về ủ với men, sau 40 ngày thu được đạm cá loại 1 với giá thành chỉ 10.000 đồng/lít (1kg cá sẽ ủ được 1 lít đạm cá). Đồng thời, trong hỗn hợp phân này, tôi còn bổ sung chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma, đây là loại nấm sinh học có khả năng tiêu diệt, khống chế các loại nấm gây bệnh tuyến trùng, chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu. Tuy nhiên giá thành loại nấm này cũng khá đắt 70.000 đồng/kg, mỗi hécta tiêu cần 10kg nấm. Để tiết kiệm, tôi tự nhân sinh khối bằng phương pháp ủ nấm này với mật mía. Khi cây tiêu được tưới dung dịch phân này không khác gì được bón các loại phân hỗn hợp, chỉ khác là đất không bị nhiễm độc như trước và cây tiêu cũng không còn bị “bội thực”, vườn tiêu có sức đề kháng mạnh mẽ với dịch bệnh. Hiện nay, tôi đang chuẩn bị lắp giàn béc phun sương để hỗ trợ độ ẩm cho tiêu khi vào kỳ thụ phấn, giúp vườn tiêu tăng năng suất.

 

Nhờ ứng dụng phương pháp thâm canh sinh học cho cây tiêu, trong đợt dịch bệnh cuối năm 2016, đầu năm 2017, hầu hết các vườn tiêu ở Sơn Thành Tây đều bị nhiễm bệnh với tỉ lệ tiêu chết từ 20-50%, cá biệt có những vườn bị chết sạch nhưng vườn tiêu của ông không hề hấn gì. Ông Tụy khẳng định: Trong đợt dịch bùng phát, vườn tiêu của tôi cũng nhiễm bệnh, chết lác đác ở những trụ tiêu già, với tỉ lệ khoảng 3%. Phó Giám đốc Công ty CP Vina cà phê Sơn Thành Văn Kim Minh nhận xét: Đợt dịch bệnh trên cây tiêu vừa qua là đợt dịch bệnh bùng phát mạnh và thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay, gần như không vườn tiêu nào tránh khỏi. Riêng vườn tiêu của ông Tụy tỉ lệ chết chỉ 3%. Sắp tới, đơn vị sẽ nghiên cứu kỹ phương pháp canh tác tại vườn tiêu của ông, nếu hiệu quả sẽ nhân rộng cho nông dân học tập.

 

Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, lão nông tri điền “ngoại đạo” Tạ Văn Tụy vẫn tràn trề tâm huyết với phương pháp canh tác hữu cơ cho tiêu, hy vọng nhân rộng được mô hình trồng tiêu sinh học của mình cho các hộ lân cận, từ đó xây dựng và tạo được thương hiệu tiêu sạch Sơn Thành để đưa ra thị trường.

 

Thời gian qua, chi cục đã triển khai nhiều lớp tập huấn cho người trồng tiêu về quy trình canh tác, cách phòng và điều trị một số loại bệnh nguy hiểm trên cây tiêu. Tuy nhiên, đơn vị chưa hướng dẫn cho người dân phương pháp trồng tiêu hữu cơ. Hiện nay, chi cục đang mời gọi, kết nối với một số doanh nghiệp để tiến tới liên kết hợp tác sản xuất tiêu hữu cơ với hình thức nông dân trồng tiêu hữu cơ theo quy trình của doanh nghiệp, còn doanh nghiệp có trách nhiệm bao tiêu sản phẩm với giá thành của tiêu sạch.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

 

TUYẾT HƯƠNG - TRUNG HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Kỳ 2: Vỡ mộng hồ tiêu
Thứ Sáu, 14/04/2017 07:00 SA
KỲ 1: “Vàng đen” trên vùng đất đỏ
Thứ Năm, 13/04/2017 08:02 SA
Dì Năm Tây Ninh trên đất Phú
Thứ Bảy, 25/03/2017 09:46 SA
Hai thanh niên 9x “vác tù và hàng tổng”
Thứ Bảy, 11/03/2017 13:00 CH
Xóm chợ bò
Thứ Bảy, 25/02/2017 10:49 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek