Thứ Bảy, 23/11/2024 11:56 SA
Du lịch tìm cách gượng dậy giữa “tâm bão” COVID-19
Chủ Nhật, 16/02/2020 07:00 SA

Khách du lịch đến gành Đá Đĩa trong mùa dịch COVID-19 được hướng dẫn rửa tay sát khuẩn và nhận khẩu trang y tế miễn phí. Ảnh: VĂN TUẤN

Hầu hết các tour du lịch đi hoặc đến đều bị hủy; nhân viên khách sạn, nhà hàng ngồi nhìn mặt nhau... đếm khách. Thiệt hại do tác động của dịch COVID-19 đến ngành Du lịch là rất lớn. Giữa “tâm bão”, những người trong ngành công nghiệp không khói đang nỗ lực gượng dậy với nhiều giải pháp.

 

1. Đang mùa lễ hội, du xuân, hành hương thì dịch bệnh bùng phát. Hàng loạt dịch vụ, sản phẩm du lịch lâm vào cảnh chợ chiều, chới với.

 

Vắng khách, mất doanh thu, nhiều doanh nghiệp du lịch còn mất tiền cho các chi phí đã đặt trước. Ngoài thiệt hại bằng tiền, còn nhiều thiệt hại khác trong việc đối ngoại giữa doanh nghiệp với khách hàng liên quan đến hủy hợp đồng và đối nội về nhân sự ngay trong doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp phải đắn đo cắt giảm nhân sự, cũng có doanh nghiệp phải gồng mình hoặc vay tiền duy trì trả lương cho nhân viên chờ đến ngày hết dịch để có người làm.

 

Không phải đơn thuần là những bức ảnh chế trào phúng trên mạng xã hội về việc nhiều nhân viên du lịch thất nghiệp phải đi bán dưa hấu, bán khẩu trang, hành khất... mà sự thật là không ít lao động ngành Du lịch phải nghỉ việc và xoay trở cuộc sống theo nhiều cách khác nhau.

 

Tuy nhiên nếu nhìn ở góc độ tích cực hơn, thì đợt dịch bệnh kéo dài này như một liều thuốc thử liều cao để ngành Du lịch có những giải pháp thích ứng với thời cuộc, tìm cơ hội phục hồi giữa lúc khó khăn.

 

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, giải pháp đầu tiên là các doanh nghiệp tận dụng thời gian vắng khách này để đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên và đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất. Thứ hai, các doanh nghiệp du lịch cần nghiên cứu lại thị trường, thị hiếu du lịch.

 

Du lịch ngoài nước không nhất thiết phải đến Trung Quốc hay các nước đang có dịch COVID-19 mà còn nhiều quốc gia khác. Du lịch trong nước thì ngoài các tỉnh có dịch vẫn còn nhiều địa phương kiểm soát dịch bệnh rất tốt. Vì thế việc khuyến khích, giải thích tìm nguồn khách hàng du lịch trong mùa vắng khách hiện nay là có cơ sở và khách hàng được hưởng nhiều ưu đãi. Đóng băng du lịch trong thời điểm hiện tại là một sự lãng phí và tổn thất lớn.

 

Lửa thử vàng, gian nan thử doanh nghiệp. Đây là một thử thách lớn, đòi hỏi bản lĩnh của lãnh đạo doanh nghiệp du lịch và sự gắn bó, chung sức, sáng tạo, vượt khó của những người làm du lịch. Kêu than, kể khổ trong tình hình hiện nay càng thêm rối trí, mà điều cần thiết là phải tìm cách tồn tại và gượng dậy. “Tất cả đồng lòng, chắt chiu cơ hội, tiết kiệm chi phí, huấn luyện nhân lực, dồn sức thực hiện các dự án để chuẩn bị tăng tốc khi hết dịch”, ông Vũ Thế Bình nói.

 

2. Bên cạnh sự nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp du lịch trong việc xoay trở để tồn tại và chắt chiu cơ hội phát triển trong thời buổi khó khăn thì ngành Du lịch cũng rất cần sự hỗ trợ, chia sẻ từ khách hàng và các ngành chức năng.

 

Ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên cho biết, hiệp hội đang chuẩn bị một kế hoạch kích cầu toàn diện cho các doanh nghiệp thành viên. Đồng thời lắng nghe kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp để có những kiến nghị đến các ngành chức năng.

 

Một loạt hiệp hội du lịch các tỉnh, thành cũng đã có những kiến nghị cụ thể để chung tay hỗ trợ ngành Du lịch vượt khó trong thời điểm dịch bệnh. Mới đây nhất, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Khánh đã ký văn bản đề nghị Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam kiến nghị với Chính phủ 4 nội dung: Miễn giảm 50% thuế giá trị gia tăng, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm thuế đất phần không xây dựng trong các khu du lịch; kéo dài thời gian ân hạn và giảm lãi suất ngân hàng; miễn thị thực visa cho các thị trường Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Canada, Áo, Hà Lan, Bỉ...

 

Theo bà Khánh, bên cạnh chương trình kích cầu du lịch và những giải pháp nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp du lịch thì sự chia sẻ, hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước là rất quan trọng để ngành Du lịch lấy lại thăng bằng sau cú sốc do COVID-19.

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek