Thứ Bảy, 23/11/2024 15:51 CH
Du lịch lao đao vì nCoV
Chủ Nhật, 09/02/2020 07:16 SA

Khách sạn Sài Gòn - Phú Yên cho phun thuốc tiêu độc khử trùng khuôn viên và tất cả các phòng khách sạn. Ảnh: TRẦN QUỚI

Mùa này vốn dĩ là mùa cao điểm làm ăn của các khách sạn, nhà hàng, resort; nhưng hai tuần nay, khi dịch bệnh do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) quét qua, ngành Du lịch, dịch vụ trở nên lao đao. Các cơ sở kinh doanh du lịch vắng hoe khách, thiệt hại không hề nhỏ.

 

Thời điểm này năm trước, khách du lịch khắp nơi đổ về xứ sở hoa vàng cỏ xanh. Các điểm du lịch nổi tiếng như gành Đá Đĩa, Hòn Yến, Bãi Môn - Mũi Điện... hay các nhà hàng khách sạn, resort luôn trong tình trạng đông nghẹt khách, phải căng mình ra phục vụ. Mùa du lịch năm nay khác hẳn bởi sự hiện diện đầy ám ảnh và lo lắng: nCoV.

 

Nỗi lo mang tên nCoV

 

Trong tuần đầu tiên của năm mới Canh Tý, du lịch Phú Yên vẫn có những tín hiệu vui khi khách du lịch tăng trưởng trên 15% so với cùng kỳ, với gần 84.000 lượt khách. Tuy nhiên, sự sôi động đầu năm nhanh chóng bị lấn át bởi các thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV đang hoành hành. Khách thưa vắng dần cho đến lúc Thủ tướng Chính phủ chính thức công bố dịch do nCoV gây ra ngày 1/2 (mùng 8 tháng Giêng).

 

Anh Bùi Nguyễn Vi Đông, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Du lịch Long Phú tại Phú Yên, thở dài: “Từ thời điểm Thủ tướng công bố dịch, tất cả hợp đồng tour đi và đến sau Tết của công ty đều bị khách hủy vì lý do bất khả kháng. Tính ra đợt này, chúng tôi bị khách hủy trên dưới chục tour, hàng trăm khách, mất tiền đặt cọc dịch vụ, thiệt hại là rất lớn”. Cũng chung nỗi buồn bị khách hủy tour, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Bình Minh Gold, cho biết: “Tour gần tour xa đều bị hủy. Tầm này mọi năm, anh em lữ hành chạy vắt chân lên cổ, còn bây giờ thì nằm nhà đếm thời gian, cầu mong cho đợt dịch này mau qua”.

 

Các khách sạn, resort, nhà hàng kể từ ngày công bố dịch bị tác động tiêu cực kinh khủng. Những khách sạn lớn, gần biển thường không còn chỗ trống thì nay cũng chịu cảnh đìu hiu. Họa chăng có khách đi công tác, còn khách tour hoàn toàn không có. Ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc khách sạn Sài Gòn - Phú Yên, cho hay: Không có khách, mấy ngày nay khách sạn thực hiện phun thuốc tiêu độc khử trùng toàn bộ khuôn viên, phòng ngủ; tốn thêm khoản tiền mua khẩu trang y tế, nước rửa tay, in các tờ rơi cảnh báo dịch cho khách...

 

Theo ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên, chỉ chưa đầy nửa tháng, ngành Du lịch gần như tê liệt. Các khách sạn, resort, nhà hàng, lữ hành đều thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch và trong tình trạng cầm cự cầu mong dịch bệnh qua mau.

 

Tìm giải pháp tình thế

 

Để ứng phó với tác động tiêu cực do nCoV gây ra, mới đây Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã khẩn cấp tổ chức hội nghị trực tuyến để tìm giải pháp tình thế và chiến lược sau dịch. Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, du lịch là ngành chịu nhiều thiệt hại mỗi khi có dịch bệnh, thiên tai địch họa, biến cố chính trị... Ước tính đến thời điểm này, ngành Du lịch thiệt hại hàng chục ngàn tỉ đồng và không thể phục hồi lập tức ngay cả khi dịch bệnh kết thúc.

 

Có một thực tế mà các chuyên gia du lịch nhìn nhận là ngành Du lịch Việt Nam quá phụ thuộc vào thị trường khách Trung Quốc, khiến hậu quả đến rất nhanh khi có sự cố xảy ra. Điển hình là một số địa phương lâu nay phát triển mạnh thị trường khách Trung như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh... trong đợt dịch này chịu thiệt hại nặng nề hơn hết.

 

Theo các chuyên gia, trước mắt trong tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, các địa phương, doanh nghiệp du lịch cần tăng cường cập nhật thông tin, triển khai nghiêm túc và quyết liệt theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng về phòng chống dịch bệnh nCoV. “Thời gian này, các doanh nghiệp ưu tiên cho công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho nguồn nhân lực du lịch, nâng cấp cơ sở vật chất nhằm duy trì, nâng cao chất lượng người lao động và cơ sở, trang thiết bị, các điều kiện để sẵn sàng hoạt động khi dịch bệnh đi qua”, ông Vũ Thế Bình gợi ý.

 

Đồng thời, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế cần mở rộng khai thác các thị trường du lịch mới ngoài Trung Quốc, chú trọng khai thác thị trường khách nội địa. Hiệp hội Du lịch và doanh nghiệp các địa phương cần chung tay, liên kết xây dựng các chương trình kích cầu du lịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ để thu hút khách sau dịch.

 

Về phía Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình cho biết sẽ lập kế hoạch và chuẩn bị xúc tiến mạnh mẽ tại các thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Tây Âu… Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cần sẵn sàng tham gia tích cực các sự kiện quảng bá xúc tiến ở trong và ngoài nước để thu hút thị trường khách du lịch ngay khi dịch bệnh được khống chế. Đồng thời, hiệp hội cũng sẽ đề xuất với Chính phủ có chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp du lịch như: miễn, giảm tiền điện nước, tiền thuê đất, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn visa và các ngân hàng giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất… 

 

Tour gần tour xa đều bị hủy. Tầm này mọi năm, anh em lữ hành chạy vắt chân lên cổ, còn bây giờ thì nằm nhà đếm thời gian, cầu mong cho đợt dịch này mau qua.

 

Ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Bình Minh Gold

LUẬT SƯ TRẦN LÊ BẢO CHÂU - ĐOÀN LUẬT SƯ TP HỒ CHÍ MINH: Cách để doanh nghiệp du lịch tránh “mất tiền cọc”

 

 

Luật sư Trần Lê Bảo Châu

Sự kiện “bất khả kháng” (tiếng Pháp “force majeure”) có nghĩa là “sức mạnh tối cao” hoặc “sức người không thể kháng cự nổi”. Bất khả kháng có thể là: lũ lụt, hỏa hoạn, bão, động đất, sóng thần; chiến tranh, bạo loạn, đảo chính, đình công, cấm vận, thay đổi chính sách của chính phủ… Sự kiện bất khả kháng có những đặc điểm: Là sự kiện khách quan xảy ra sau khi ký hợp đồng; sự kiện xảy ra không do lỗi của các bên trong hợp đồng; các bên trong hợp đồng không thể dự đoán và khống chế được.

 

Rạng sáng 31/1 (giờ Việt Nam), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố sự bùng phát chủng mới của vi rút Corona từ Trung Quốc là “tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế”. Như vậy, dịch bệnh nCoV có thể coi là sự kiện bất khả kháng.

 

Khi có sự kiện bất khả kháng xảy ra thì bên bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng sẽ: Được miễn trách nhiệm nếu nghĩa vụ không được thực hiện, không được thực hiện đầy đủ hoặc không được thực hiện đúng do sự kiện bất khả kháng gây ra. Được kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng nếu việc thực hiện hợp đồng bị chậm trễ do sự kiện bất khả kháng. Ngoài ra, nếu sự kiện bất khả kháng kéo dài hoặc gây ra hậu quả nghiêm trọng dẫn đến việc thực hiện hợp đồng sẽ không có lợi cho các bên thì các bên có thể chấm dứt việc thực hiện hợp đồng.

 

Vậy các doanh nghiệp du lịch cần làm gì?

 

Thông báo khi có sự kiện bất khả kháng. Theo thông lệ chung, khi có sự kiện bất khả kháng thì bên bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng phải gửi thông báo cho bên kia trong một thời hạn hợp lý (thông thường, các bên quy định rõ thời hạn thông báo và hậu quả của việc không thông báo):

 

- Gửi đến đối tác thông báo bằng văn bản (fax, telegraph, email, điện tín, thư bảo đảm…) về sự kiện bất khả kháng trong thời hạn hợp đồng hoặc luật áp dụng quy định nếu không có quy định thì trong một thời gian hợp lý.

 

- Kèm theo thông báo là văn bản chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc tài liệu, chứng cứ hợp pháp khác có giá trị chứng minh (điều này rất cần thiết).

 

- Hãy thông báo (bằng văn bản) cho đối tác và hãng hàng không về tình trạng bất khả kháng ngay lập tức và chủ động đề xuất phương án xử lý với đối tác.

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek