Du lịch cộng đồng đang là xu hướng phát triển mạnh trong hội nhập quốc tế, bởi loại hình du lịch này mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho người dân ở các địa phương. Du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương.
Từ cách tiếp cận này thì núi Chóp Chài (TP Tuy Hòa), có tiềm năng tài nguyên thiên nhiên cũng như tài nguyên xã hội nhân văn rất lớn. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực.
Tài nguyên phong phú
Núi Chóp Chài cao 391m, nổi lên giữa đồng bằng Tuy Hòa, thuộc địa phận phường 9, xã Bình Kiến và Hòa Kiến, ngoại ô phía tây bắc, cách trung tâm TP Tuy Hòa khoảng 4km. Chóp Chài là một linh sơn, cùng với núi Đá Bia, núi Nhạn, sông Đà là những biểu tượng quen thuộc của người dân đất Phú.
Núi Chóp Chài có các giá trị địa chất, cảnh quan đẹp, khí hậu mát mẻ, không gian trong lành, nguồn tài nguyên thiên nhiên động thực vật đa dạng, phong phú. Các di tích lịch sử - văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng có từ xa xưa. Các vùng phụ cận khu vực núi Chóp Chài là làng mạc, ruộng đồng, dân cư sinh sống đông đúc. Người dân thân thiện, giàu lòng mến khách. Đây là điều kiện thuận lợi để hình thành loại hình du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng tại nhà dân (homestay).
Xung quanh khu vực núi Chóp Chài có nghề trồng hoa cây cảnh nổi tiếng và nhiều nhất tỉnh Phú Yên, trên núi có sẵn nguồn cây dược liệu quý được nhiều lương y xung quanh chân núi sử dụng chữa bệnh; có nhiều câu chuyện lịch sử oai hùng nằm trong ký ức của những gia đình làm cơ sở cách mạng năm xưa... Tất cả những yếu tố đó có thể khai thác để phát triển du lịch cộng đồng, đáp ứng nhu cầu du khách thích nghiên cứu học tập, tìm hiểu và khám phá.
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi thì phát triển du lịch cộng đồng khu vực núi Chóp Chài còn những khó khăn: Kết quả khảo sát thực địa cho thấy, khoảng 50% cán bộ lãnh đạo địa phương và phụ trách thôn, khu phố cho rằng có khả năng phát triển và khai thác du lịch lưu trú tại nhà dân được, nhưng khó khăn lớn nhất trong việc phát triển du lịch cộng đồng là nhận thức của người dân.
Người dân chưa hiểu được du lịch cộng đồng và mô hình homestay nên cho rằng khách đi du lịch thì phải ở khách sạn, nhà nghỉ, với các trang thiết bị phục vụ hiện đại, đắt tiền. Mặt khác, lý do đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng là vấn đề trăn trở.
Để tháo gỡ khó khăn này, việc tuyên truyền, phổ biến giúp người dân hiểu được ý nghĩa phát triển du lịch cộng đồng là gắn với phát triển kinh tế - xã hội, gắn với trách nhiệm, ý thức bảo tồn văn hóa vì lợi ích chung của cộng đồng là rất quan trọng. Từ đó người dân sẽ tích cực, tự giác tham gia.
Giải pháp phát triển du lịch
Phát triển mô hình du lịch cộng đồng khu vực núi Chóp Chài là phù hợp với định hướng của tỉnh, và cũng là xu thế chung hiện nay; vì nó đáp ứng được nhu cầu tham quan, khám phá của nhiều đối tượng khách du lịch muốn tìm hiểu về vùng đất và con người Phú Yên. Từ nhận thức đó, người viết bài này đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch cộng đồng khu vực núi Chóp Chài như sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về du lịch cộng đồng. Để du lịch cộng đồng phát triển ở khu vực núi Chóp Chài thì người dân ở đây cần giữ nguyên gốc, nguyên sơ, chân thực di sản văn hóa, đó là giá trị cốt lõi của cộng đồng, không để đánh mất nó.
Xác định tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn là quan trọng, là hướng đột phá cho du lịch cộng đồng ở khu vực núi Chóp Chài. Từ đó hướng dẫn để người dân tham gia khai thác, bảo tồn tài nguyên du lịch của địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội.
Các chuyên gia du lịch đã khuyến cáo: Phát triển du lịch thì phải có trách nhiệm với xã hội. Để phát triển kinh tế địa phương, tôn trọng những giá trị bản địa, giá trị cộng đồng thì loại hình du lịch có trách nhiệm sẽ là giải pháp phát triển du lịch cộng đồng đúng hướng và bền vững.
Thứ hai, quy hoạch một số mô hình điểm du lịch cộng đồng hướng đến Làng du lịch cộng đồng. Thực tế cho thấy du khách, đặc biệt là khách nước ngoài khi đến du lịch ở địa phương nào đó thường thích đi tham quan các xóm làng, khu dân cư (nhất là các buôn, plei của đồng bào dân tộc thiểu số). Du khách thích được tham quan khám phá vẻ đẹp đồng quê, tìm hiểu đời sống sinh hoạt của người dân địa phương.
Du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống ở nhà dân; cùng sống và sinh hoạt với dân địa phương, cùng dân địa phương nấu ăn, thực hiện các công việc nhà nông như xay lúa, giã gạo, cày ruộng, gieo sạ, trồng rau, câu cá, quăng chài, trồng cây, tham quan các công trình văn hóa, tín ngưỡng của làng, tìm hiểu những nét đẹp bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, tham dự các lễ hội truyền thống, thưởng thức các tiết mục văn nghệ dân gian, đốt lửa trại và mua những sản phẩm du lịch mang đặc trưng của địa phương.
Từ yêu cầu trên, để phát triển mô hình du lịch cộng đồng khu vực núi Chóp Chài không thể làm trên diện rộng ngay mà phải quy hoạch một số mô hình điểm theo tiêu chí là: Hộ dân có điều kiện và tự nguyện tham gia; vị trí nằm trên lộ trình các tuyến, điểm du lịch; có không gian sinh hoạt phù hợp; có diện tích nhà ở, nhà vệ sinh, bếp, sân vườn đủ rộng, sạch sẽ để đón tiếp và phục vụ khách ăn uống; hoặc có diện tích đất canh tác hoa/cây kiểng, rau ăn, để tổ chức các hoạt động tham quan trải nghiệm.
Sau khi nắm danh sách hộ dân có điều kiện tham gia, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về loại hình du lịch nghỉ dưỡng tại nhà dân nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ đón tiếp và phục vụ khách. Từ triển khai mô hình điểm, ngành chức năng đúc rút kinh nghiệm; đồng thời tạo sự liên kết giữa các điểm du lịch cộng đồng trong khu vực núi Chóp Chài; khuyến khích các điểm du lịch cộng đồng đầu tư cơ sở vật chất đúng mức, từng bước nâng quy mô và quy hoạch Làng văn hóa trở thành Làng du lịch cộng đồng.
Với khu vực núi Chóp Chài có thể quy hoạch khu phố, thôn văn hóa: Phước Hậu 1 (phường 9), các thôn Liên Trì 1, Liên Trì 2 (xã Bình Kiến), thôn Ngọc Phong, Minh Đức (xã Hòa Kiến) trở thành Làng du lịch cộng đồng. Mỗi một Làng du lịch cộng đồng trong khu vực núi Chóp Chài cần phải quy hoạch đầy đủ các yếu tố về cảnh quan sinh thái, đảm bảo an toàn, an ninh để đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở, tạo được thêm nhiều dịch vụ cho du khách và các sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ, mang tính đặc trưng của địa phương đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách tham quan.
Thứ ba, kết nối Làng du lịch cộng đồng khu vực núi Chóp Chài với các điểm du lịch cộng đồng trong tuyến liên kết với các địa phương trong tỉnh. Ví dụ, Chóp Chài đến làng rau Ngọc Lãng, du khách có thể trải nghiệm cùng người nông dân trong nghề trồng rau và cùng chế biến, thưởng thức các món ăn từ rau; đến bãi biển Long Thủy, Hòn Chùa; Di tích Tàu không số Vũng Rô; đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông; thủy điện Sông Hinh, sông Ba Hạ trải nghiệm cùng ngư dân với các hoạt động chèo thuyền, câu cá, quăng chài, đánh bắt hải sản, chế biến và thưởng thức các món hải sản; tổ chức các hoạt động lửa trại, tham dự các lễ hội cầu ngư, giao lưu văn hóa văn nghệ, giao hữu các bộ môn thể thao trên biển và trên cát; đến các buôn, làng văn hóa của đồng bào dân tộc Ba Na, Ê Đê, Chăm ở ba huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh để du khách ngoài tham quan, tìm hiểu phong tục tập quán, còn có thể trải nghiệm cùng người dân trong các lễ hội truyền thống, ẩm thực, trò chơi dân gian...
Thứ tư, ban hành các chính sách phát triển du lịch cộng đồng. Về lĩnh vực quản lý phát triển du lịch của ngành chức năng, đến nay tỉnh nhà còn thiếu những chính sách cụ thể khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng để người dân tích cực tham gia, nâng cao trình độ văn hóa và đề cao vai trò của người dân trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng; tạo sản phẩm đặc trưng. Tổ chức đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát triển du lịch cộng đồng. Thành lập Ban quản lý Du lịch cộng đồng tại khu vực núi Chóp Chài và các địa phương có mô hình du lịch cộng đồng để quản lý và đưa các hoạt động du lịch cộng đồng hoạt động hiệu quả, mang tính chuyên nghiệp.
Xây dựng quy chế liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”: Nhà nước định hướng và xây dựng chính sách quản lý phát triển du lịch cho toàn tỉnh. Cộng đồng (hộ gia đình) tham gia làm du lịch có quyền lợi và nghĩa vụ bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Doanh nghiệp tăng cường quảng bá đưa du khách đến tham quan, đầu tư vào các khu du lịch, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất tại các điểm du lịch cộng đồng. Nhà tư vấn giúp người dân có những biện pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
ThS NGUYỄN HOÀI SƠN
Phó Giám đốc Sở TT-TT