Tại nghị trường Quốc hội ngày 31/10, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn về công tác bảo tồn di sản, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam trong khai thác du lịch. Bộ trưởng khẳng định, nếu xem đây như một công trình cần đầu tư từ ngân sách thì đây là một cách đầu tư siêu lợi nhuận.
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa từ lâu được xem là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Văn hóa, được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia. Theo các chuyên gia hoạch định phát triển thì việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với du lịch là một xu hướng tất yếu và bền vững.
Phát triển du lịch và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa có mối quan hệ gắn bó hữu cơ, tác động và chuyển hóa lẫn nhau. Giá trị di sản văn hóa là nền tảng để phát triển du lịch, thu hút du khách. Ngược lại, du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh và mang những giá trị di sản văn hóa của địa phương tới du khách trong nước và quốc tế, mang về doanh thu, ngoại tệ, tiếp tục tái đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Thống kê của Bộ VH-TT-DL cho biết, hiện nay cả nước có trên 4 vạn di tích được kiểm kê, trong đó có gần 10.000 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố, 3.500 di tích cấp quốc gia, 95 di tích quốc gia đặc biệt có trên 62.000 di sản phi vật thể đã được kiểm kê và có 26 di tích vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO công nhận là di sản của thế giới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nếu quan tâm và xem việc đầu tư bảo tồn các di sản văn hóa như một công trình dự án đầu tư bằng ngân sách thì có thể thu hồi vốn rất nhanh, không bị thua lỗ, công trình văn hóa được bảo tồn, không có dự án nào có lãi như thế này. Bộ trưởng nêu ví dụ với những con số cụ thể như: Vịnh Hạ Long, chỉ riêng tiền bán vé đã thu 1.100 tỉ đồng trong năm 2017.
Trong khi đó, ngân sách đầu tư chỉ có 50 tỉ đồng. Di tích cố đô Huế thu về 320 tỉ đồng, còn ngân sách đầu tư chỉ có 47 tỉ đồng. Khu phố cổ Hội An thu về 219 tỉ đồng, còn ngân sách chỉ đầu tư 17 tỉ đồng. Rõ ràng với nguồn tài nguyên quý giá như di sản văn hóa, nếu được quan tâm đầu tư sẽ phát huy giá trị và mang về nguồn lợi lớn cho đất nước.
Nhìn lại Phú Yên, địa phương có nhiều di sản văn hóa, với gần 600 di tích gồm nhiều loại hình như: Di tích lịch sử, văn hóa, khảo cổ học, danh lam thắng cảnh, kiến trúc nghệ thuật, đình, chùa, nhà thờ, lăng, miếu, dinh, lẫm. Trong đó có 22 di tích, danh thắng quốc gia, 51 di tích, danh thắng cấp tỉnh, cũng là nguồn tài nguyên quý để đầu tư phát triển du lịch.
Trong thời gian qua, công tác trùng tu, tôn tạo đã được tiến hành thường xuyên từ các nguồn vốn mục tiêu quốc gia, ngân sách tỉnh, xã hội hóa. Tuy nhiên, thực tế nguồn kinh phí dành cho hoạt động bảo tồn di sản văn hóa từ ngân sách nhà nước và hợp tác quốc tế của Phú Yên thời gian qua rất hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu bảo tồn.
Đơn cử như di tích danh thắng quốc gia Gành Đá Đĩa và Bãi Môn - Mũi Điện, những danh thắng, kỳ quan thiên nhiên có giá trị rất lớn nhưng chưa được đầu tư một cách xứng tầm để mang lại nguồn lợi lớn cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ngay cả việc quy hoạch cắm mốc giới di tích đến nay vẫn chưa làm do thiếu kinh phí. Trong khi giá trị nguồn lợi trước mắt và lâu dài ở những di tích này là vô cùng lớn. Riêng tiền bán vé với mức giá 20.000 đồng/lượt (chỉ áp dụng cho khách ngoài tỉnh) nhằm đảm bảo cho công tác bảo vệ, vệ sinh môi trường cũng đã đem lại nguồn thu đáng kể. 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu bán vé từ hai điểm danh thắng nói trên đạt 7,5 tỉ đồng.
Được biết, từ nguồn thu này, tỉnh đã chi cho việc đầu tư trở lại nhằm phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên, sự đầu tư này quá nhỏ bé, chỉ giải quyết tình huống cho các hạng mục cần thiết trước mắt. Để bảo tồn và phát huy giá trị cũng như phát triển bền vững các di tích danh thắng, di sản văn hóa nói chung cần có sự quan tâm đầu tư tương xứng và quản lý hiệu quả.
TRẦN QUỚI