Cách đây một năm, Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn (Đường sắt Sài Gòn) đã “bắt tay” với Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh (HTA) cùng Hiệp hội Du lịch các tỉnh miền Trung hình thành tuyến du lịch bằng đường sắt. Vừa qua, đơn vị này đã khai trương đôi tàu du lịch trên tuyến Sài Gòn - Tuy Hòa và ngược lại, bổ sung thêm một sản phẩm vận tải mới cho du khách lựa chọn.
Cái bắt tay thiện chí
Tàu SNT6 xuất phát tại ga Sài Gòn lúc 21 giờ 25 đến ga Tuy Hòa lúc 9 giờ 39; tàu SNT9 xuất phát tại ga Tuy Hòa lúc 17 giờ 25 đến ga Sài Gòn lúc 8 giờ 15 hàng ngày. Tàu SNT6/SNT9 sẽ đỗ dừng ở các ga: Tuy Hòa, Ninh Hòa, Nha Trang, Tháp Chàm, Bình Thuận, Biên Hòa, Sài Gòn; riêng tàu SNT6 dừng thêm tại ga Cà Ná. |
Du lịch đường sắt không phải là loại hình mới mẻ, nhưng đây là lần đầu tiên hai ngành Đường sắt và Du lịch có cái bắt tay thiện chí, cùng xây dựng sản phẩm dịch vụ kết nối giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung. Trong bối cảnh ngành Đường sắt muốn nâng cao chất lượng phục vụ hành khách để xây dựng một hình ảnh hoàn toàn mới, còn ngành Du lịch muốn có thêm một dịch vụ vận chuyển thú vị cho du khách, thì việc liên kết giữa hai bên là rất cần thiết. Câu chuyện liên kết giữa hai bên bắt đầu bằng chuyến famtrip từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh miền Trung bằng đường sắt hồi tháng 10/2015. Sau chuyến famtrip, lãnh đạo HTA, Hiệp hội Du lịch các tỉnh miền Trung và Công ty Đường sắt Sài Gòn đã ngồi lại phân việc và ký kết ghi nhớ hợp tác. Với nhiều nỗ lực trong việc nâng cấp cơ sở vật chất toa xe, bố trí, sắp xếp thời gian chạy tàu, nâng cao tinh thần phục vụ cho đội ngũ nhân viên phục vụ trên tàu…, mới đây, Công ty Đường sắt Sài Gòn đã khởi động đôi tàu du lịch SNT6/SNT9 trong sự phấn khởi của nhiều người.
Theo bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch HTA, việc mở ra các tuyến du lịch bằng tàu hỏa, kết nối ngành Đường sắt và các doanh nghiệp du lịch đã được HTA ấp ủ từ lâu. Các doanh nghiệp du lịch rất quan tâm đến loại hình dịch vụ này. Trong đêm gala chuyến famtrip tại Khu du lịch Sao Việt (TP Tuy Hòa), ông Đinh Văn Sang, khi đó là Phó Tổng Giám đốc Công ty Đường sắt Sài Gòn, chia sẻ niềm vui về sự hợp tác này: “Phục vụ khách du lịch là một bước tiến mới của ngành Đường sắt. Trước giờ, ngành Đường sắt chỉ làm việc với một vài công ty du lịch. Nay có sự kết nối của HTA và hiệp hội các tỉnh, chúng tôi rất hy vọng sẽ mở ra một hướng phát triển mới cho cả ngành Đường sắt và ngành Du lịch”.
Trước thông tin đôi tàu du lịch tuyến Sài Gòn - Tuy Hòa và ngược lại được khởi động, nhiều doanh nghiệp du lịch lữ hành rất phấn khởi. Bà Tô Phương Chi, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Á (TP Hồ Chí Minh), cho biết: “Đây là tin vui cho các công ty lữ hành trước thiện chí đổi mới, đáp ứng nhu cầu du khách của ngành Đường sắt. Với ưu điểm có nhiều trạm dừng, chở được lượng khách lớn một lúc và có toa riêng cho khách du lịch, vận tải đường sắt hiện nay là một lựa chọn an toàn cho du khách”.
Còn theo ông Lê Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Tuy Hòa, dịch vụ này ra đời là sự đột phá của ngành Đường sắt, giúp các doanh nghiệp lữ hành có thể triển khai tour liên tỉnh với nhiều điểm dừng tàu. “Nhu cầu đi du lịch bằng đường sắt hiện nay khá cao, bởi các ưu điểm về giá cả, phù hợp với khách bị say xe và có độ an toàn cao. Đặc biệt, với các tour du lịch có đoàn khách lên đến hàng trăm người thì dịch vụ đường sắt là lựa chọn số 1”, ông Tùng nói.
Luôn hướng về khách hàng
Đó là khẳng định của ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Đường sắt Sài Gòn, trong phát biểu khai trương đôi tàu SNT6/SNT9 tại ga Tuy Hòa. Đôi tàu này có 408 chỗ/chuyến. Các toa tàu du lịch được bố trí ghế mềm và thực hiện đúng theo các tiêu chuẩn phù hợp với du lịch như thức ăn chất lượng và phong phú, an toàn thực phẩm, nhà vệ sinh đạt chuẩn, nhân viên phục vụ niềm nở… “Đôi tàu SNT6/SNT9 là đôi tàu du lịch chất lượng cao, các toa tàu có nội thất, trang thiết bị tiện nghi, sạch đẹp, thiết kế rộng rãi, đội ngũ nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, nhiệt tình, chu đáo, sẽ tạo cảm giác thoải mái, thân thiện với hành khách đi tàu”, ông Sơn khẳng định. Ông Sơn cũng cam kết, thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị, phương tiện, gia tăng các dịch vụ tiện ích, nâng cao chất lượng phục vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Ngoài đầu tư cơ sở vật chất trên toa xe, nâng cao chất lượng phục vụ, Công ty Đường sắt Sài Gòn cũng có chính sách ưu đãi về giá cả để tăng tính cạnh tranh với các loại hình phương tiện vận tải khác, đặc biệt là hướng tới đối tượng khách du lịch, các công ty lữ hành. Bà Trần Thị Nguyệt, Trung tâm Kinh doanh vận tải đường sắt và dịch vụ tổng hợp Tuy Hòa, cho biết: “Công ty đã cân đối và xây dựng giá vé của đôi tàu SNT6/SNT9 thấp hơn so với đôi tàu SE3/SE4 trên cùng chặng từ 8-11% tùy theo loại chỗ; trong tuần lễ khai trương (từ ngày 20-26/7), khách hàng còn được giảm 10% giá vé. Riêng với các công ty lữ hành mua vé cho khách tour, công ty cũng sẽ có chính sách ưu đãi riêng”.
Với đôi tàu du lịch này, ngành Đường sắt mong muốn được cung cấp dịch vụ tốt nhất, thu hút khách hàng đi tàu nhiều hơn, trong khi ngành Du lịch có thêm sản phẩm dịch vụ vận chuyển để khách hàng lựa chọn.
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC UBND TỈNH NGUYỄN CHÍ HIẾN: Hoan nghênh sự hợp tác giữa hai ngành
Tôi hoan nghênh việc Công ty Đường sắt Sài Gòn đưa vào khai thác đôi tàu SNT6/SNT9 chạy tuyến Tuy Hòa - Sài Gòn và ngược lại; hoan nghênh sự bắt tay hợp tác giữa ngành Đường sắt và ngành Du lịch đã tạo ra sản phẩm này để phục vụ một cách tốt nhất cho khách du lịch nói riêng và hành khách nói chung. Với sản phẩm dịch vụ này, du khách có thêm lựa chọn phương tiện một cách phù hợp, góp phần giúp Phú Yên đến gần hơn với bạn bè, du khách. Chúng tôi đề nghị Công ty Đường sắt Sài Gòn không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hành khách. Các cơ quan hữu quan của tỉnh có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện để đôi tàu du lịch SNT6/SNT9 hoạt động hiệu quả.
CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DU LỊCH PHÚ YÊN NGUYỄN THÀNH TÂM: Tích cực tuyên truyền cho các doanh nghiệp lữ hành
Đôi tàu SNT6/SNT9 là kết quả của gần một năm nỗ lực từ nhiều phía, nhất là Công ty Đường sắt Sài Gòn và Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh. Đây là sản phẩm liên kết, kích cầu nhằm thúc đẩy, thu hút lượng lớn khách du lịch từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh duyên hải miền Trung, trong đó có Phú Yên, mà Tuy Hòa là ga cuối của cung đường.
Hiện nay, xu hướng đi du lịch tập thể từ các công ty, xí nghiệp, đơn vị rất lớn. Phương tiện tàu lửa là một trong những lựa chọn phù hợp. Đây là điều kiện thuận lợi để du lịch xứ sở hoa vàng cỏ xanh thu hút lượng du khách đến từ khu vực các tỉnh Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh. Hiệp hội Du lịch Phú Yên sẽ tích cực tuyên truyền cho các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh, hỗ trợ kết nối với Công ty Đường sắt Gài Gòn; đồng thời tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp lữ hành TP Hồ Chí Minh thông qua Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh. |
TRẦN QUỚI