Tháp Bánh Ít còn có tên tháp Bạc, tọa lạc tại thôn Ðại Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước (Bình Ðịnh). Ðây là di sản văn hóa nổi tiếng do người Chăm để lại, vừa được đưa vào danh mục 1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời.
Đi vào khu vực tháp Bánh Ít, theo những bậc thang phía đông ẩn mình dưới tán bạch đàn, keo lá tràm, du khách như rơi vào một thế giới khác với không gian tĩnh lặng, không còn những âm thanh náo nhiệt, xô bồ của cuộc sống ngoài kia. Nhìn về phía đông là tháp cổng, một trong bốn tháp của chùm tháp Bánh Ít. Quần thể tháp Bánh Ít từng là trung tâm của 3 thành cổ là Thị Nại, thành Cha và thành Đồ Bàn (vương triều Vijaya, từ thế kỷ X-XV).
Đến đây, du khách như vẫn nghe âm vang những câu thơ của Chế Lan Viên: “Đây, điện các huy hoàng trong ánh nắng/ Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh/ Đây, chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng/ Bầy voi thiêng trầm mặc dạo bên thành”.
Đi qua tháp cổng, tháp chính hiện ra trước mặt khách du với hình ảnh đồ sộ, uy nghiêm và đầy linh thiêng. Tháp cao khoảng 25m, cao nhất trong các tháp ở đây. Trong tháp, tượng thần Shiva được đặt trang trọng. Theo các nhà nghiên cứu, người Chăm vừa dùng gạch đỏ, vừa dùng đá hoa cương, đá sa thạch để xây tháp này. Ở tháp chính xuất hiện những vòm cuốn hình mũi lao, mặt tường cao co lại thành các khối lớn. Đó chính là những đặc điểm đột phá, đánh dấu sự chuyển tiếp từ phong cách kiến trúc Trà Kiệu sang phong cách Bình Định - một phong cách kiến trúc mới kết hợp hài hòa đến lý tưởng giữa vẻ đẹp nhịp nhàng, thanh nhã và khỏe khoắn, hoành tráng.
Phía nam tháp chính có một tác phẩm kiến trúc bằng gạch hình ngôi nhà, mái cong, hai đầu cong cao, giữa mái lõm. Tháp có những hoa văn trang trí với dãy phù điêu các lực sĩ cùng nhau nâng bổng ngôi tháp. Thân tháp có những cột ốp chạy dọc biên với những đường dật cấp, quanh diềm thân là hoa văn hình lá đề. Điều này cho thấy, đây là một tác phẩm điêu khắc với nhiều mô típ không lập lại, được xem là một “bài ca” điêu khắc bằng gạch phong phú và đẹp nhất còn lại trên đất Bình Định.
Đã ngàn năm trôi qua kể từ khi người Chăm dựng tháp, người xưa không còn nhưng di tích cụm tháp Bánh Ít đã trở thành kiệt tác nghệ thuật, di sản quốc gia và nhân loại.
NGÔ HỒNG SƠN