Chủ Nhật, 24/11/2024 14:18 CH
Hút khách du lịch ở “phố núi” Hai Riêng
Chủ Nhật, 26/06/2016 08:24 SA

Du khách thích thú dạo quanh bờ hồ trung tâm thị trấn Hai Riêng - Ảnh: HÙNG PHIÊN

Nhiều du khách đến thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) đã ví von vùng đất này như một “Đà Lạt thứ hai” bởi không khí mát lành, đồi thông lãng mạn, nhất là khu vực quanh hồ trung tâm. Những ngày này, đến với Hai Riêng, du khách còn được hòa mình vào không khí lễ hội của đồng bào các dân tộc ở Phú Yên.

 

BUÔN LÀNG MỞ HỘI

 

Những ngày cuối tháng 6, trai gái, nghệ nhân trong buôn Lê Diêm (thị trấn Hai Riêng) nói riêng và nhiều buôn làng ở huyện Sông Hinh nói chung sôi nổi tập luyện các tiết mục văn nghệ, cồng chiêng, chuẩn bị nhạc cụ, các vật dụng cần thiết cho Ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch (ngày hội) các dân tộc tỉnh Phú Yên lần thứ IX-2016, diễn ra từ ngày 28-30/6. Ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: “Sông Hinh là địa phương được tỉnh chọn để tổ chức ngày hội các dân tộc năm 2016. Đến thời điểm này, huyện đã phối hợp với Sở VH-TT-DL, cơ quan thường trực ban tổ chức ngày hội cấp tỉnh, cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị. Là địa phương đăng cai, huyện Sông Hinh đã chuẩn bị kỹ lưỡng các tiết mục tham gia liên hoan, thi thố tại ngày hội, nhất là những tiết mục văn hóa, văn nghệ mang tính đặc thù của đồng bào các dân tộc anh em trên địa bàn, để mang đến màn trình diễn tốt nhất”.

 

Tham gia ngày hội, đoàn nghệ nhân, vận động viên huyện Sông Hinh có 168 thành viên, trong đó phần lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số Sông Hinh. Với lực lượng hùng hậu này, các nghệ nhân, vận động viên huyện Sông Hinh có mặt trong tất cả các hoạt động do ban tổ chức đưa ra. Ngoài ra, huyện còn đầu tư thực hiện nhiều hoạt động lễ hội văn hóa, du lịch. Ông Phan Thanh Quyền, Trưởng Phòng VH-TT huyện Sông Hinh, cho biết: Hai nội dung được xem là điểm nhấn của đoàn huyện Sông Hinh trong lễ hội lần này là trình diễn lễ hội Cúng bến nước (dân tộc Ê Đê) và chương trình biểu diễn nghệ thuật kết hợp trình diễn trang phục truyền thống với chủ đề “Cội nguồn quê hương”. Chương trình này có thời lượng 12 phút với 5 tiết mục, thể hiện bản sắc văn hóa của 19 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn huyện.

 

Trong chương trình ngày hội, Sở VH-TT-DL sẽ công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về việc công nhận buôn Lê Diêm là điểm du lịch văn hóa cộng đồng của tỉnh. Hiện buôn Lê Diêm có một số sản phẩm loại hình du lịch văn hóa cộng đồng như: lễ hội cồng chiêng, nghề dệt thổ cẩm, đan gùi, làm rượu ché bằng men truyền thống. Đây là kết quả của quá trình xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng nhằm khôi phục, bảo tồn các phong tục tập quán, lễ hội, nghề truyền thống của đồng bào nơi đây. Kpá H’Bin, thành viên đội múa xoan buôn Lê Diêm, phấn khởi chia sẻ: “Những ngày này, mặc dù chưa vào ngày hội chính, nhưng những ngày qua, buôn làng như đã vào hội thực sự. Mục tiêu lớn của buôn Lê Diêm là bảo tồn phát huy giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng buôn ngày càng khang trang, sạch đẹp để đón khách du lịch mọi miền”.

 

“ĐÀ LẠT Ở PHÚ YÊN”

 

So với các huyện miền núi còn lại của Phú Yên (Sơn Hòa và Đồng Xuân), huyện Sông Hinh “sinh sau, đẻ muộn” (thành lập năm 1985). Từ một vùng đất nổi tiếng là “lãnh địa” của dân đào đãi vàng, đến nay, chính quyền địa phương đã mạnh dạn đầu tư tại thị trấn Hai Riêng nhiều công trình cảnh quan tuyệt đẹp. Với khí hậu mát mẻ, hồ nước lung linh và rừng thông đằm thắm - như là một “Đà Lạt ở Phú Yên”, Hai Riêng đã trở thành điểm đến vui chơi giải trí, thể dục thể thao hàng ngày của người dân quanh vùng. Theo ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, địa phương đã tranh thủ nhiều nguồn vốn để đầu tư tôn tạo cảnh quan tại Hai Riêng, nhằm tạo “chỗ chơi” cho người dân lao động tại chỗ, để mọi người đỡ vất vả đi xa.

 

“Khu vực đồi thông nguyên là vùng hoang hóa. Địa phương đã dùng nguồn vốn khoa học nông nghiệp để thử nghiệm và cây thông caribe đã “trụ” được. Sau đó, huyện tìm vốn xây cầu bắc từ hồ trung tâm sang đồi thông. Nhờ cảnh quan đẹp nên người dân địa phương rất thích đến đây nghỉ ngơi, giải trí, nhất là khi đời sống người miền núi ngày càng phát triển. Hiện ngành Văn hóa tiếp tục “nghĩ kế” tổ chức thêm nhiều hoạt động hấp dẫn, giàu bản sắc để thu hút người dân quanh vùng”, ông Định nói.

 

Theo Sở VH-TT-DL Phú Yên, quần thể hồ trung tâm - công viên - đồi thông - buôn văn hóa Lê Diêm là một điểm nhấn trong hành trình du lịch về miền núi của tỉnh. Thị trấn Hai Riêng lúc này đã được phủ kín điện lưới quốc gia, hệ thống nước sạch cung cấp đến 95% số hộ dân, 100% trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Nhiều công trình có giá trị xây lắp hàng tỉ đồng trở lên được đưa vào sử dụng và đang phát huy hiệu quả như Trung tâm thương mại Sông Hinh, cầu và đường kè quanh hồ Hai Riêng, sân vận động, trung tâm văn hóa thể thao, đài truyền thanh - truyền hình, nhà hát nhân dân, bể bơi công cộng… Đó là chưa kể rất nhiều nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ và nhiều dịch vụ tiện ích khác được người dân bỏ vốn đầu tư xây dựng, tạo nên bức tranh sầm uất của phố núi này.

 

QUỲNH MAI - HÙNG PHIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek