Chủ Nhật, 24/11/2024 18:36 CH
Phát triển du lịch ở những làng nghề
Chủ Nhật, 24/01/2016 08:20 SA

Loại hình du lịch làng nghề đang thu hút nhiều sự quan tâm của du khách. Tiếp cận loại hình này, đa số khách du lịch muốn khám phá, trải nghiệm về văn hóa, con người, vùng đất ở làng nghề truyền thống. Để loại hình du lịch này phát triển cần có sự chung tay từ nhiều phía.

 

Chiếc bình mỹ nghệ nằm lọt thỏm giữa các sản phẩm dân dụng truyền thống ở làng gốm Trường Thịnh (thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa) - Ảnh: T.QUỚI

 

TÌM TIẾNG NÓI CHUNG GIỮA DU LỊCH VÀ LÀNG NGHỀ

 

Mave Canedy, du khách Australia, rất thích thú khi đến Phú Yên làm tình nguyện ở các trường học kết hợp du lịch. Mave cho biết chị đã đến các làng nghề bánh tráng Hòa Đa, gốm Trường Thịnh, chổi đót Mỹ Thành… “Những người thợ ở đây rất khéo tay. Họ làm việc như thể làm xiếc. Họ cũng tận tình hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho du khách”, Mave vui vẻ nói.

 

Nhiều khách “Tây ba lô” du lịch kiểu tự khám phá cũng rất thích thú với loại hình du lịch làng quê, du lịch làng nghề. Họ tìm hiểu quy trình, cách thức và tập làm cùng thợ của làng nghề và mua sản phẩm do mình tạo ra để làm kỷ niệm.

 

Làng nghề truyền thống sẽ là sản phẩm du lịch đặc biệt khi hấp dẫn, thu hút được du khách và tạo ra những mặt hàng lưu niệm. Ông Lê Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ - Du lịch Tuy Hòa, cho biết: “Ngoài làng nghề truyền thống gốm Trường Thịnh, các làng nghề như bánh tráng Hòa Đa, chiếu cói An Cư, đan lát Vinh Ba, thúng chai Phú Mỹ… cũng là những địa mà các doanh nghiệp lữ hành chỉ có thể đưa khách du lịch đến trải nghiệm, khám phá, teambuilding. Tuy nhiên, không phải đối tượng khách nào cũng phù hợp với loại hình du lịch làng nghề. Hơn nữa cơ sở vật chất và nhiều yếu tố khác ở các làng nghề ở Phú Yên hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu”.

 

Mới đây, Sở VH-TT-DL và Hiệp hội Du lịch Phú Yên tổ chức đoàn khảo sát đến một số làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ trong tỉnh nhằm đưa những địa chỉ này vào hành trình tour du lịch nội tỉnh. Tuy nhiên, hầu hết làng nghề ở Phú Yên vẫn hoạt động một cách đơn thuần như lâu nay. Không ít người dân làng nghề đắn đo khi các đơn vị lữ hành đưa khách đến tham quan. Họ ngại sẽ bị xáo trộn không gian làm việc, thay đổi thói quen sản xuất… Người đầu tiên làm gốm mỹ nghệ ở làng gốm Trường Thịnh là chị Trần Thị Chiên. Ngoài làm những sản phẩm truyền thống, chị Chiên đã học hỏi, mày mò làm tượng, đèn ngủ ốp tường, đồ trang trí trong nhà bằng gốm để nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề, nhưng vì không tìm được đầu ra ổn định nên đành quay lại sản phẩm truyền thống. Còn theo bà Nguyễn Thị Sen ở làng nghề gốm Trường Thịnh, người dân nơi đây làm các sản phẩm phục vụ đời sống như ấm nước, lu, ống khói, bọng giếng… chứ chưa có những sản phẩm thủ công mỹ nghệ để bán cho khách. “Lâu lâu mới có một đoàn khách đến tham quan, họ cũng thích thú, hỏi mua sản phẩm làm quà nhưng mình không có. Nếu tập trung làm sản phẩm lưu niệm thì việc tiêu thụ sản phẩm không thường xuyên”.

 

Đây chính là điểm mấu chốt chưa gặp nhau giữa sản phẩm làng nghề truyền thống và du lịch. Khách du lịch có nhu cầu mua sắm, nhất là những sản phẩm làm quà lưu niệm đặc trưng của vùng, miền. Trong khi sản phẩm làng nghề chưa hướng tới đối tượng này. Ông Nguyễn Thành Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên, nói: “Làng nghề truyền thống muốn thu hút được du khách thì cần tạo ra sản phẩm lưu niệm để bán cho khách, bên cạnh những sản phẩm đặc trưng. Trong đó, việc nghiên cứu thị trường, tâm lý du khách để sản xuất, chế tác sản phẩm lưu niệm phù hợp cần được quan tâm. Các doanh nghiệp du lịch và người dân làng nghề phải chủ động làm du lịch, tạo ra sản phẩm thiết yếu để phục vụ nhu cầu của du khách”.

 

CẦN SỰ CHUNG TAY

 

Muốn làng nghề truyền thống phát triển, trở thành một sản phẩm du lịch thực thụ, ngoài sự chủ động giữa doanh nghiệp du lịch và người làng nghề, cần phải có sự hỗ trợ đồng bộ từ nhiều phía. Qua khảo sát cho thấy, sản phẩm làng nghề khá phong phú, nhưng sản phẩm phục vụ khách du lịch vừa thiếu, vừa yếu. Cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo để khách tham quan, nhưng nếu đầu tư thì người dân không mặn mà vì tốn kém và không biết hiệu quả thế nào.

 

Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, nói: Hầu hết làng nghề đều gặp khó về cơ sở hạ tầng, giao thông. Người dân làng nghề chưa nhận thức được giá trị mà du lịch đem lại. Còn ngành thì chưa thiết kế được nhiều tour du lịch đưa về các làng nghề; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tại các làng nghề hầu như không có… Điều đó khiến sản phẩm du lịch các làng nghề đơn điệu, kém hấp dẫn.

 

Để phát huy được giá trị đặc sắc của các làng nghề kết hợp với phát triển du lịch cần có sự đồng bộ ở nhiều khâu như tạo sản phẩm lưu niệm của làng nghề phong phú, tạo không gian, hạ tầng phục vụ tham quan tại làng nghề, nâng cao kiến thức du lịch cho người dân địa phương, quy hoạch làng nghề, xử lý môi trường... Vấn đề này phải có hoạch định chung và hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương.

 

TRẦN QUỚI

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek