Thời gian qua, khá nhiều cuộc khảo sát, nghiên cứu về tiềm năng du lịch vịnh Xuân Đài và vùng phụ cận. Trong đó quy mô và toàn diện nhất là đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển sản phẩm du lịch biển khu vực vịnh Xuân Đài và vùng phụ cận” do ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, làm chủ nhiệm vừa được nghiệm thu.
Một góc vịnh Xuân Đài - Ảnh: T.QUỚI |
TIỀM NĂNG
Vịnh Xuân Đài và vùng phụ cận sở hữu khối tài nguyên du lịch vô cùng phong phú và đa dạng. Về tài nguyên du lịch tự nhiên, với thế mạnh là hệ thống đầm, vũng, vịnh, bãi biển, các đảo, gành đá với số lượng lớn, thiên nhiên ở khu vực này kết hợp hài hòa giữa núi non và biển cả tạo nên bức tranh “sơn thủy hữu tình”. Trong đó, nhiều điểm có khả năng khai thác du lịch lớn là bãi biển Vũng Lắm, bãi Bình Sa, bãi Ôm, bãi Từ Nham, bãi Bàng, gành Đá Đĩa, cồn đám Cả, cù lao Ông Xá, Lao Mái Nhà, mũi gành Tướng, vũng Dông, vũng Mắm, vũng Me, vũng Sứ…
Tài nguyên du lịch nhân văn ở đây cũng rất đồ sộ với nhiều lớp trầm tích văn hóa, hệ thống các di tích văn hóa lịch sử và lễ hội tín ngưỡng đặc trưng. Ngoài ra, văn hóa ẩm thực, văn hóa dân gian với nhiều loại hình dân ca, dân vũ, diễn xướng và các làng nghề truyền thống cũng góp phần giúp tài nguyên du lịch nơi đây thêm đa dạng, phong phú. ThS Lê Thế Vịnh, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa (Sở VH-TT-DL) nhìn nhận, so sánh với các khu vực khác trong tỉnh và Nam Trung Bộ, hệ thống tài nguyên du lịch ở vịnh Xuân Đài có một lợi thế rất lớn. Điều này càng cho thấy ý nghĩa và cơ hội phát triển sản phẩm du lịch ở khu vực này và vùng phụ cận trong bức tranh chung của du lịch Phú Yên.
Với những đặc điểm về địa lý và tài nguyên du lịch của vịnh Xuân Đài và vùng phụ cận, các chuyên gia khẳng định các ngành chức năng và địa phương cần quan tâm phát triển sản phẩm du lịch biển ở khu vực này.
HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phạm Văn Bảy và nhóm nghiên cứu đề tài “Cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển sản phẩm du lịch biển khu vực vịnh Xuân Đài và vùng phụ cận” đưa ra 3 định hướng lớn, trong đó có việc phát triển 4 không gian du lịch ở khu vực vịnh Xuân Đài và vùng phụ cận. Cụ thể, khu vực trung tâm vịnh Xuân Đài là không gian chính, là khu trung chuyển khách du lịch đến các khu, điểm du lịch lân cận; đồng thời là không gian chủ đạo của các dịch vụ du lịch như ăn uống, vui chơi giải trí, vận chuyển khách… Khu vực này nằm dọc quốc lộ 1, từ gành Đỏ ra đến Lệ Uyên. Không gian thứ hai là khu vực phía bắc vịnh Xuân Đài và bãi Từ Nham. Đây là không gian chủ đạo của dịch vụ nghỉ dưỡng biển cao cấp và các dịch vụ hỗ trợ khác. Không gian thứ ba là khu vực phía nam vịnh Xuân Đài và vùng phụ cận gành Đá Đĩa. Đây là không gian chủ đạo của hoạt động tham quan danh lam thắng cảnh, nghiên cứu địa chất, khám phá biển, đảo. Không gian cuối cùng là khu vực phía đông bắc vịnh Xuân Đài. Đây là không gian dành cho hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm, leo núi, lặn biển, đua thuyền, du lịch dã ngoại, thưởng thức đặc sản biển…
Về định hướng phát triển sản phẩm du lịch biển, theo chủ nhiệm đề tài Phạm Văn Bảy, 7 sản phẩm du lịch gắn với biển, đảo có thế mạnh gồm: nghỉ dưỡng biển và du lịch sinh thái; du lịch văn hóa; tham quan trên vịnh; du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn; du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm gắn với biển, đảo; du lịch văn hóa ẩm thực đặc sản, sản phẩm hàng lưu niệm, quà tặng và du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, khen thưởng, hội họp và triển lãm). Trong đó, du lịch nghỉ dưỡng biển và du lịch sinh thái được xác định là ưu tiên hàng đầu.
Về đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, nhóm thực hiện đề tài cho rằng cơ quan chức năng cần đầu tư hệ thống giao thông ở khu vực trung tâm TX Sông Cầu kết nối các trục chính và các điểm đến; quy hoạch bãi đậu xe, các khu dịch vụ ăn uống, bán hàng; nâng cấp hệ thống cảng biển, hệ thống bến cập tàu thuyền tại các điểm tham quan. Đối với cơ sở vật chất du lịch, địa phương cần hình thành các sản phẩm dịch vụ như: cơ sở hạ tầng đón tiếp khách, phương tiện vận chuyển, cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, tham quan, cơ sở giải trí, trò chơi thể thao và các dịch vụ phụ trợ khác…
Đề tài hiện thực hóa các định hướng phát triển du lịch
ThS Phan Ngọc Dũng, Giám đốc Chi nhánh Vietravel Quy Nhơn, người phản biện đề tài nói trên, nhận định đây là một đề tài có phạm vi, đối tượng nghiên cứu vừa quy mô vừa chuyên sâu. Kết quả đề tài đóng góp quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu sản phẩm du lịch biển, từ đó đưa ra những đề xuất trong công tác quản lý nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch trong khu vực. Kết quả nghiên cứu của đề tài còn giúp ngành Du lịch Phú Yên hiện thực hóa các định hướng phát triển du lịch theo Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Đây cũng là cơ sở dữ liệu cần thiết cho quy hoạch phát triển khu du lịch vịnh Xuân Đài thành khu du lịch quốc gia trong tương lai không xa. |
TRẦN QUỚI