Sở VH-TT-DL, Hiệp hội Du lịch Phú Yên vừa phối hợp tổ chức chuyến khảo sát dành cho các đơn vị lữ hành trong tỉnh về một số làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất dược liệu, thủ công mỹ nghệ, nhà hàng dọc trên hai tuyến du lịch của tỉnh để đưa vào tour khai thác.
Trong chương trình khảo sát, đoàn đã đến Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung, làng gốm Trường Thịnh, nhà hàng Phú Khang, quán hải sản 22 (huyện Đông Hòa); cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Đồng Nghiệp, làng nghề đan thúng chai Phú Mỹ (huyện Tuy An); cơ sở chế biến nước mắm Tân Lập, nhà hàng Gành Đỏ, Trạm dừng chân Astop (TX Sông Cầu). Qua khảo sát, đoàn nhận thấy ở những điểm nói trên đều có tiềm năng khai thác du lịch. Tuy nhiên, để trở thành điểm đến, điểm ăn uống, mua sắm trong các tour du lịch thì các cơ sở này cần có sự đầu tư, bài trí gọn gàng, có khu vực để khách du lịch tham quan, có người thuyết minh về cơ sở, hướng dẫn khách thực hành, trải nghiệm. Trong số các điểm nói trên, Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung (xã Hòa Hiệp Nam) là một trong những điểm khả dĩ nhất có thể đưa vào điểm tour được ngay. Hiện điểm này đã có đơn vị lữ hành đưa vào tour để du khách tham quan, tìm hiểu cây dược liệu và mua sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Thành Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên, để các cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống trở thành điểm dừng chân trong tour du lịch, ngoài sự nỗ lực của các cơ sở, hộ sản xuất, các cấp chính quyền còn phải hỗ trợ, giúp đỡ họ có điều kiện nâng cấp, mở rộng cơ sở, nâng cao nhận thức về xây dựng và bảo vệ môi trường du lịch…
QUỲNH MAI