Chủ Nhật, 24/11/2024 18:27 CH
Trung tâm dược liệu đón… du khách
Chủ Nhật, 17/01/2016 08:29 SA

Vườn dược liệu với nhiều loại hoa khiến du khách thích thú - Ảnh: T.QUỚI

Một vùng đất cát rộng lớn chuyên biệt trồng và chế biến dược liệu. Nhưng đó không phải là khu vực “bất khả xâm phạm”, chủ nhân của nó đang muốn nhiều người tới tham quan để hiểu thêm về nguồn gốc, tác dụng của những cây thuốc quý quanh ta, cùng những sản phẩm dược liệu sạch 100% made in Việt Nam. Trong khi đó, những người làm du lịch thì tỏ ra vô cùng thích thú với điểm đến mới lạ này.

 

NƠI BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN GEN

 

Trên khu đất rộng 10ha trồng đủ loại cây thuốc như: diệp hạchâu, kim tiền thảo, tần dày lá, hồng đài, thìa canh, trinh nữ hoàng cung, rau đắng, râu mèo, xuyên tâm liên, dừa cạn, lạc tiên tây, gừng Nhật Bản, đinh lăng… Đó là “nông trại” của Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung tại xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa), với gần 50 loài cây thuốc nam đang được trồng và chế biến dược liệu theo quy mô sản xuất hàng hóa.

 

Ngoài ra, trung tâm này còn thu thập, trồng và đang theo dõi những loại cây thuốc quý cần bảo vệ nguồn gen như sâm Phú Yên, bình vôi, xáo tam phân, mật nhân… đang bị khai thác cạn kiệt trong tự nhiên.

 

Kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh, Giám đốc trung tâm, cho biết cây dược liệu ở Việt Nam rất phong phú, được phân bổ ở nhiều vùng miền khắp đất nước, nhưng riêng một sốcây chỉ thích hợp và có dược tính cao nhất khi trồng ở vùng đất Phú Yên. Trước đây, nhiều loài dược liệu quý như xáo tam phân, mật nhân mọc nhiều ở vùng núi Phú Yên. Do có thông tin chúng có khả năng chữa nhiều bệnh, trong đó có bệnh ung thư, nên người ta không ngại “đào tận gốc, bốc tận rễ” để sử dụng, buôn bán. Đây chính là lý do vì sao trung tâm chúng tôi chọn vùng đất cát khắc nghiệt đầy nắng và gió biển này để làm nơi trồng, bảo tồn các loài thuốc quý. Hiện tại, tất cả các loài dược liệu tại đây đều được trồng và chăm sóc theo quy trình VietGAP; cả những cây di thực, như xáo tam phân và mật nhân cũng đang phát triển rất tốt trên vùng đất mới.

 

Song song với trồng cây dược liệu, trung tâm còn sản xuất hàng hóa, đưa ra thị trường các loại sản phẩm: trà túi lọc, cao chiết, bột sấy phun dược liệu các loại. Các sản phẩm này được phân phối đến nhiều nhà thuốc, các công ty dược liệu cũng như các nhà máy dược GMP trên cả nước. Không chỉ vậy, với quy mô sản xuất lớn, đạt tiêu chuẩn chất lượng GACP - WHO, sản phẩm của trung tâm đã xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu như: Đức, Pháp, Hungary và một sốnước châu Á như Nhật Bản, Đài Loan…

 

ĐIỂM ĐÓN DU KHÁCH

 

Không phải là nơi kinh doanh dịch vụ du lịch, nhưng Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung đang thu hút nhiều khách tham quan vì sự đa dạng của các loại cây dược liệu và không gian xanh mát nơi đây.

 

Mới đây, Sở VH-TT-DL, Hiệp hội Du lịch Phú Yên và các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh đã tổ chức khảo sát địa điểm này để đưa vào điểm tour thuộc tuyến du lịch phía Nam của tỉnh.

 

Tại điểm đến này, khách du lịch có thể tham quan, tìm hiểu về các loài cây dược liệu quý, quy trình chăm sóc, sản xuất, chế biến thành sản phẩm dược liệu. Anh Nguyễn Văn Lập, Trung tâm lữ hành Thuận Thảo Travel, cho biết: “Thời gian gần đây, chúng tôi đưa nhiều đoàn khách dừng chân ở điểm này tham quan. Du khách rất thích thú khi biết hình dạng những cây thuốc mà lâu nay họ sử dụng sản phẩm chiết xuất từ nó. Nhiều người thì tỏ ra phấn khích, say mê khi được chụp hình giữa một nông trại dược liệu mênh mông và mua sản phẩm tinh chế trước khi ra về”.

 

Tuy nhiên, theo giám đốc trung tâm này, lợi ích của việc mở cửa đón khách không hẳn chỉ là bán sản phẩm dược liệu cho du khách. Đây chỉ là mục tiêu thứ yếu. Kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh bộc bạch: “Cái chính là chúng tôi muốn mọi người biết về cây thuốc nam của nước mình và những sản phẩm dược liệu sạch 100%. Từ đó, họ có tình cảm và niềm tin với sản phẩm thuốc nam. Lâu nay, sản phẩm của chúng tôi xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới nhưng “dược liệu đạt chuẩn của Việt Nam” vẫn chưa có chỗ đứng xứng đáng trên thị trường trong nước là điều rất trăn trở”.

 

Từ một nơi chuyên trồng và sản xuất dược liệu, để trở thành điểm đến tham quan của khách du lịch, trung tâm cần một số điều chỉnh, sắp xếp hợp lý. Ông Nguyễn Thành Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên, nói: “Về cơ bản trung tâm là điểm dừng chân thú vị của khách tour. Du khách đến Phú Yên ngoài tham quan các di tích, danh thắng, tắm biển, ăn hải sản…, họ còn được tìm hiểu về cây thuốc nam và được mua sản phẩm chính gốc, đảm bảo chất lượng. Nhưng để khách du lịch thoải mái, trung tâm nên bốtrí thêm các lối đi đủ rộng, khu vực chụp hình, tham quan nơi sản xuất, phòng đợi xem phim tư liệu và dùng thử sản phẩm, quầy bán hàng, người hướng dẫn…”.

 

Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, trung tâm có vị trí rất thuận tiện trên tuyến đường ven biển thuộc tuyến du lịch phía Nam của tỉnh. Khách tour sau khi tham quan các điểm di tích Tàu Không số - Vũng Rô, Bãi Môn - Mũi Điện sẽ ghé lại trung tâm tham quan trước khi về TP Tuy Hòa. “Rất vui là giám đốc trung tâm này sẵn sàng hợp tác, mở cửa đón khách du lịch tham quan, mua sắm. Sắp tới, bộ phận nghiệp vụ của sở sẽ tư vấn cho trung tâm hình thành một số cơ sở vật chất cơ bản phục vụ khách du lịch, hướng dẫn các thủ tục để có thể công nhận điểm du lịch địa phương”, ông Bảy nói.

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek