Chủ Nhật, 24/11/2024 21:26 CH
Bảo tồn văn hóa ở Buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh:
Điểm nhấn phát triển du lịch
Chủ Nhật, 23/08/2015 07:00 SA

Trai làng đánh cồng chiêng biểu diễn phục vụ du khách đến buôn Lê Diêm - Ảnh: T.QUỚI

Buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), trải qua nhiều biến thiên, nhưng đồng bào vùng đất này đã vượt qua muôn vàn khó khăn để sinh tồn và còn lưu giữ được những bản sắc văn hóa truyền thống như: sử dụng nhạc cụ cồng chiêng, làm rượu ché, múa xoan, nghi thức lễ bỏ mả, kể sử thi…

 

NHIỀU DI SẢN TRUYỀN THỐNG 

 

Buôn Lê Diêm có 160 hộ là đồng bào dân tộc Ê Đê, cư dân ở đây không chỉ cần cù trong lao động sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, mà còn là những nghệ nhân tài hoa trong lĩnh vực âm nhạc, hát múa, điêu khắc, văn học dân gian truyền miệng… được thể hiện trong các lễ hội. Chính vì vậy, một kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc đã được lưu truyền cho đến ngày nay. Ông Ma Hồng, Trưởng buôn Lê Diêm, nói: “Nếu như các lễ hội đã gắn bó, theo suốt cả một đời người và vòng cây trồng thì nhạc cụ cồng chiêng, điệu múa xoan, trường ca và nghệ thuật điêu khắc không bao giờ vắng bóng trong đời sống cộng đồng người Ê Đê nơi đây”. 

 

Ngoài các lễ hội văn hóa dân gian, buôn Lê Diêm còn khá phong phú về ẩm thực. Trong các lễ hội ở buôn làng, kể cả lễ cúng tại gia đình không thể thiếu rượu ché. Đây là thứ rượu ủ bằng gạo lúa rẫy với men làm bằng nguyên liệu lá cây, củ, rễ… trên rừng. Thức ăn được chế biến theo truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, đơn giản nhưng hương vị đậm đà như thịt bò, thịt gà nướng với muối ớt sả, canh lá sắn nấu với thịt bò hun khói hay phơi nắng và bông đu đủ đực, canh bông nhông nấu với cá sốc sông Ba... Cũng có một món canh nấu với hàng chục loại rau cùng măng tươi, hương vị chính là lá xanh giã với gạo, khi canh chín đông đặc họ gọi đó là canh bồi. 

 

Hiện buôn Lê Diêm đã thành lập một Câu lạc bộ Cồng chiêng và múa xoan với gần 30 “diễn viên”. Nhiều chị em phụ nữ đã khôi phục nghề dệt thổ cẩm. Đặc biệt, buôn này còn có ngôi nhà sàn dài hơn hai mươi sải tay, có bếp lửa chủ và khách, có hoạt động giã gạo bằng cối, chày. Già làng Oi Ký cho biết: “Ở buôn Lê Diêm vẫn còn một số người cao tuổi biết kể chuyện trường ca Sinh Chơ Nhã. Bản trường ca này ca ngợi tinh thần đoàn kết của gia đình, cộng đồng các dân tộc Ê Đê, Gia Rai, Chăm H’Roi; ca ngợi chính nghĩa. Nhân vật Xinh Chơ Nhã đã nhiều lần đánh bại bọn gian ác trong buôn làng, giữ được cuộc sống bình yên cho các dân tộc anh em ở phía đông dãy Trường Sơn”.

 

Du khách rất thích thú khi cùng các sơn nữ buôn Lê Diêm hòa nhịp xoan trong tiếng cồng chiêng và ánh lửa - Ảnh: T.QUỚI

 

BUÔN VĂN HÓA DU LỊCH

 

Việc xây dựng buôn văn hóa, du lịch Lê Diêm nhằm tạo điểm nhấn để phát triển du lịch ở huyện Sông Hinh, từng bước tạo thương hiệu riêng, khai thác thế mạnh du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái hiện có của buôn Lê Diêm. Đồng thời, mô hình này còn giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê với nhân dân trong và ngoài tỉnh.

 

Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Trần Thơ Ấu cho biết: “Năm 2013, UBND huyện đã ban hành đề án Phát triển du lịch huyện Sông Hinh giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Đề án đặt ra mục tiêu, dịch vụ du lịch sẽ đóng góp một phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đó là việc từng bước đầu tư để hình thành kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, xây dựng các tuyến điểm du lịch sinh thái tự nhiên như: Hồ trung tâm thị trấn Hai Riêng; đồi thông và một số điểm du lịch sinh thái thác Draităng (xã Ea Trol), thác Lzoong L Bar, Ebnaobnui (xã Ea Bar), thác H’ Ly (xã Sông Hinh); khu vui chơi giải trí và du lịch buôn Lê Diêm…”.

 

Chúng tôi đến buôn Lê Diêm và được Oi Thao chiêu đãi một bữa cơm gạo lúa rẫy ăn với thịt bò nướng chấm muối ớt kiến vàng và canh bồi. Sau bữa cơm, Oi Thao còn cho chúng tôi thưởng thức rượu ché do chính tay vợ ông bốc bằng men truyền thống, nguyên liệu làm men lấy từ núi Hòn Cồ. Màu rượu sẫm như mật ong, thơm lựng, nồng cay tuyệt vời. Oi Thao vui mừng nói: “Huyện chọn buôn Lê Diêm làm khu du lịch là cơ hội để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của đồng bào Ê Đê; đồng thời tạo điều kiện để bà con chúng tôi làm dịch vụ để tăng thu nhập, cải thiện đời sống”.

 

Theo ông Phan Thanh Quyền, Trưởng Phòng VHTT huyện Sông Hinh, huyện đang tiến hành củng cố các đội cồng chiêng cùng với việc đào tạo đội cồng chiêng trẻ từ 10 đến 14 tuổi, chọn 10 hộ dệt thổ cẩm, 12 người kể sử thi, phục dựng hai lễ hội truyền thống là lễ cúng vòng đời và lễ cầu mưa; phổ biến cách làm rượu ché bằng men rừng để cùng với các món ăn truyền thống và các hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào Ê Đê buôn Lê Diêm để giao lưu văn hóa, phục vụ khách du lịch.

 

Dự án phát triển du lịch huyện Sông Hinh giai đoạn 2011-2015, trong đó buôn Lê Diêm sẽ là điểm hẹn lý tưởng cho khách du lịch từ mọi miền đất nước.

 

Phó giám đốc sở VH-TT-DL Phú Yên, Phạm Văn Bảy: Buôn văn hóa du lịch Lê Diêm góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch

 

Trong chương trình phát triển du lịch hàng năm cũng như chiến lược phát triển du lịch tỉnh Phú Yên, ngành Du lịch luôn xác định đầu tư nâng cao chất lượng các lễ hội văn hóa truyền thống; tôn tạo các di tích lịch sử, thắng cảnh; phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống; phục hồi và phát triển làng nghề truyền thống, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, các món ăn đặc sản địa phương… là những nhiệm vụ trọng tâm phát triển du lịch. Trong đó, buôn Lê Diêm (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh) là một trong ba thôn, buôn văn hóa ở ba huyện miền núi (thôn Xí Thoại, huyện Đồng Xuân; thôn Hòa Ngãi, huyện Sơn Hòa) được chọn làm điểm xây dựng phát triển thành buôn văn hóa du lịch. Các buôn văn hóa du lịch được hỗ trợ một khoản kinh phí cùng với địa phương xây dựng. Đến nay, các buôn nói trên đã có bộ mặt khang trang, hình thành được một số sản phẩm du lịch mang bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa phục vụ khách du lịch như: biểu diễn cồng chiêng, dệt thổ cẩm, làm rượu cần truyền thống bằng men từ vỏ cây, lá rừng…

 

Buôn văn hóa du lịch Lê Diêm đã và đang góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của Phú Yên. Hy vọng địa phương tiếp tục cùng ngành Du lịch xây dựng hoàn thiện, phong phú hơn các sản phẩm du lịch đặc trưng văn hóa đồng bào dân tộc Ê Đê thu hút du khách.

 

QUỲNH MAI (ghi)

 

TRẦN LÊ KHA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Kỳ thú lặn biển ở hòn Mun
Chủ Nhật, 09/08/2015 14:00 CH
E-Marketing du lịch: Quen mà lạ
Chủ Nhật, 09/08/2015 08:39 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek