Một trong những điều khiến du khách phàn nàn khi đến Phú Yên là cung cách của đội ngũ phục vụ ở các nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch. Nhận thức được vấn đề này, nhiều doanh nghiệp đã chủ động bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho chính lực lượng lao động của mình.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 3.600 người lao động trong lĩnh vực du lịch; trong đó trình độ trên đại học chiếm 0,3%, đại học, cao đẳng chiếm 9,5%, trung cấp chuyên nghiệp chiếm 17%, sơ cấp chiếm 26% và số lao động được đào tạo tại chỗ và học các lớp bồi dưỡng ngắn hạn chiếm 47,5%. (Nguồn Sở VH-TT-DL) |
KHÔNG CHUYÊN NGHIỆP, THIẾU KỸ NĂNG
Theo thống kê của ngành Du lịch Phú Yên, số lao động trong ngành được đào tạo tại chỗ và học các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, thậm chí chưa qua đào tạo chiếm khoảng 48%. Thực tế, chất lượng lao động trong lĩnh vực du lịch, nhất là khối lao động trực tiếp còn thấp. Số lao động có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học còn quá ít, phần nhiều là lao động phổ thông được học việc vài ngày, khoác lên bộ đồng phục là trở thành nhân viên phục vụ. Bởi vậy, trong nhiều tình huống, du khách dở khóc dở cười với cách phục vụ không chuyên nghiệp, thiếu kỹ năng. Tôi từng chứng kiến nhiều tình huống như vậy. Ở một quán ăn khá sang trọng, sau khi ăn tô bún, khách gọi phục vụ lại góp ý vì bún quá mặn. Bạn này buông một câu: “Nếu chị ăn thêm một tô nữa em sẽ nói với bếp, giờ chị ăn xong rồi!”. Hay, ở một nhà hàng ven biển, khách gọi hai lẩu mực cơm từ 16 giờ, hai giờ đồng hồ sau, phục vụ mang ra hai lẩu cá thác lác! Cả bàn giận không chịu được.
Một chủ nhà hàng có tiếng ở TP Tuy Hòa thừa nhận, các nhân viên phục vụ ở đây chủ yếu là sinh viên làm bán thời gian, lao động thời vụ, chưa qua đào tạo thì khó có thể phục vụ tốt được.
Điều này cũng không khó nhận thấy nếu bạn trong vai một du khách đến các điểm du lịch. Lễ tân khách sạn thiếu duyên dáng, thiếu kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, hỏng nhiều kiến thức cơ bản về văn hóa, du lịch cũng như thực tế địa phương. Đó là chưa kể trình độ ngoại ngữ là một thử thách lớn mỗi khi phải giao tiếp với khách quốc tế. Bởi vậy, việc nâng chất cho nguồn nhân lực ở khối lao động trực tiếp là vô cùng bức thiết, song song với chiến lược chung về nguồn nhân lực cho toàn ngành.
DOANH NGHIỆP PHẢI CHỦ ĐỘNG
Ông Phạm Văn Bảy, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL, cho biết: Hàng năm, Sở VH-TT-DL bố trí ngân sách để tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ du lịch. Từ năm 2012 đến nay, sở đã tổ chức và phối hợp tổ chức 22 lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch, kiến thức pháp luật, bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm cho cộng đồng...
Ông Đống Lương Sơn trao đổi với các bạn trẻ về nghề phục vụ nhà hàng khách sạn bên lề hội thảo tại Phú Yên - Ảnh: T.QUỚI |
Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng chủ động mời các chuyên gia về nói chuyện và thực hành một số nội dung chuyên môn cho nhân viên. Bà Nguyễn Huỳnh Hạnh Hiếu, Giám đốc Khách sạn Kaya (TP Tuy Hòa), cho biết: “Chúng tôi thường xuyên mời các chuyên gia hàng đầu về quản lý nhà hàng, khách sạn ở TP Hồ Chí Minh đến tư vấn, trao đổi với bộ phận nhân viên về kỹ năng nghề nghiệp. Qua đó, các bạn có thêm kiến thức cũng như kinh nghiệm”.
Mới đây, nhà hàng, khách sạn Yasaka Hương Sen tổ chức hội thảo về nguồn nhân lực cho du lịch Phú Yên. Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phát triển du lịch Phú Yên Trần Quang Nhất, trong phát biểu chỉ đạo, đã đánh giá cao sự chủ động của các doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng lao động tại đơn vị. Phó chủ tịch cũng ủng hộ sự liên kết giữa các doanh nghiệp với trung tâm dạy nghề nghiệp vụ du lịch khách sạn quốc tế Yasaka Saigon - Nha Trang để đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Theo các doanh nghiệp du lịch, nguồn nhân lực trong ngành Du lịch của tỉnh hiện nay là vừa thiếu vừa yếu, chưa đáp ứng nhu cầu công việc. Sinh viên ngành Du lịch hoặc các ngành có liên quan ra trường, thử việc cũng không ít, nhưng hầu hết lao động này phải đào tạo lại, bồi dưỡng kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm.
Để giải quyết bài toán này, các doanh nghiệp phải tổ chức đào tạo lại qua các lớp nghiệp vụ ngắn hạn gắn với thực hành tại chỗ. Ông Đống Lương Sơn, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề nghiệp vụ du lịch khách sạn quốc tế Yasaka Saigon - Nha Trang, cho hay: Trung tâm thường xuyên mở các lớp nghề ngắn hạn (3 tháng) và sẽ có chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và người học; đồng thời cam kết về chất lượng đào tạo, bảo đảm sau khi các học viên kết thúc khóa học đều có thể vào làm việc ngay một cách chuyên nghiệp. Hàng năm, Trung tâm Dạy nghề nghiệp vụ du lịch khách sạn quốc tế Yasaka Saigon - Nha Trang đào tạo từ 5.000 đến 7.000 học viên ở tất cả ngành nghề liên quan đến nhà hàng, khách sạn. “Cách đào tạo của trung tâm là ngoài học lý thuyết, các học viên sẽ được xét chọn để gửi đến các khách sạn nổi tiếng để thực hành trong phần lớn thời gian khóa học. Điều này giúp các bạn vừa ứng dụng, kiểm nghiệm lý thuyết vừa tích lũy kinh nghiệm trong môi trường làm việc chuyên nghiệp”, ông Sơn nói.
Ông Phạm Văn Bảy cho biết: Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được ngành Du lịch xác định là một trong những mục tiêu trọng tâm trước mắt và lâu dài trong kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch của tỉnh. Sở VH-TT-DL đã và tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khối lao động trực tiếp.
TRẦN QUỚI