Các lễ hội truyền thống, những danh thắng nổi tiếng là những điểm đến để mọi người du xuân, vui tết. Bên cạnh đó, tết năm nay các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng có nhiều chương trình đặc sắc phục vụ khách hàng.
DU XUÂN CÙNG LỄ HỘI
Ngày xuân đi đánh bài chòi là một trong những niềm vui thú của nhiều người có tuổi. Ở Phú Yên, hội bài chòi dịp tết gần như địa phương nào cũng có.
Người ta dựng 9, 11 hoặc 13 chòi trên một khu đất rộng. Hội bài chòi là một hình thức diễn xướng dân gian, vừa là trò chơi có thưởng mang đậm màu sắc của lễ hội. Bài chòi Phú Yên vừa được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cùng với các tỉnh miền Trung. Bài chòi đã và đang “phục hưng” và được nhiều bạn trẻ tìm về, nhiều khách du lịch muốn xem một cách đầy đủ một hội đánh bài chòi, nghe những câu hát đối đáp, tìm hiểu về một loại hình nghệ thuật dân gian vô cùng gần gũi, ý nhị.
Ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, ngày tết đều tưng bừng diễn ra lễ hội sông nước. Có thể kể đến những địa phương có lễ hội sông nước đã trở thành truyền thống như: Lễ hội đầm Ô Loan được tổ chức vào ngày mùng 7 tết tại xã An Cư, huyện Tuy An. Phần hội gồm có: đua thuyền rồng, sõng chài, sõng lưới, sõng chống sào, lắc thúng chai, trình diễn: múa siêu, múa lân, hò bá trạo... cùng nhiều trò chơi dân gian khác. Lễ hội đua thuyền sông Chùa (TP Tuy Hòa), được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 7 tết. Lễ hội sông nước Đà Nông (huyện Đông Hòa) được tổ chức vào ngày mùng 8 tết, tại cửa sông Đà Nông. Lễ hội sông nước Tam Giang (TX Sông Cầu) khá quy mô, diễn ra trong hai ngày mùng 5 và mùng 6 tết với rất nhiều hoạt động lễ hội, hội thi như đan lưới, chèo thuyền, bơi thúng… Người dân các huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh và nhiều địa phương khác, ngày tết cũng tưng bừng không kém với những lễ hội liên quan đến sông hồ, là “món lạ” bên cạnh những trò chơi dân gian, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc.
Hội đua ngựa Gò Thì Thùng được tổ chức vào ngày mùng 9 tháng Giêng, tại gò Thì Thùng, xã An Xuân, huyện Tuy An là một trong những lễ hội đặc sắc, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh. Bãi đua là một vùng đất rộng, bằng phẳng trên gò Thì Thùng. Những “kỵ sĩ” là thanh niên, trai làng thường ngày gắn bó với con ngựa trong công việc thồ hàng và những chú ngựa thồ, ngựa kéo xe trở thành những “kỵ mã” uy dũng. Vòng tròn đường đua, vòng tròn hàng nghìn khán giả reo hò cổ vũ càng làm những con ngựa thả sức phi nước đại, tung vó bụi mù về đích trong sự thán phục của nhiều người.
Nhiều lễ hội khác mang đậm tính văn hóa, lịch sử, tâm linh trong những ngày xuân, tiêu biểu không thể bỏ qua với cả người quen lẫn khách lạ khi đến Phú Yên như: Hội thơ Nguyên Tiêu trên núi Nhạn, được tổ chức vào đêm 15 (Rằm tháng Giêng) tại sân tháp Nhạn, TP Tuy Hòa - Hội thơ xuân lâu đời nhất trong cả nước trước khi Ngày Thơ Việt Nam ra đời. Lễ dâng hương tại đập Đồng Cam và nhiều lễ hội khác như: Lễ hội Đền Lương Văn Chánh được tổ chức vào ngày 6 tháng 2, tại xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa); Lễ hội Đền thờ Lê Thành Phương được tổ chức vào ngày 27, 28 tháng Giêng tại xã An Hiệp; Lễ hội Chùa Đá Trắng được tổ chức ngày mùng 10, 11 tháng Giêng tại thôn Cần Lương, xã An Dân (huyện Tuy An); Lễ hội cầu ngư diễn ra từ tháng Giêng đến tháng 8 tại các đình làng và lăng Ông vùng ven biển Phú Yên…
Bên cạnh những lễ hội truyền thống, những danh thắng nổi tiếng độc đáo và kỳ thú như: Gành Đá Đĩa, Bãi Môn - Mũi Điện, các suối nước nóng, những bãi biển đẹp… sẽ là những địa chỉ thú vị cho những người thích tìm hiểu, du lịch dã ngoại trong dịp tết.
TƯNG BỪNG CHƯƠNG TRÌNH TẾT
Tết năm nay, các khách sạn, khu vui chơi cũng đầu tư nâng cấp nhiều dịch vụ mới, nhiều “sự kiện” mang tính cộng đồng thu hút nhiều người và du khách.
Tiêu biểu trong việc tổ chức các sân chơi, sự kiện trong dịp tết phải kể đến khách sạn 4 sao Kaya. Từ 26 tháng Chạp đến mùng 9 tết, gần như ngày nào cũng có sự kiện diễn ra tại đây. Đầu tiên là ngày Lễ Tình nhân 14/2, tại Kaya sẽ diễn ra chương trình “Đêm Tình yêu” với nhiều hoạt động vui chơi giải trí, quà tặng, dịch vụ khuyến mãi, đặc biệt là biểu diễn, phục vụ ghita mộc giúp tình yêu của các đôi thêm lãng mạn, thăng hoa. Kết thúc là chương trình mang tính cộng đồng cao, chương trình “Đầu xuân bàn chuyện kinh doanh”. Chương trình này được phối hợp cùng Hội Doanh nghiệp Phú Yên, Viện Quản trị và Tài chính TP Hồ Chí Minh (IFA) tổ chức với sự góp mặt của nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nhân thành đạt, uy tín trong nước.
Bà Nguyễn Huỳnh Hạnh Hiếu, phụ trách khách sạn Kaya, cho biết: “Kaya xây dựng nhiều chương trình, sản phẩm, dịch vụ mới trong dịp tết nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách tham quan, thưởng lãm và sử dụng dịch vụ. Khâu trang trí của khách sạn được đầu tư công phu với các loại hoa tết, đèn led và điểm nhấn là triển lãm thư pháp, bonsai, xe đạp, vespa cổ suốt trong dịp tết… Nhiều chương trình khác như: ấm áp họp bạn, tiệc buffet các món ăn truyền thống đồng giá 20.000 đồng, buffet kem, chụp hình lưu niệm trong trang phục truyền thống các nước, xem nặn tò he, viết thư pháp… Đặc biệt nhất là lễ hội thịt dê và cuốn bánh tránh dài 40 mét vào chiều mùng 3 tết. Khách có thể tham gia thưởng thức cuốn bánh tráng dài kỷ lục và thịt dê để lấy hên trong năm Ất Mùi”.
Khu sinh thái Thuận Thảo và khách sạn Cendeluxe cũng có nhiều sản phẩm, dịch vụ mới trong dịp tết này. Các chương trình khuyến mại, giảm giá; hoạt động văn hóa, văn nghệ; chương trình cho khách lưu trú trong thời gian giao thừa như: Chương trình đón giao thừa, thưởng thức DJ tại bar Pipas và ngắm pháo hoa. Ông Trần Văn Tuyển, Giám đốc khách sạn Cendeluxe, cho biết: “Đơn vị thực hiện niêm yết công khai bảng giá các loại dịch vụ bán đúng giá niêm yết, đảm bảo khách hàng có thông tin đầy đủ khi sử dụng dịch vụ, sản phẩm”.
Ở Khu du lịch Sao Việt, tết năm nay ngoài nâng cấp, sửa chữa hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất, các hạng mục theo đúng chuẩn cao cấp 5 sao, các dịch vụ vui chơi giải trí, thể dục thể thao; trang trí các con đường hoa xuân, Sao Việt có thêm sản phẩm mới: Chụp hình lưu niệm bằng công nghệ mới.
Một sự kiện khá nổi bật là du khách có thể tham quan, thưởng thức đòn bánh tét kỷ lục dài 18 mét tại Nhà hàng - khách sạn Yasaka Hương Sen. Chương trình sẽ diễn ra trong 2 ngày, 17 và 18/2 (nhằm ngày 29, 30 tháng Chạp). Ông Lê Phước An, Giám đốc Yasaka Hương Sen, cho biết: “Nguyên liệu làm bánh gồm: 250kg nếp, 30kg đậu xanh, 15kg đậu đen, 15kg đậu phụng, 70kg thịt heo, 300 trái chuối, 25 trái gấc, 50kg dừa bào, 15kg lá cẩm; 250kg lá chuối, 20kg dây buộc và 5m3 nước. Bánh có đường kính 0,2m, trọng lượng 450kg. Thời gian nấu bánh là 12 tiếng. Toàn bộ số tiền bán bánh sẽ dành cho công tác từ thiện”.
Hầu hết các khách sạn trên địa bàn thành phố đều tung ra những sản phẩm dịch vụ mới, với nhiều ưu đãi cho khách sử dụng trong dịp tết. Khách sạn Sài Gòn - Phú Yên có sản phẩm mới: Vườn rau sạch Sài Gòn Phố, massage 24 giờ, karaoke 24 giờ, café Tượng. Khách sạn Hùng Vương tặng quà cho khách lưu lại đêm giao thừa và lì xì cho khách vào ngày mùng 1 tết; không tăng giá phòng và dịch vụ vào dịp tết; đảm bảo chất lượng phục vụ, chất lượng ăn uống. Khách sạn Long Beach có sản phẩm mới cà phê sân vườn, chương trình giao lưu hát với nhau, đốt lửa trại, mở tiệc BBQ. Khách sạn Sĩ Kim, Lam Trà 1, Việt Hương, Công Đoàn… cũng có nhiều chương trình đặc biệt phục vụ khách.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, cho biết: “Tết năm nay, rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lưu trú xây dựng các chương trình đặc biệt phục vụ tết góp phần sôi động, phong phú các hoạt động kinh doanh du lịch. Sở VH-TT-DL có công văn chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch, các cơ sở lưu trú thực hiện: Nâng cao chất lượng phục vụ du khách, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý trong dịp tết; xây dựng các chương trình phục vụ khách trong dịp tết; các tour du lịch ăn tết quê; tăng cường công tác trật tự, đảm bảo an toàn cho cơ sở và khách lưu trú…”.
TRẦN QUỚI