Thứ Hai, 25/11/2024 00:35 SA
Phát triển du lịch cộng đồng, tạo sự đa dạng sản phẩm
BÀI CUỐI: Hướng đến sản phẩm du lịch cộng đồng
Thứ Ba, 03/02/2015 14:00 CH

Sở VH-TT-DL Phú Yên phối hợp dự án EU xây dựng đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại làng rau Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc - Ảnh: T.QUỚI

Du lịch cộng đồng, một sản phẩm tưởng như không khó để thực hiện và ai cũng có thể tham gia. Nhưng để hình thành một sản phẩm du lịch cộng đồng đúng nghĩa, thu hút được du khách là cả một câu chuyện dài, đòi hỏi ngành Du lịch và chính người dân phải có cách tiếp cận, xây dựng nó một cách nghiêm túc.

 

Mô hình du lịch cộng đồng - nông nghiệp tại làng rau Trà Quế (TP Hội An, Quảng Nam)

Làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà cách trung tâm TP Hội An khoảng 2km về hướng đông bắc. Hoạt động của khách du lịch tại làng rau Trà Quế gồm: tham quan làng rau bằng cách đi bộ hoặc đi xe đạp; nghe giới thiệu về lịch sử nghề trồng rau, về các loại rau, công dụng và phương thức canh tác rau sạch; trải nghiệm “một ngày làm nông dân trồng rau”, tham gia khóa đào tạo nấu ăn; trải nghiệm ẩm thực những món ăn đặc trưng của người dân Hội An được làm từ rau làng Trà Quế; massgage chân thư giãn với nước thuốc làm từ rau Trà Quế. Làng rau được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận hàng hóa rau Trà Quế, rau an toàn.

Hiện Phú Yên đã hình thành được các thôn văn hóa có thể làm du lịch. Vấn đề là nó cần được triển khai một cách bài bản, đảm bảo xây dựng được sản phẩm đúng nghĩa, “có đầu ra” - thu hút du khách.

 

DÂN LÀNG RAU HÀO HỨNG LÀM DU LỊCH

 

Với người dân, khi tiếp cận làm du lịch cộng đồng đều rất hào hứng. Ông Huỳnh Ngọc Ấn (thôn Ngọc Lãng) cho biết: “Nhà tôi có ruộng rau ngay bên đường giao thông, nên khách du lịch thường xuyên ghé vào tham quan. Những lúc như vậy, gia đình tôi sẵn sàng hướng dẫn, nói chuyện với khách về quy trình, cách thức trồng rau, giải thích công dụng, cách dùng của những loại rau. Nếu được Nhà nước quan tâm hình thành làng du lịch ở đây, không những tôi mà rất nhiều hộ khác sẽ đăng ký tham gia”. Còn bà Nguyễn Thị Thúy, nhà ở gần đình Ngọc Lãng rất thích thú với dự án “nông dân làm du lịch”, nhưng cũng còn băn khoăn vì nhiều điều kiện người dân chưa đáp ứng được ngay. “Mình là nông dân, hiểu biết về du lịch còn hạn chế, trong khi để đón khách du lịch thì cần phải đầu tư thêm nhiều thứ, mà khoản này thì cần đến tiền, trong khi bà con còn nhiều khó khăn nên rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước”, bà Thúy bày tỏ.

 

Theo bà Lê Thị Bích Nguyên - Chủ tịch UBND xã Bình Ngọc, phần lớn bà con trong xã chủ yếu sống bằng nghề trồng rau, trồng hoa. Giá trị kinh tế, thu nhập cũng khá bấp bênh, phụ thuộc nhiều yếu tố ngoại cảnh. Nếu được quan tâm đầu tư hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch trên cơ sở làng nghề sẽ giúp bà con có thêm thu nhập. Về mặt xã hội mang lại lợi ích rất lớn là giải quyết được việc làm, nâng cao trình độ dân trí, cải thiện môi trường tự nhiên cũng như xã hội ở địa phương…

 

Những trăn trở của bà con nông dân là hoàn toàn có cơ sở, bởi việc đầu tư, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp tại thôn Ngọc Lãng nói riêng và trong tương lai mở rộng ra các thôn khác của xã Bình Ngọc cần được xác định là trách nhiệm chung của các cấp chính quyền, ban ngành liên quan và đối tác tham gia hỗ trợ người dân xây dựng sản phẩm phát triển du lịch cộng đồng.

 

Chuyên gia Trương Nam Thắng chia sẻ: “Trong câu chuyện này, mặc dù người nông dân là chủ thể chính, nhưng cần phải có sự chung tay của các cấp, cơ quan quản lý du lịch, các sở, ngành, hội đoàn thể liên quan nhằm hỗ trợ người dân trong việc nâng cao nhận thức, đầu tư tài chính hình thành sản phẩm, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm…”.

 

ĐỊNH HÌNH SẢN PHẨM

 

Theo các chuyên gia du lịch đến từ dự án EU, nhu cầu nổi bật của khách du lịch cộng đồng tập trung ở một số lĩnh vực: Gặp gỡ, giao lưu với cộng đồng cư dân địa phương, trải nghiệm cuộc sống của người nông dân dưới hình thức tham gia vào một số công đoạn sản xuất/canh tác nông nghiệp; tham quan phong cảnh, di tích lịch sử, văn hóa và lối sống của người dân tại nơi đến thăm; nhu cầu về dịch vụ hướng dẫn trải nghiệm; dịch vụ ẩm thực; dịch vụ lưu trú…

 

Trên cơ sở nhu cầu, tâm lý khách du lịch cũng như tiềm năng, thế mạnh của làng rau Ngọc Lãng, các chuyên gia dự án EU đề xuất 3 gói dịch vụ tour, tương ứng với các khoảng thời gian khác nhau: nửa ngày, một ngày, hai ngày có nghỉ lại đêm. Một số hoạt động chính của du khách khi tham gia tour du lịch cộng đồng đến làng rau Ngọc Lãng gồm: tham quan nội thôn Ngọc Lãng, nghe giới thiệu về lịch sử đình Ngọc Lãng, lễ hội hàng năm của cư dân địa phương; đi bộ hoặc xe đạp dạo quanh thôn theo lộ trình đã xác định với một số điểm dừng tại một vài nhà dân tiêu biểu để nghe giới thiệu và tự cảm nhận về không gian, lối sống của cư dân địa phương; tham quan vườn rau, tham dự khóa tập huấn canh tác rau (bao gồm cả việc thực hành trồng rau); trải nghiệm ẩm thực địa phương với một vài món ăn làm từ rau sạch thôn Ngọc Lãng và các sản vật khác như cá bống, lịch, con dắt sông Chùa hoặc tham dự một khóa dạy chế biến một món ăn từ rau sạch; nghỉ tại nhà dân và giao lưu với chủ nhà; tham quan chợ thôn Ngọc Lãng vào buổi sáng.

 

Tuy nhiên, để hướng đến sản phẩm du lịch cộng đồng đúng nghĩa, người dân cần “quy hoạch” lại khuôn viên nhà ở và khu ruộng/vườn trồng rau cho phù hợp với quy trình đón tiếp khách du lịch; mua sắm thêm dụng cụ lao động, trang phục lao động phục vụ cho hoạt động trải nghiệm, dụng cụ nhà bếp phục vụ cho việc tổ chức các bữa ăn của du khách, một số phương tiện vận chuyển (xe đạp) trong thôn. Hình thành các nhóm nông dân đồng sở thích để cung cấp một số dịch vụ trong khả năng của mình và gia đình. Ví dụ như: nhóm cung cấp điểm tham quan, nhóm cung cấp dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, thuyết minh, phương tiện vận chuyển… Các nhóm này sẽ cùng nhau xây dựng và cam kết quy ước hoạt động của nhóm, nhằm tạo ra sự đoàn kết, hợp tác cung cấp dịch vụ, loại trừ việc cạnh tranh không lành mạnh và nâng cao trách nhiệm với cộng đồng.

 

Theo ông Phạm Lương Đôn, Giám đốc Trung tâm Lữ hành Thuận Thảo Travel, để sản phẩm du lịch cộng đồng hoàn chỉnh và hấp dẫn du khách, ngoài việc nâng cấp cơ sở hạ tầng thì việc cần thiết nhất là đào tạo kỹ năng giao tiếp và quản lý cho người dân địa phương. Người chủ nhà làm du lịch cộng đồng trước hết phải là người yêu thích du lịch và có kiến thức về du lịch, văn hóa, xã hội, đồng thời phát triển thêm các sản phẩm du lịch ẩm thực, các vật phẩm đặc trưng…

 

Một số nội dung triển khai sau khi đề án được phê duyệt:

- Tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện

- Làm việc, vận động các đối tác để tìm nguồn vốn đầu tư

- Xác định cụ thể hộ gia đình để lên phương án hỗ trợ đầu tư thí điểm

- Mở các lớp tập huấn về kiến thức du lịch cơ bản cho người dân.

- Đầu tư đường nội bộ vào ruộng/vườn rau các hộ gia đình được chọn làm điểm tham quan.

- Vận hành thử nghiệm sản phẩm

- Giới thiệu sản phẩm mới đến các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện truyền thông…

(Dự thảo đề án Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng và dịch vụ du lịch tại làng rau Ngọc Lãng - Bình Ngọc)

  

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek