Thứ Hai, 25/11/2024 00:24 SA
Phát triển du lịch cộng đồng, tạo sự đa dạng sản phẩm
Bài 2: Từ sản phẩm tự phát đến đề án thí điểm
Thứ Hai, 02/02/2015 09:05 SA

Đình Ngọc Lãng, nơi lưu giữ nhiều sắc phong, chiếu chỉ các vua triều Nguyễn, là địa chỉ để du khách tìm hiểu văn hóa xưa - Ảnh: T.QUỚI

Những sản phẩm du lịch cộng đồng luôn làm du khách thích thú bởi được trải nghiệm nét văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền. Ngoài 3 thôn, buôn văn hóa người đồng bào dân tộc ở 3 huyện miền núi, ở ngay TP Tuy Hòa, một ngôi làng có truyền thống làm nghề trồng rau, hoa và là nơi lưu giữ nhiều thiết chế văn hóa làng đang được xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng, đó là thôn Ngọc Lãng (xã Bình Ngọc).

 

NHIỀU LỢI THẾ

 

Ngọc Lãng xưa được hình thành trên những bãi bồi ở phía bắc cửa sông Đà Rằng, phía nam sông Chùa (một nhánh khác của sông Đà Rằng) với tên gọi ban đầu là Nguyệt Tiên Đông, Nguyệt Lãng. Về sau tên làng đổi thành Ngọc Lãng với ý nghĩa là “viên ngọc sáng”. Từ trên núi Nhạn nhìn xuống, Ngọc Lãng được bao quanh bởi hai nhánh sông như một ốc đảo xanh nằm giữa vùng ven đô đang có xu hướng đô thị hóa với tốc độ nhanh. Dòng sông Chùa với những chiếc thuyền nhỏ đánh bắt thủy sản vào sáng sớm; những ruộng rau, ruộng hoa chạy quanh thôn, xen trong vườn nhà quanh năm xanh tốt như một bức tranh thủy mặc, là lợi thế cho địa phương trong việc phát triển các loại hình dịch vụ du lịch cộng đồng.

 

Tài nguyên nhân văn ở đây cũng phong phú và độc đáo với nhiều thiết chế văn hóa như chùa, đình làng mà tiêu biểu là đình Ngọc Lãng. Theo các cứ liệu lịch sử, đình Ngọc Lãng được xây dựng trước năm 1852. Đình nằm trong khuôn viên rộng 2.740m2, mặt tiền quay về hướng nam, kiến trúc theo lối truyền thống đình làng Việt Nam. Đối tượng thờ cúng ở đình Ngọc Lãng bao gồm: Thành hoàng làng, thần Bạch Mã, các bậc tiền hiền, hậu hiền, thổ công... Trong đó, Thành hoàng làng và thần Bạch Mã được các vua triều Nguyễn ban sắc phong. Các vị tiền hiền được nhân dân thờ tự trong đình gồm: Lê Văn Xuyến, Lê Văn Lưu, Lê Thị Lỗi là những người có công với đất nước và địa phương trong công cuộc khai phá đất đai, quy dân lập ấp. Hiện đình Ngọc Lãng còn lưu giữ một bản chiếu chỉ và sáu bản sắc phong của các vua triều Nguyễn.

 

Đình Ngọc Lãng không chỉ là cơ sở thờ tự của làng mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư, có ý nghĩa lớn về mặt lịch sử - văn hóa. Tháng 4/2013, đình Ngọc Lãng được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

 

Nghề truyền thống trồng rau, trồng hoa ở Ngọc Lãng là điều kiện quan trọng để có thể hình thành sản phẩm du lịch cộng đồng. Toàn xã Bình Ngọc (trong đó có 3 thôn: Ngọc Lãng, Ngọc Phước 1, Ngọc Phước 2) có 42ha đất trồng rau, trong đó 20ha trồng rau an toàn, được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận, với hơn 230 gia đình làm nghề trồng các loại rau ăn sống quanh năm như: cải, xà lách, rau thơm, mồng tơi, hành lá... Nghề trồng hoa cúc, lay ơn cũng gắn bó với người dân nơi đây và định hình trên vùng đất phù sa ven sông này suốt mấy chục năm qua. Ngoài ra, một số gia đình có các nghề thủ công như làm bánh tráng, nghề gia công giày, dép, đánh bắt thủy sản trên sông Chùa (con lịch là đặc sản độc đáo của vùng đất này)…

 

Chuyên gia Trương Nam Thắng và Đỗ Đình Cương (chuyên gia dự án EU - Tổng cục Du lịch), trong quá trình khảo sát thực địa đã phải xuýt xoa vì tiềm năng, tài nguyên du lịch phong phú và đặc sắc nơi đây. Ông Đỗ Đình Cương cho biết: “Làng Ngọc Lãng có một vị trí địa lý, nét văn hóa, làng nghề rất tuyệt vời. Đã trải nghiệm nhiều làng văn hóa du lịch, tôi thấy Ngọc Lãng không thua kém bất cứ nơi nào và mang nét đặc trưng rất riêng. Có điều nơi đây chưa được đầu tư phát triển một cách bài bản để trở thành sản phẩm du lịch chuyên nghiệp”.

 

TỪ SẢN PHẨM DU LỊCH TỰ PHÁT

 

Với những điều kiện thuận lợi như vậy, những năm gần đây, nhiều du khách đã đến Ngọc Lãng để tham quan, trải nghiệm cùng với bà con nông dân, trong đó có cả khách quốc tế. Tuy nhiên, đây chỉ là cách làm tự phát và sự chủ động khai thác của những công ty lữ hành hoặc khách du lịch đi theo nhóm tự tổ chức.

 

Tiêu biểu cho hình thức khai thác này là cách làm của Công ty THHH Dịch vụ - Du lịch Tuy Hòa (Tuy Hòa Tourist). Tuy Hòa Tourist đang xây dựng và chào bán tour “Một ngày làm nông dân làng rau Ngọc Lãng” với những hoạt động: Tham quan Tháp Nhạn cổ kính, ngắm toàn cảnh TP Tuy Hòa và làng rau Ngọc Lãng từ trên cao; tham quan đình Ngọc Lãng; giao lưu cùng với người dân nơi đây để tìm hiểu về cách trồng hoa, trồng rau, thưởng thức bắp nướng (theo mùa), sắn luộc ngay trên những cánh đồng rau; thu hoạch rau, đi chợ bán rau, cùng người dân vào bếp chế biến những món ăn đồng quê dân dã. Ông Lê Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Tuy Hòa Tourist, cho biết: “Trong bối cảnh du lịch của tỉnh chưa có nhiều sản phẩm, chúng tôi muốn xây dựng tour này như một sự khám phá trải nghiệm, giúp du khách có thêm sự chọn lựa khi đến Phú Yên. Sản phẩm du lịch thử nghiệm đang được du khách đánh giá cao”.

 

Bà Nguyễn Thị Thúy, nhà ở gần đình Ngọc lãng, cho hay: “Thỉnh thoảng nhà tôi tiếp đón khách du lịch, có người nước ngoài nữa. Họ ra ruộng xem mình làm đất, trồng rau hoặc thu hoạch và xắn tay cùng làm thử. Những sản phẩm rau thu hái được họ mang vào bếp, mình hướng dẫn nấu canh và cùng ăn cơm. Họ thích lắm”.

 

Chị Meave, du khách đến từ nước Úc cảm nhận: Nông dân ở đây thật “giàu có” vì có nhiều đất và không gian sống tuyệt vời. Những cánh đồng rau, hoa trông thật mát mẻ khiến người ta quên đi sự mệt mỏi, ồn ào của đô thị. Tôi rất thích “một ngày làm nông dân” ở đây.

 

ĐẾN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG

 

Điều hạn chế lớn nhất ở thôn Ngọc Lãng để có thể phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng là hạ tầng và nguồn lực. Hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh, nhưng những con đường quá nhỏ hẹp. Hệ thống điện lưới đã bao phủ toàn thôn, nhưng khi đưa ra ruộng phục vụ tưới tiêu thì cứ như mạng nhện trên đầu, mất an toàn. Vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, nhất là đường sá, khu vực công cộng, ven sông… Cơ sở cung cấp dịch vụ nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của người dân trong thôn và mua bán sản phẩm rau vào vụ thu hoạch. Nói cách khác, điều kiện phát triển du lịch tại thôn Ngọc Lãng hiện ở xuất phát điểm rất thấp. Hiện nay không có thống kê nào nói về số liệu khách du lịch đến thăm quan làng rau hàng năm. Trên các trang web quảng cáo về du lịch thông tin tour du lịch trải nghiệm làng rau Ngọc Lãng cũng khiêm tốn…

 

Để phát huy lợi thế tiềm năng du lịch nơi đây, việc xây dựng một đề án phát triển thành làng văn hóa du lịch là rất cần thiết. Ông Hồ Văn Tiến, Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, cho biết: Xuất phát từ nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh, thực tế tiềm năng của địa phương, Sở VH-TT-DL phối hợp Ban quản lý dự án EU (Tổng cục Du lịch) tiến hành khảo sát, lập đề án Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại làng rau Ngọc Lãng. Đề án này đã qua 2 lần hội thảo, lắng nghe ý kiến trực tiếp của nông dân, nhà quản lý các ngành có liên quan, địa phương và các chuyên gia du lịch. Sở VH-TT-DL tiếp tục lấy ý kiến các sở, ngành liên quan một lần nữa để hoàn chỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt và sẽ triển khai ngay trong năm 2015.

 

Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch), Giám đốc Dự án EU Vũ Quốc Trí: Cần các giải pháp đồng bộ và nâng cao nhận thức người dân

 

Việc xây dựng phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng nói chung và tại làng rau Ngọc Lãng nói riêng cần sự vào cuộc mạnh mẽ của nhiều sở, ngành liên quan. Việc đầu tiên cần phải làm để thay đổi hiện trạng là xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng - nông nghiệp và dịch vụ du lịch đạt chuẩn ở làng rau Ngọc Lãng. Đương nhiên cũng phải giải quyết đồng bộ một số vướng mắc hiện tại để đảm bảo một khi sản phẩm mới ra đời thì sẽ được đưa vào vận hành một cách hiệu quả.

 

Trong du lịch cộng đồng, người dân địa phương là chủ thể chính. Chính cuộc sống, phong tục tập quán, cách thức lao động thường ngày của họ sẽ kích thích du khách tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm. Bởi vậy, một trong những việc làm cần thiết phải tiến hành ngay và liên tục là nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa, du lịch.

 

Đề án này sau khi hoàn thành và thực hiện sẽ đưa hoạt động du lịch tại đây vào nề nếp, góp phần nâng cao chất lượng và tính hấp dẫn của chương trình du lịch hiện có của Phú Yên, nâng cao đời sống nông dân. Đây còn là hình mẫu để phát triển những sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp tương tự tại những địa phương khác trong tỉnh.

 

Q.MAI (ghi)

 

Bài cuối: Hướng đến sản phẩm du lịch cộng đồng đúng nghĩa

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek