Trong lần trở lại Phú Yên mới đây, PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch (Bộ VH-TT-DL) cho rằng, du lịch Phú Yên có những phát triển nhất định, nhưng còn chậm so với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Sẽ rất khó để đạt mục tiêu đề ra trong chiến lược của tỉnh nếu tỉnh không quyết tâm đột phá. Báo Phú Yên đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Phạm Trung Lương xung quanh nội dung này.
* Thưa PGS.TS Phạm Trung Lương, với tư cách là người trực tiếp tham gia xây dựng quy hoạch du lịch Phú Yên những năm trước, sau nhiều năm trở lại ông có nhận xét gì về sự phát triển?
- Tôi thấy có sự phát triển trên nhiều mặt như: sản phẩm, dịch vụ du lịch; hạ tầng kỹ thuật; hệ thống cơ sở lưu trú đủ để đáp ứng các sự kiện tầm quốc gia, quốc tế với một lượng khách lớn, khách VIP. Một trong những điểm nhấn mà theo tôi là tiền đề mang tính nền tảng và chiến lược đó là việc Phú Yên đã xây dựng, nâng cấp sân bay Tuy Hòa. Khi làm quy hoạch thì chưa được như bây giờ.
PGS.TS Phạm Trung Lương - Ảnh: T.QUỚI |
Sân bay Tuy Hòa khá hiện đại, đủ khả năng đón, trả các loại máy bay A320, A321. Điều này là một thuận lợi lớn để du lịch Phú Yên kết nối với hai đầu đất nước, là “cửa ngõ ra biển Đông” của các tỉnh Tây Nguyên.
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng, mức độ phát triển du lịch của Phú Yên thời gian qua vẫn còn chậm so với tiềm năng, thế mạnh cũng như sự kỳ vọng của tỉnh và những người làm du lịch.
* Mục tiêu được nêu trong chiến lược phát triển du lịch Phú Yên đến năm 2020 và tầm nhìn 2025 là trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn trong cả nước; được công nhận một khu du lịch quốc gia tại vịnh Xuân Đài… Với đà phát triển như hiện nay, liệu có hoàn thành được những mục tiêu trên, thưa PGS.TS?
- Như đã đề cập, mức độ phát triển du lịch của Phú Yên thời gian qua chưa thật sự có bước đột phá, rất khó để có thể hoàn thành những mục tiêu lớn như vậy nếu như ngay từ bây giờ tỉnh không tập trung xây dựng một lộ trình cụ thể với những mục tiêu thành phần.
Những mục tiêu lớn về du lịch không chỉ trông chờ vào nội lực của địa phương, của doanh nghiệp, mà còn cần có sự hỗ trợ, đầu tư cần thiết từ Trung ương cũng như các nguồn lực khác. Điều này đòi hỏi sự quyết tâm và năng động hơn nữa của lãnh đạo địa phương và những người làm công tác quản lý nhà nước về du lịch.
* Theo ông, đâu là những điểm mà du lịch Phú Yên cần đột phá để tạo đà phát triển nhanh và bền vững?
- Theo tôi có hai điểm mấu chốt cần đột phá để tạo đà phát triển nhanh và bền vững, một là sản phẩm du lịch; hai là hạ tầng kỹ thuật.
Đối với sản phẩm du lịch tỉnh cần định hướng xây dựng các sản phẩm là thế mạnh của địa phương với nhiều loại hình, dịch vụ phong phú, tạo điều kiện để du khách chọn lựa và tiêu tiền. Với Phú Yên, thế mạnh vẫn là biển, đảo. Tuy nhiên cần phải suy nghĩ cách làm thế nào để sản phẩm của ta phải mang tính đặc trưng, riêng có, hoặc vượt trội hơn về tính hấp dẫn so với những sản phẩm đã có trước đó. Sự trùng lắp là nhàm chán. Hơn nữa, chúng ta là địa phương phát triển du lịch sau nên có những lợi thế, kinh nghiệm nhất định trong chọn lựa và sáng tạo để tạo ra những sản phẩm đặc trưng.
Tháp Nhạn - một trong những điểm tham quan cho du khách khi đến Phú Yên - Ảnh: M.NGUYỆT |
Đối với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hạ tầng giao thông, Phú Yên đã có sân bay Tuy Hòa tương đối hiện đại, hầm đường bộ qua đèo Cả, các tuyến quốc lộ nối với Tây Nguyên cũng đã hình thành, hệ thống dịch vụ đường sắt cũng ngày một cải thiện tốt hơn. Những điều này là cơ sở để Phú Yên kết nối với các địa phương, vùng miền.
Đặc biệt, đường hàng không có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ngành Du lịch. Tỉnh cần huy động nhiều nguồn lực, sớm có giải pháp để sân bay Tuy Hòa có thể phát huy được công suất với máy bay lớn hơn hiện tại và tầng suất các chuyến bay tăng lên trong tuần.
* Hiện nay, kinh phí cho công tác xúc tiến, quảng bá của tỉnh là hết sức eo hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu. Theo kinh nghiệm của PGS.TS, giải pháp nào để khắc phục khó khăn này?
- Câu chuyện về kinh phí dành cho xúc tiến, quảng bá du lịch là một câu chuyện dài và cam go với cả Trung ương chứ không riêng gì địa phương. Đối với những địa phương có nền du lịch phát triển thì kinh phí dành cho nội dung này còn khá, với những địa phương khó khăn thì rõ ràng phải “liệu cơm gắp mắm”.
Vậy nhưng khó cũng phải tìm cách giải quyết, vì đây là một trong những nội dung thiết yếu quyết định sự phát triển du lịch một cách căn cơ. Theo tôi, ngoài ngân sách ưu tiên cân đối cho lĩnh vực này và huy động nguồn lực từ doanh nghiệp…, điều cơ bản nhất là tỉnh cần có các chính sách ưu đãi phù hợp đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở Phú Yên quá ít, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi vậy tỉnh cần tạo điều kiện thuận lợi cho họ phát triển trước khi tính đến chuyện thu thuế và các trách nhiệm khác.
* Xin cảm ơn PGS.TS về cuộc phỏng vấn này!
TRẦN QUỚI (thực hiện)