Ninh Thuận không chỉ nổi tiếng với các đặc sản ẩm thực như: nho, tỏi, táo mà người Ninh Thuận còn được thừa hưởng rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, những di tích lịch sử, những làng nghề truyền thống lâu đời, trong đó, không thể không kể đến làng gốm Bàu Trúc của đồng bào Chăm.
Nằm cách TP Phan Rang gần 10 km, ngay trên đường quốc lộ 1, làng gốm Bàu Trúc ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận tự hào là một trong hai làng gốm cổ nhất Đông Nam Á. Đến tham quan nơi làm gốm Bàu Trúc, mọi người chắc chắn sẽ ngạc nhiên vì những bình hoa, lu, chậu, tượng thần nặn từ đất sét mang đậm bản sắc người đồng bào Chăm. Không những vậy, du khách còn được xem cách làm các sản phẩm gốm của các nghệ nhân trong làng và hấp dẫn nhất vẫn là được trải nghiệm thực tế dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân.
Gốm Bàu Trúc được làm từ đất sét sông Quao trộn với cát. Đất chỉ được lấy một lần/năm, mỗi lần lấy đất kéo dài nửa tháng. Đất được lấy nhiều hay ít tùy vào khả năng của người lấy. Tới mùa lấy đất, hầu như mọi người đều đem đất về trữ sẵn tại nhà để dùng trong cả một năm. Đất sét và cát pha kèm với một ít nước, nhào cho thật mịn, dính lại với nhau và đặt lên bàn.
Bà Đan Thị Gia, 80 tuổi, một nghệ nhân làng gốm, cho biết: Người dân làng Bàu Trúc vẫn giữ cách làm gốm nguyên sơ từ bao đời. Cách làm gốm không cần bàn xoay mà người thợ phải xoay quanh sản phẩm. Những chiếc lọ, chiếc đĩa dần hiện ra sau mỗi lần xoay vòng và khi người thợ dừng xoay cũng là lúc sản phẩm được hoàn thành. Được làm nhiều nhất là những bức phù điêu hình phụ nữ Chăm, hình những vị vua, thần Silva, vũ nữ và các vật dụng hàng ngày. Đây chính là điểm độc đáo nhất của làng gốm cổ này.
Các hoa văn trang trí bằng những vỏ sò, con ốc hoặc được vẽ bằng tay hình sóng nước, hình răng cưa, hình những con thuyền, các loài hoa đơn giản. Không cần lò nung, người thợ Bàu Trúc chỉ dùng rơm, củi khô chất thành đống rồi đốt. Các sản phẩm làm xong đều mang màu nâu đỏ tự nhiên của đất hoặc vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám… đặc trưng của nền văn hóa Chămpa. Cách làm này giúp cho những bình nước giữ được độ mát của nước chứa bên trong.
Làng nghề gốm Bàu Trúc trải qua nhiều thăng trầm, nhưng nhiều hộ dân vẫn duy trì như một nhu cầu, nét văn hóa truyền thống. Nghệ nhân Đan Thị Gia nói: “Gia đình tôi có truyền thống làm nghề gốm lâu đời nhất ở đây, cha truyền con nối, lúc thịnh hay suy tôi cũng cố giữ lấy nghề. Bây giờ, nhờ du lịch phát triển gốm Bàu Trúc được nhiều người biết đến. Để làm được một sản phẩm gốm đẹp và tinh xảo, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ của người thợ”.
THẢO LINH