Là một trong những đơn vị trực thuộc Trung đoàn 451 (Vùng 4 Hải quân), Trạm ra đa 560 có nhiệm vụ quan sát, trinh sát phát hiện và quản lý chặt chẽ các mục tiêu trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Trung đoàn 451 có 4 trạm ra đa trực thuộc là 560, 565, 570 và 575. Trong đó, Trạm ra đa 565 đóng quân trên đảo Hòn Tre (TP Nha Trang), Trạm ra đa 570 đóng quân ở đảo Bình Ba (TP Cam Ranh, Khánh Hòa), Trạm ra đa 575 đóng quân ở đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), còn Trạm ra đa 560 đóng quân ở núi Chóp Chài (TP Tuy Hòa).
Nhìn xa, trông rộng
Để đến với các trạm ra đa 565, 570, 575, chúng ta đều phải đi bằng thuyền trước khi lên đảo, còn Trạm ra đa 560 hoàn toàn nằm trên đất liền, gồm khu A ở chân núi và khu B ở đỉnh núi Chóp Chài có độ cao gần 400m so với mặt nước biển.
Ấn tượng của chúng tôi và nhiều người khi đến với Trạm ra đa 560 là hệ thống biển bảng chính quy, vườn hoa, sân tập thể thao, khu tăng gia sản xuất… Mỗi công trình vừa tạo điểm nhấn, vừa khơi dậy việc học tập và làm theo gương Bác bằng việc làm thiết thực, vừa phục vụ đời sống, sinh hoạt hàng ngày cho bộ đội. Đặc biệt, ở khu A - doanh trại chính, cán bộ, chiến sĩ xây dựng một công viên trước sân chào cờ của đơn vị rộng khoảng 600m2. Kết cấu của công viên gắn với đặc thù hoạt động của người lính ra đa, biểu tượng cánh sóng ở giữa; có hồ nước, hòn non bộ, bồn hoa, cây cảnh và ghế đá được kê xen kẽ. Đại úy Nguyễn Biên, Chính trị viên Trạm ra đa 560 cho biết đây là công trình chào mừng đại hội đảng các cấp, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020) của đơn vị.
Để đến với khu B - đài quan sát trên đỉnh núi Chóp Chài, chúng tôi phải vượt qua đoạn đường ngoằn ngoèo, đèo dốc gần 3km bằng xe máy. Từ đây, “mắt biển” 560 có thể bao quát một vùng non nước Phú Yên hữu tình. Và cũng ở điểm cao gần 400m so với mực nước biển này, những người lính ra đa có thể quan sát tường tận, phát hiện các mục tiêu trên biển và không phận tầm thấp từ Cù Lao Xanh đến mũi Đại Lãnh ra xa hàng trăm hải lý.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là nhìn thấu những diễn biến đang xảy ra trên mặt biển và không phận tầm thấp của Phú Yên kể cả ban ngày hay ban đêm, trời nắng hay trời mưa. Thời gian qua, trạm luôn tập trung quân số trực cao nhất, quan sát, phát hiện nhiều mục tiêu tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển, lãnh hải của Việt Nam. Những trường hợp này đều được báo cáo kịp thời về cấp trên, Bộ CHQS và BĐBP Phú Yên xử lý, giải quyết”, đại úy Nguyễn Biên cho biết.
Không chỉ góp phần đảm bảo chủ quyền, an ninh biển đảo, Trạm ra đa 560 còn là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển. Với tầm quan sát rộng, nên khi thấy các tàu cá của ngư dân xảy ra sự cố, trạm có thể liên hệ, hiệp đồng cùng các đơn vị bạn làm tốt nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn, hỗ trợ ngư dân kịp thời.
Việc kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị được thực hiện thường xuyên. Ảnh: LẠC HỒNG |
Đài, trạm là nhà
Trạm trưởng Trạm ra đa 560 là thiếu tá Nguyễn Văn Phúc. Trước khi được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ là người chỉ huy cao nhất ở đây, anh từng nhiều năm công tác ở đảo Bình Ba. Anh cho biết: Các đài ra đa được đặt trên các đỉnh núi cao, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, song cán bộ, chiến sĩ ra đa luôn xác định rõ nhiệm vụ, quyết tâm hoàn thành tốt công tác quan sát, quản lý các mục tiêu trên biển và không phận tầm thấp.
Theo thiếu tá Nguyễn Văn Phúc, vào mùa hè, ở khu vực Chóp Chài thường xuyên xuất hiện mưa giông, sấm sét. Khu B đóng trên đỉnh núi cao có nhiều trang thiết bị chuyên dụng nên chịu ảnh hưởng mạnh. Không chỉ đảm bảo an toàn cho người, đơn vị còn phải đảm bảo an toàn cho khí tài để phục vụ nhiệm vụ chung. Vì vậy, những lúc mưa giông, sấm sét như thế, anh em bảo hộ bằng việc cách ly khỏi mặt đất, không chạm tay trực tiếp vào khí tài để đảm bảo an toàn, nhưng mắt vẫn không rời màn hình, quan sát liên tục. Bởi vì tàu thuyền hoạt động và qua lại trên vùng biển Phú Yên rất nhiều nên mục tiêu hoạt động cũng rất phức tạp; phải tập trung quan sát cao độ mới phát hiện được mục tiêu, báo cáo chính xác cho cấp trên. “Ở đỉnh Chóp Chài, nước sinh hoạt là nước trời. Cấp trên đã đầu tư xây bể chứa, dự trữ nước mưa nhưng anh em phải hết sức tiết kiệm mới đủ dùng và còn san sẻ cho những đơn vị bạn. Trường hợp thiếu, bộ đội phải xuống núi vác nước lên. Một lần đi phải mất hơn 2 giờ, nhưng mỗi người cũng chỉ vác nổi chừng 20 lít”, thiếu tá Nguyễn Văn Phúc chia sẻ.
Với những người lính ra đa hải quân nói chung, Trạm ra đa 560 nói riêng, màn hiện sóng ra đa được ví như chiến trường, còn “đài, trạm là nhà, biển đảo là quê hương”. Và họ luôn tự hào là “mắt thần của biển”, trông coi vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.
Một trong những người có thâm niên gắn bó với nhiệm vụ “canh trời giữ biển” suốt 30 năm qua là thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Phan Tuấn Dũng. Người lính trắc thủ ra đa sinh năm 1971, quê Thái Bình này nhập ngũ vào lính hải quân năm 1992. Trước khi đặt chân lên đỉnh Chóp Chài và gắn bó với đỉnh cao này từ năm 2017 đến nay, anh từng công tác ở các đảo Bình Ba, Song Tử Tây, Phan Vinh, Tốc Tan, Đá Lát… Ngoài nhiệm vụ trắc thủ, phần lớn thời gian rỗi anh dành cho việc chăm sóc cây cảnh và gần chục con chim nuôi như chóc mào, chích chòe, cu gáy…
“Mỗi tháng tôi chỉ xuống núi một lần. Ngày thường, anh em trực luân phiên 24/24. Còn ngày tết, quy định đảm bảo trực 100% quân số nên lính ra đa chúng tôi đã xác định rõ tư tưởng và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ở đỉnh Chóp Chài này, ngoài đồng đội trong đơn vị là người nhà, chúng tôi còn có những người hàng xóm thân thiện làm nhiệm vụ hàng ngày ở trạm phát sóng của PTP. Ngoài ra, thỉnh thoảng lãnh đạo cấp trên và một số cơ quan, đơn vị cũng đến thăm, động viên, khích lệ tạo động lực cho chúng tôi phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ”, thiếu tá Phan Tuấn Dũng chia sẻ.
Đóng quân ở 2 nơi, việc đi lại khó khăn, nhưng vượt lên tất cả, Trạm ra đa 560 vẫn luôn duy trì linh hoạt các chế độ trong ngày, trong tuần; tổ chức tốt công tác huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ, huấn luyện quân sự... theo đúng kế hoạch đảm bảo nội dung, thời gian, an toàn tuyệt đối về người và vũ khí thiết bị. Kết quả kiểm tra đều đạt khá, giỏi.
Ngoài nhiệm vụ “canh trời, giữ biển”, những người lính ra đa 560 còn tăng gia sản xuất. Trong đó, đàn gia cầm (gà, vịt) luôn duy trì hàng trăm con; đàn heo hơn 20 con; ao cá với nhiều loại như trắm, chép, trê… lúc nào cũng có thể giúp cải thiện bữa ăn cho bộ đội. Công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho bộ đội cũng được cấp ủy, chỉ huy đơn vị đặc biệt chú trọng, nhất là trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Đơn vị đã chủ động phòng, chống có hiệu quả không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan. Ngoài ra, đơn vị còn thường xuyên tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao với các đơn vị bạn trên địa bàn đóng quân, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tham gia, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trước thềm năm mới Nhâm Dần 2022, thiếu tá Nguyễn Văn Phúc chia sẻ: “Tết đến, xuân về, đây là thời điểm nhạy cảm, nhất là hướng biển. Vì vậy, trạm vừa triển khai kế hoạch vui xuân, đón tết theo phong tục truyền thống, vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ bình yên biển đảo của Tổ quốc”.
LẠC HỒNG