Mới đây, tại TP Tuy Hòa, Tỉnh đoàn Phú Yên phối hợp với Trung tâm Truyền thông TN-MT thuộc Bộ TN-MT tổ chức hội thảo “Bảo vệ TN-MT biển hướng đến sự phát triển bền vững”. Hội thảo là dịp để các đại biểu trao đổi và đề ra nhiều giải pháp bảo vệ TN-MT biển, qua đó nâng cao nhận thức của cộng đồng hướng tới sự phát triển bền vững.
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: LỆ VĂN |
Cần cơ chế chính sách
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN-MT, nhấn mạnh: Những năm gần đây, biển và đại dương đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững về kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh và đối ngoại, hợp tác quốc tế. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của mọi tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và mỗi người dân về vị trí, vai trò của biển đảo, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển hướng tới sự phát triển bền vững TN-MT biển Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là rất quan trọng và cần thiết.
Bởi cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đời sống của các tầng lớp nhân dân ngày càng nâng cao; nâng lên trình độ tri thức, nhận thức nói chung và nhận thức về chính sách, pháp luật về biển, hải đảo nói riêng. Việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của toàn xã hội về bảo vệ và phát triển bền vững TN-MT biển nhằm tạo ra tốc độ phát triển nhanh, hiệu quả cao từ tiềm năng kinh tế biển; góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, hiện nay, nhiều địa phương chưa có cơ chế, chính sách phù hợp, thống nhất và đồng bộ để xây dựng một quy hoạch tổng thể cho việc triển khai tiềm năng tài nguyên biển và hải đảo. Việc phát triển kinh tế biển mới ở giai đoạn khởi đầu, trong khi đó tiềm năng, lợi thế của biển, đảo là vô cùng to lớn. Do đó, để phát triển mạnh kinh tế biển Việt Nam, Nhà nước phải có một cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp và đồng bộ cùng với nguồn lực đầu tư đúng hướng, đủ mạnh.
Báo cáo hiện trạng môi trường của Bộ TN-MT cho thấy, môi trường sinh thái biển Việt Nam tiếp tục suy giảm, tính đa dạng sinh học nhất là vùng ven bờ ngày càng bị đe dọa. Rừng ngập mặn bị tàn phá nghiêm trọng. 90% rạn san hô bị đe dọa hủy hoại. Khoảng 85 loài hải sản trong tình trạng nguy cấp ở nhiều mức độ khác nhau, trong đó 70 loài đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam.
Đặc biệt, những năm gần đây, tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên đã xảy ra hiện tượng thủy triều đỏ gây thiệt hại lớn cho ngành nuôi trồng thủy sản. Chưa kể ô nhiễm không khí cũng có tác động mạnh mẽ tới môi trường sinh thái biển, bởi nồng độ khí cacbonic trong không khí gia tăng sẽ làm lượng cacbonic trong nước biển tăng, dẫn đến thay đổi môi trường sống của các loài thực vật biển…
Chung tay để bảo vệ môi trường biển
Tại Phú Yên, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động về phát triển kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là Khu kinh tế Nam Phú Yên với mục tiêu tổng quát của chương trình hành động là phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh.
Đoàn viên thanh niên tham gia thu gom rác thải ở biển Tuy Hòa. Ảnh: LỆ VĂN |
Trọng tâm là tiếp tục xây dựng vùng biển và ven biển có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, là khu vực kinh tế đa ngành, đa chức năng. Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thiện nền tảng, hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một số ngành kinh tế biển chủ lực để đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Song song đó là phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường; chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo…
Theo anh Trần Minh Trí, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Phú Yên, nhận thức rõ tầm quan trọng trong việc bảo vệ TN-MT biển, ứng phó biến đổi khí hậu đối với sự phát triển bền vững của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn xác định tổ chức đoàn phải thực hiện tốt nhất công tác tuyên truyền, vận động, xung kích đi đầu trong các hoạt động bảo vệ TN-MT biển, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mặt khác, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chú trọng đổi mới, sáng tạo hình thức và nội dung tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên thông qua các cuộc thi sáng tác clip tuyên truyền, hưởng ứng các hoạt động như: Giờ Trái đất, Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, Chiến dịch hãy làm sạch biển. Đặc biệt, đoàn viên thanh niên trong tỉnh đã tích cực tham gia các hoạt động “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”… “Do đó, hội thảo lần này sẽ giúp các cấp bộ đoàn, hội chú trọng đổi mới, sáng tạo hình thức và nội dung tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên. Đồng thời tìm ra các giải pháp bảo vệ TN-MT biển để nâng cao nhận thức của cộng đồng hướng tới sự phát triển bền vững”, anh Trí nói.
Bảo vệ biển là bảo vệ môi trường sống trong hiện tại và cả tương lai. Do đó, giữ gìn môi trường biển cần sự vào cuộc tích cực, chủ động của chính quyền địa phương, của mọi tổ chức, cá nhân. Khi nào mỗi cá nhân không chỉ giới hạn sự sạch sẽ trong phạm vi gia đình, mà còn cả ở môi trường công cộng, xác định được trách nhiệm trước các vấn đề cần giải quyết của xã hội, thì khi đó nền tảng phát triển xã hội mới thật sự bền vững.
Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN-MT |
Còn theo anh Nguyễn Huỳnh Bảo, Phó Bí thư Thành đoàn Tuy Hòa, để bảo vệ nguồn tài nguyên biển trên địa bàn TP Tuy Hòa, thời gian qua, Thành đoàn thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ TN-MT biển thông qua các phương tiện thông tin và truyền thông cũng như hoạt động giáo dục pháp luật về môi trường. Xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường biển trên cơ sở đổi mới tư duy, cách làm, hành vi ứng xử, ý thức trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường biển.
Ngoài ra, Thành đoàn Tuy Hòa còn tăng cường tổ chức các cuộc thi, diễn đàn, hội thảo về bảo vệ TN-MT biển nhằm thu hút đông đảo đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia, góp phần định hướng tuyên truyền giáo dục về việc bảo vệ TN-MT biển.
“Công tác tuyên truyền giáo dục bảo vệ TN-MT biển là việc làm không thể thiếu để giúp đoàn viên, thanh thiếu nhi và mọi người hiểu biết về tài nguyên môi trường biển. Vì thế, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục với sự tham gia tích cực của các cấp, ngành, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng là giải pháp quan trọng trong công tác bảo vệ TN-MT biển, góp phần phát triển bền vững đất nước”, anh Bảo chia sẻ thêm.
VĂN TÀI