HQ671 (41, C41, C641) là một trong những con tàu Không số của Đoàn 125 Hải quân đã góp phần làm nên con đường huyền thoại - Đường Hồ Chí Minh trên biển. Hành trình của con tàu đã được công nhận bảo vật quốc gia này rất dài, lắm gian khổ, hy sinh và cũng tràn đầy niềm tự hào.
Từ “Phương Đông” đến C41
Ngày 19/10/1962, chiếc tàu vỏ gỗ mang số hiệu 41 với mật danh Phương Đông (nhằm sự kiện Liên Xô phóng thành công tàu thăm dò vũ trụ mang tên Phương Đông) do Lê Văn Một làm thuyền trưởng, Bong Văn Dĩa làm chính trị viên chở 30 tấn vũ khí, sau 7 ngày vật lộn với sóng to gió lớn, buồm rách, bánh lái gãy… đã cập bến Cà Mau thắng lợi. Đây là chuyến đi đầu tiên khai thông con đường vận tải trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh nối liền hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường xa nhất ở tiền tuyến lớn miền Nam, tạo bước ngoặt lịch sử có ý nghĩa chiến lược trong công tác chi viện cho miền Nam đánh giặc. Các cơ quan Bộ Tổng tham mưu hồi hộp theo dõi từng thời khắc và thở phào nhẹ nhõm khi được tin báo “tàu cập bến an toàn”. Tin thắng lợi đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo lên Bác Hồ và được Người biểu dương, khen ngợi.
Tiếp sau Phương Đông 2, 3 và 4 xuất phát và cập bến an toàn, ngày 3/10/1963, tàu 41 lại chở 30 tấn hàng đột phá vào bến mới Lộc An - Bà Rịa. Tàu vào bến vừa lúc thủy triều xuống nên mắc cạn cách đồn địch không xa. Ban chỉ huy bến sợ bị lộ nên đã hai lần ra lệnh phá tàu, nhưng chính trị viên Đặng Văn Thanh và máy trưởng Năm Sao xin sẵn sàng hy sinh ở lại, quyết tâm bảo vệ tàu. Mặc cho máy bay địch quần lượn nhiều vòng, các anh đã dùng mọi cách hợp pháp ngụy trang che mắt địch chờ nước lên đưa tàu vào bến giao hàng rồi quay trở ra.
Ngày 24/11/1963, tàu 41 (từ tàu gỗ được thay bằng tàu sắt) do Hồ Đắc Thạnh làm thuyền trưởng, Trần Hoàng Chiếu làm chính trị viên chở 50 tấn hàng rời bến Bãi Cháy (Hải Phòng) chi viện cho miền Tây Nam Bộ vào Bến Tre. Tiếp đến, từ tháng 12/1963-7/1964, tàu C41 (đổi phiên hiệu từ tàu 41) 4 lần cập bến Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau thắng lợi.
Ngày 15/10/1964, tàu C41 chở hàng đi Cà Mau bị lên cạn ở Hoàng Sa, cách đồn ngụy - Sài Gòn 3km. Sau 2 ngày đêm dầm mình dưới nước biển với nắng trời và gió mùa đông bắc; bằng sức mạnh đoàn kết, hiệp đồng, sử dụng nhiều biện pháp đã đưa tàu ra khỏi cạn, tiếp tục đưa hàng vào bến Cà Mau thắng lợi và trở về miền Bắc an toàn. Chuyến đi này được cấp trên đánh giá là “chiến công kép”.
3 lần vào bến Vũng Rô
Những năm 1964-1965, nhu cầu vũ khí của Quân khu 5 đòi hỏi cấp thiết. Ngày 28/11/1964, tàu C41 chở 63 tấn hàng chi viện cho Khu 5 vào bến Vũng Rô thắng lợi. Đây cũng là chiếc tàu sắt đầu tiên vào bến Vũng Rô.
Tranh thủ thời cơ thuận lợi, ngày 25/12/1964, tàu C41 vào bến Vũng Rô lần thứ 2; ngày 1/2/1965 vào lần thứ 3 và tổ chức đón Tết Ất Tỵ tại đây. Như vậy, chỉ trong thời gian 2 tháng, tàu C41 đã 3 lần cập bến Vũng Rô chuyển giao gần 200 tấn vũ khí, thuốc tân dược… và 8 cán bộ tăng cường.
Sau vụ “sự kiện Vũng Rô” (tàu 143 bị lộ), địch tăng cường lực lượng ngăn chặn, buộc ta phải tìm nhiều phương án vận chuyển cho chiến trường mà một phương án chi viện cho Khu 5 là đưa tàu vào bãi ngang thả hàng rồi ra trong đêm để hôm sau bến trục vớt, lấy dần.
Một lần nữa tàu C41 do Hồ Đắc Thạnh làm thuyền trưởng, Đặng Văn Thanh làm chính trị viên nhận nhiệm vụ đột phá thí điểm phương án này. Vượt qua gió mùa đông bắc, ngày 28/11/1966, tàu tiếp cận vào đến bến chỉ định thả hàng. Không nhận được tín hiệu của bến đón, tàu chạy dọc bờ biển từ Phổ An đến Cửa Mĩa (Quảng Ngãi) liên tục phát tín hiệu nhưng vẫn không bắt được liên lạc với bến. Thuyền trưởng quyết định thả hàng ở độ sâu 10m, đồng thời cử 1 thuyền phó và 1 thủy trưởng bơi vào bờ bắt liên lạc với bến để hôm sau hướng dẫn trục vớt lấy hàng. Khi thả được 2/3 lượng hàng, tàu bị sóng nâng lên và đập xuống bãi cát làm cong “chân vịt” không cơ động xa được. Tàu địch phát hiện, bao vây. Không thể để tàu và hàng rơi vào tay chúng. Sau khi hội ý chi ủy, thuyền trưởng quyết định thực hiện “phương án 2”: Tổ chức cho anh em bơi vào bờ còn thuyền trưởng và máy trưởng chuẩn bị bộc phá, điểm hỏa rồi bơi vào sau.
Bộc phá nổ. Tàu tan ra từng mảnh. 2 tàu địch ngỡ ngàng bắn pháo vào bờ nhằm ngăn chặn làm 1 thuyền phó, 1 thủy thủ và một số anh em du kích địa phương hy sinh. Toàn bộ cán bộ thủy thủ tàu còn lại được sự giúp đỡ của đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phổ An (Đức Phổ - Quảng Ngãi) hướng dẫn lên rừng vượt Trường Sơn trở ra Bắc. Trong cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm có ghi: “Vậy là chiều nay các anh lên đường để lại cho mọi người một nỗi nhớ mênh mông giữa khu rừng vắng vẻ... Những chiếc ba lô vụng về may bằng những tấm bao Mỹ đã gọn gàng trên vai, mọi người còn nấn ná đứng lại bắt tay chào mình một lần cuối...”. Những người được nhắc đến ấy chính là các chiến sĩ của tàu C41, Đoàn tàu Không số mà bác sĩ Thùy Trâm đã gặp vào năm ấy.
Sau đó, tàu C41 (được thay tàu mới) tiếp tục vận chuyển hàng chi viện cho chiến trường miền Nam vào bến Cà Mau (2 chuyến) và Bến Tre (1 chuyến). Tranh thủ thời cơ Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, C41 được thay phiên hiệu là C641, tham gia chiến dịch vận tải VT5 (1968-1969) liên tục 8 chuyến, vận chuyển vũ khí trang bị kỹ thuật vào các cảng Nhật Lệ, Sông Gianh (Quảng Bình) để lực lượng Đoàn 559 tiếp nhận, vận chuyển vào Nam bằng đường bộ Trường Sơn.
Tham gia giải phóng, bảo vệ Trường Sa
Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975, C641 cùng với các tàu 673, 674, 675 làm nhiệm vụ chở đặc công kịp thời giải phóng Trường Sa, nếu chậm trễ sẽ bị lực lượng nước ngoài đánh chiếm. Chiến công đó có ý nghĩa chiến lược vô cùng to lớn đối với chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, góp phần làm nên thắng lợi trọn vẹn của dân tộc.
Sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, C641 liên tục làm nhiệm vụ vận tải chi viện cho các đơn vị xây dựng quần đảo Trường Sa.
Tháng 10/1978, 7 cán bộ chiến sĩ ở đảo Phan Vinh trong lúc làm nhiệm vụ đã bị sóng đánh trôi dạt ra biển xa. Sau 8 ngày đêm kiên trì “cày đi xới lại” trên một vùng biển rộng trong điều kiện sóng to, gió lớn tàu C641 đã tìm được 7 đồng chí đưa về đơn vị an toàn.
Năm 1982, tàu C641 với phiên hiệu mới là HQ671 được biên chế vào Hải đội 413, Vùng 4 Hải quân. Đầu năm 1988, tàu làm nhiệm vụ trực bảo vệ đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa. Sau sự kiện 14/3/1988 tàu Trung Quốc bắn cháy và chìm 3 tàu vận tải của ta ở khu vực các đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin, Lin Đao; mặc dù bị tàu đối phương ngăn chặn, uy hiếp, song cán bộ chiến sĩ tàu HQ671 vẫn kiên trì, dũng cảm không sợ hy sinh kịp thời có mặt làm nhiệm vụ tìm kiếm, cấp cứu cán bộ chiến sĩ của ta bị nạn, đưa được 41 đồng chí và 3 liệt sĩ về khu vực an toàn.
Năm 2002, tàu HQ671 được biên chế về Hải đội 3 (Cục Hậu cần Hải quân) làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hậu cần phục vụ các đơn vị trong quân chủng.
Dịp kỷ niệm 50 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2011), tàu vận tải quân sự HQ671 được đưa về Bảo tàng Hải quân làm hiện vật trưng bày về chiến công Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Với những chiến công đặc biệt xuất sắc của các thế hệ tàu, tập thể tàu HQ671 hai lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (ngày 11/1/1973 và ngày 6/1/1989) và nhiều phần thưởng cao quý khác. Có 8 cán bộ, thủy thủ của tàu được truy tặng, phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Và ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2089/QĐ-TTg công nhận tàu vận tải quân sự HQ671 là bảo vật quốc gia. |
HỒ ĐẮC THẠNH
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân
Nguyên Thuyền trưởng tàu 41 (HQ671)