Thứ Sáu, 20/09/2024 07:58 SA
Bệnh xá giữa trùng khơi
Thứ Sáu, 19/01/2018 07:23 SA

Giữa muôn trùng sóng gió, mỗi khi ngư dân trên tàu đánh cá khơi xa gặp bất trắc do tai nạn lao động, ốm đau thì bệnh xá ở huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) là nơi cứu cánh. Mỗi năm, các y bác sĩ trên đảo thực hiện nhiều ca cấp cứu ngư dân gặp nạn…

 

Anh Phạm Hà (giữa) được chữa trị kịp thời nên sức khỏe dần ổn định - Ảnh: TRẦN QUỚI

 

Chỗ dựa của ngư dân

 

Một chiều cuối năm 2016, khi cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết đang tập thể dục thì các bác sĩ bệnh xá theo lệnh của đảo trưởng lên ca nô chạy ra khơi để đưa một bệnh nhân là ngư dân bị cá cắn về chữa trị. Thời điểm ấy nước ròng, tàu cá của ngư dân không thể cập sát bến nên phải dùng điện đàm khẩn báo đến chỉ huy đảo. Anh Phạm Hà, thuyền viên bị thương do cá chình cắn vào ngón tay cái đã ba ngày. Vết thương nhiễm trùng sưng húp khiến anh bị sốt nặng. Ngay lập tức bác sĩ nhanh chóng xử lý vết thương và tiêm thuốc cho bệnh nhân. Rất may tàu đang đánh bắt gần đảo nên kịp thời cấp cứu, nếu không vết thương nhiễm trùng nặng thì nguy hiểm vô cùng. Trung tá Hoàng Minh Sơn, đảo trưởng đảo Nam Yết cho biết, các y, bác sĩ trên đảo ngoài chăm sóc sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ thì việc cấp cứu, bảo vệ sức khỏe cho ngư dân khi gặp nạn, bệnh đau bất thường cũng là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên.

 

Chúng tôi vừa đặt chân lên đảo Sinh Tồn thì chứng kiến cảnh chia tay cảm động giữa ngư dân

 

với y, bác sĩ của bệnh xá trên đảo. Anh Hải, ngư dân trên tàu đánh cá Quảng Ngãi không may bị máy xay đá nghiền đứt gân các ngón tay, mất máu nhiều phải cập đảo phẫu thuật gấp. Trung tá, bác sĩ Phạm Đình Ngân cho biết, tình hình lúc ấy hết sức nguy cấp, bác sĩ trạm trưởng Nguyễn Văn Bay triệu tập ca mổ khẩn cấp, kéo dài gần 2 giờ đồng hồ và kết thúc thành công, giữ lại được cánh tay và mạng sống cho anh. Sau năm ngày, anh Hải đã cơ bản hồi phục, trở lại tàu để về đất liền. Vào tháng 10/2017, ngư dân Nguyễn Văn Cần, quê xã Xuân Lộc (TX Sông Cầu) bị vật cứng trên tàu cá PY 96789TS đập dập hai ngón chân số 4 và 5 ở bàn chân trái, máu chảy nhiều, có chỗ hoại tử. Sau khi tàu cá đưa bệnh nhân vào bệnh xá đảo Sinh Tồn, các y, bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt 2 ngón chân, dùng kháng sinh để chống nhiễm trùng.

 

Giữa trùng khơi mênh mông sóng nước, ngư dân đi biển không chỉ đối mặt với tai nạn lao động bất ngờ mà không ít trường hợp còn bị bệnh bất thường, tính mạng lúc ấy “ngàn cân treo sợi tóc”. Ngư dân Phạm Trúc ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Với ngư dân đánh bắt ở ngư trường Trường Sa chúng tôi, đảo là nhà, bộ đội là người thân. Nơi đây không chỉ là hậu phương vững chắc cho tàu thuyền tránh trú bão, cung cấp nước uống lương thực, sửa chữa tàu khi máy bị hỏng hóc, mà còn hỗ trợ y tế cần thiết trong những trường hợp cấp cứu tai nạn, bệnh đau trên biển. Những lúc ấy mới thấy giá trị của tình quân dân nơi tiền tiêu sóng gió”.

 

Nâng cấp chuyên môn các bệnh xá đảo

 

Tháng 5/2016, bệnh xá xã đảo Song Tử Tây (do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư) được khánh thành và đưa vào sử dụng. Trước đó, các bệnh xá đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sơn Ca… cũng được xây dựng khang trang với các trang thiết bị hiện đại như máy chụp X-quang kỹ thuật số, máy siêu âm màu 4 chiều, máy gây mê kèm thở, hệ thống truyền dữ liệu và hội chẩn từ xa. Nhờ vậy, gần đây đã cấp cứu thành công nhiều ca bệnh khó, phức tạp ngay tại đảo với sự hỗ trợ của bệnh viện từ đất liền.

 

Đại úy, bác sĩ Đặng Trung Dũng (Bệnh xá đảo Song Tử Tây) chưa quên một ca cấp cứu vào tháng 11/2016. Đó là trường hợp ngư dân Phan Hoàng Dương, 35 tuổi, quê huyện Hoài Nhơn (Bình Định) là thuyền viên tàu cá BĐ 96886TS. Anh Dương bị xuất huyết tiêu hóa rất nặng, nôn ra máu nhiều lần, mạch nhanh, huyết áp giảm sâu... được đưa vào đảo cấp cứu. “Đây là một ca khó, chúng tôi xin ý kiến và được Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Khoa Nội tiêu hóa hỗ trợ kết nối hệ thống Telemedicine phối hợp điều trị xử lý chống sốc bằng truyền dịch, thuốc vận mạch; huy động cán bộ, chiến sĩ trên đảo hiến 700ml máu để truyền cho người bệnh. Kết quả, anh Dương đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch và sau đó được chuyển bằng máy bay trực thăng về điều trị tại Bệnh viện Quân y 175”, bác sĩ Dũng kể lại.

 

Với các y, bác sĩ trong hệ thống bệnh viện quân y ra Trường Sa làm nhiệm vụ là niềm vinh dự, tự hào, nên mỗi người luôn nêu cao trách nhiệm của người thầy thuốc. Trung tá, bác sĩ gây mê hồi sức Phạm Đình Ngân ở bệnh xá đảo Sinh Tồn đã có 7 năm công tác ở các đảo trên quần đảo Trường Sa, nói: “Tôi và các đồng đội ra đảo làm nhiệm vụ luôn xác định đây là nghĩa vụ thiêng liêng. Công tác ở nơi khó khăn, thiếu thốn điều kiện càng tôi rèn bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ với tinh thần: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

 

Cũng như những cán bộ, chiến sĩ khác, các y, bác sĩ trên các đảo luôn duy trì chế độ trực sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ, sẵn sàng tiếp nhận, điều trị và cấp cứu cho bộ đội, nhân dân và ngư dân khi cần thiết. Đại tá Bùi Đình Dương, Chủ tịch huyện đảo Trường Sa, cho biết: Để nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho quân dân trên các vùng biển, đảo, Quân chủng Hải quân và tỉnh Khánh Hòa phối hợp triển khai đề án Phát triển y tế biển, đảo giai đoạn 2017-2020. Vì thế, đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống y tế biển đảo ở Trường Sa không chỉ góp phần đảm bảo sức khỏe cho quân, dân và ngư dân mà còn góp phần rất lớn trong việc khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek