Mong chờ mãi, cuối cùng thì mơ ước của tôi cũng thành hiện thực. Đó là ra thăm và làm việc tại huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và nhà giàn DK1 năm 2014. Gần 200 thành viên trong đoàn công tác, nhiều người mặc dù đã công tác hay đi đó đi đây trong và ngoài nước nhưng vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động khi được tham gia hải trình đặc biệt ý nghĩa này…
Đoàn Bộ NN-PTNT tặng quà cho một hộ dân trên đảo Trường Sa Lớn - Ảnh: VŨ THỊ LÝ |
Lần đầu tiên được ra Trường Sa, thú thực lúc đầu tôi không biết bắt đầu công việc chuẩn bị như thế nào. Được các anh chị, nhất là các đồng nghiệp đi trước tư vấn, tôi quyết định lựa chọn những cuốn sách trong tủ sách cá nhân và mở đợt quyên góp sách làm món quà mang đến Trường Sa. Khi tôi đặt vấn đề, các anh ở Nhà xuất bản Thông tấn, Báo Ảnh Việt Nam (Thông tấn xã Việt Nam) và đặc biệt là Nhà sách Liên Việt ủng hộ hết lòng. Giữa cái nóng oi ả của trưa hè Hà Nội, chị Nguyễn Phương Liên, Phó Giám đốc Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Liên Việt (gọi tắt là Nhà sách Liên Việt) đưa vào tận kho để chọn sách. Chị cứ lật đi lật lại, ngắm nghía từng cuốn sách và luôn miệng hỏi: Cuốn này các chiến sĩ ngoài đảo có thích không, cuốn kia có hợp không… Chồng sách cứ cao dần cho đến lúc tôi phải ngăn lại bởi không biết có mang hết được không chị mới ngừng tay, trong khi ánh mắt như vẫn còn muốn chọn thật nhiều, nhiều nữa…
Trong buổi giao lưu đầu tiên tại đảo Trường Sa Lớn, khi đại diện Thông tấn xã Việt Nam lên trao những cuốn sách còn ấm nồng hơi thở của đất liền trong sự đón nhận trân trọng của thượng tá Phạm Văn Hòa - Đảo trưởng, tôi chợt hiểu ra tình cảm thiêng liêng chứa đựng trong món quà giản dị này. Và khi đi thăm các điểm đảo, đến đâu tôi cũng chú ý tìm hiểu tủ sách của các chiến sĩ. Lật giở những cuốn sách mà cuốn nào mép cũng sờn nắng gió, rất nhiều cuốn ố vàng, loang lổ vết mồ hôi và nước biển, tôi chợt cảm thấy ân hận vì đã không cố gắng mang thêm thật nhiều, thật nhiều sách mới cho các anh…
Cùng chung ý tưởng góp phần mở rộng tri thức cho cán bộ, chiến sĩ trên các đảo, ông Tạ Bá Hưng, Vụ trưởng, Trợ lý Bộ trưởng KH-CN cùng đi trong đoàn, cho biết: Thời gian qua, hàng trăm nhà khoa học của bộ đã dày công nghiên cứu và hoàn thành bộ thư viện điện tử, trong đó nén 15.000 tài liệu với những kiến thức về khoa học công nghệ; tài liệu ôn thi đại học, trên đại học; kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt… Ông cho biết sẽ sao chép bộ thư viện điện tử để gửi đến cán bộ, chiến sĩ trên tất cả các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Nhưng cho dù như thế, những cuốn sách, những trang báo có thể “chạm tay vào được” vẫn có vị trí “riêng” trong cuộc sống người lính đảo. Tâm sự với các chiến sĩ, sống cùng họ trong những ngày ở đảo, tôi càng hiểu thêm tình cảm của những người chiến sĩ nơi đảo xa. Cuộc sống trên các đảo hiện nay đã được cải thiện rất nhiều cả về vật chất và tinh thần, đặc biệt đã có sóng điện thoại, mọi liên lạc với đất liền được thông suốt, nhưng những cuốn sách, trang báo vẫn có giá trị đặc biệt trong đời sống nơi đây. Có chiến sĩ tâm sự, bây giờ trên đảo có thể xem truyền hình, tối tối có thể “a lô” về nhà chẳng khác gì trong đất liền, nhưng khi chạm tay vào trang sách, trang báo, nhiều lúc cảm thấy rưng rưng như được trò chuyện cùng người thân, cảm nhận được hơi ấm từ đất liền. Vì vậy, có những cuốn sách các chiến sĩ đọc đi đọc lại đến mức như có thể thuộc từng câu từng chữ…
Khi đoàn đến thăm Trường Sa Đông, thiếu tá Ngô Chí Thực - Đảo trưởng đề xuất: Mặc dù đã được Sở KH-CN tỉnh Khánh Hòa giúp đỡ rất nhiều song hiện nay trên đảo vẫn gặp những khó khăn cần giải quyết sớm như giống cây trồng và vật nuôi phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt; vấn đề xử lý chất thải trong sinh hoạt và chăn nuôi; thay giống vật nuôi 2-3 năm/lần để tránh tình trạng cận huyết như hiện nay… Như trong một hội nghị đầu bờ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam lập tức giao nhiệm vụ và ông Trần Đức Viên, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cam kết sẽ cử cán bộ ra nghiên cứu, hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo về kỹ thuật chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi để tránh sâu bệnh và phát triển tốt. Đồng thời, ông cũng cam kết sẽ giúp xử lý vấn đề nước thải sinh hoạt và chăn nuôi khi có đầy đủ dữ liệu về lượng chất thải trên đảo.
Những điểm đảo tôi đến, những chiến sĩ mà đoàn tiếp xúc trong chuyến ra đảo năm ấy chỉ là một trong biết bao hy sinh thầm lặng của những con người hết sức bình dị đang ngày đêm bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Cuộc sống ở Trường Sa vẫn hòa vào mạch sống của đất mẹ với những công việc, những lo toan hết sức đời thường. Và tôi càng cảm thấy Trường Sa thân thương, gần gũi biết bao…
VŨ THỊ LÝ