Đặt chân lên đảo Nam Yết, Song Tử Tây, Sơn Ca - nhóm đảo cánh bắc huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) - đập ngay vào mắt nhiều người là tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay trước đảo hướng ra biển. Tượng đài của các vị tướng tài ba của dân tộc trên các đảo thêm một lần nữa khẳng định chủ quyền, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo quê hương.
1 Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trên đảo Song Tử Tây được tạc bằng đá, cao 11m (chưa tính phần đế), dựng ở sườn phía đông đảo. Bức tượng toàn thân mô tả Hưng Đạo Đại Vương khí phách hiên ngang, một tay cầm Binh thư yếu lược, một tay cầm chuôi kiếm, đầu ngẩng cao, mắt sáng quắc nhìn thẳng ra biển Đông. Tượng đài được thực hiện từ đá nguyên khối vùng Thanh Hóa với kinh phí 6,5 tỉ đồng, do chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định đóng góp, khánh thành vào tháng 5/2012. Thượng tá Trương Sĩ Nam, Chỉ huy trưởng kiêm Chủ tịch UBND xã đảo Song Tử Tây, cho biết từ khi tượng đài hoàn thành, đây là nơi giáo dục tư tưởng cho bộ đội và nhân dân, là biểu tượng tâm linh tạo nên sức mạnh tinh thần và động viên cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cũng như đảo Song Tử Tây, đến đảo Nam Yết, từ xa nổi bật trên nền xanh của những tán dừa, cây xanh là tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn uy nghi hướng ra biển Đông. Tượng cũng được tạc bằng đá trắng nguyên khối, nhưng so với mẫu tượng ở đảo Song Tử Tây, tượng đài của Đức Thánh Trần ở đây sống động hơn với đôi mắt sáng cương nghị. Vào những ngày lễ, tết, cán bộ, chiến sĩ trên đảo tổ chức dâng hương tưởng nhớ vị tướng lỗi lạc, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, danh tướng của nhân loại. Ông là nhà tư tưởng quân sự đại diện cho ý chí quật cường, trí thông minh và tài thao lược khi cầm quân - nhất là thủy quân (ngày nay là hải quân), là biểu trưng khí phách của dân tộc Việt Nam; người đã góp công lớn cùng quân và dân nhà Trần lập kỳ tích oanh liệt ba lần đại thắng quân Nguyên Mông hung bạo vào thế kỷ XIII.
Chiến sĩ Mai Minh Tâm (quê ở phường 6, TP Tuy Hòa) có gần 2 năm làm nhiệm vụ trên đảo Nam Yết, chia sẻ: “Mỗi khi đứng chào cờ dưới cột mốc chủ quyền hay dâng hương tưởng niệm trước tượng đài của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, trong lòng tôi như có một sức mạnh tinh thần vô biên. Vì thế, tôi luôn tự nhắc mình phải luôn cố gắng công tác sao cho thật tốt”
2 Trên đảo Sơn Ca xinh đẹp, ngay trước mặt là Công viên tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp - nơi tổ chức các hoạt động giao lưu của cán bộ, chiến sĩ. Thượng tá Vũ Duy Khánh, Chính trị viên của đảo, cho biết: Đầu tháng 10/2013, khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, Chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca khi đó đã cho lập một ban thờ để quân dân trên đảo và bà con ngư dân đánh bắt gần đó có thể đến thắp hương tưởng niệm Đại tướng. Sau đó, cán bộ, chiến sĩ đã cải tạo bãi san hô phía trước đảo, xây dựng thành vườn hoa tưởng niệm Đại tướng với diện tích gần 100m2 như bây giờ. Rồi cũng tại hoa viên này, Quân chủng Hải quân đã xây dựng tượng đài Đại tướng bằng nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng TMCP Quân đội hơn 10 tỉ đồng. Tượng đài được khánh thành vào dịp sinh nhật Bác 19/5/2016. Tượng cao hơn 2m, ôm phía sau bức tượng là một bức tường trưng bày hơn 300 hình ảnh tư liệu lịch sử (in trên nền gốm) về cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn bó với lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam.
Từ khu vườn hoa xinh xắn, ban thờ tưởng niệm đã được nâng cấp, đầu tư thành Công viên tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Giữa sóng gió trùng khơi, theo thời gian, công viên Đại tướng bắt đầu xanh lên một màu xanh của các loại cây phong ba, bão táp, bàng dày lá và nhiều loại cây, hoa quý ở khắp mọi miền đất nước được cán bộ, chiến sĩ, khách ra thăm đảo Sơn Ca mang theo trồng. Trong đó có cả cây kim giao trong vườn nhà Đại tướng ở Hà Nội.
Đại tá Bùi Đình Dương, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa, nhấn mạnh: “Tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp xây dựng trên các đảo nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho quân dân. Qua đó tạo thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo vững chắc tay súng bảo vệ lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Các công trình này còn khẳng định rõ Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của đất mẹ Việt Nam”.
TRẦN QUỚI