Vũng Mắm là một trong những vũng thuộc vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu). Những năm qua, người dân ở đây chuyên nuôi tôm hùm, gần đây họ có thêm nghề mới là thả bè tre nuôi vẹm. Những chiếc bè tre đủ sắc màu “lặn” sâu dưới biển, 1 tháng “nổi” lên một lần, giúp bà con có thêm thu nhập.
Đi trên bờ vịnh Xuân Đài, xuôi xuống Vũng Mắm, dễ dàng thấy những cây tre quấn vải mùng đủ sắc màu tập kết trên bờ vịnh, sau đó người dân sẽ dùng thúng chai lôi tre ra chỗ nước sâu kết bè. Ông Nguyễn Văn Tiến, một người kết bè tre ở Vũng Mắm, cho hay: Thường bè là nổi nhưng bè nuôi vẹm phải chìm. Để bè tre chìm thì phía dưới phải giằng đá. Còn sở dĩ cây tre phải quấn vải mùng là để có độ nhám cho vẹm bám vào. Bè tre tôi kết lại ít nhất có 50 cây tre.
Trước đây, người dân Vũng Mắm cắm tre xuống nước để nuôi vẹm. Cách cắm là lựa ba cây tre cắm theo hình tam giác chụm đầu ngọn lại, giống như cái kiềng ba chân. Khi cắm tre nuôi vẹm, người dân quấn vải mùng giữa thân tre đoạn ngâm dưới nước, chừa trống lại phần gốc cắm dưới bùn và phần ngọn nhô trên mặt nước. Như vậy, nếu cắm tre nuôi vẹm thì bỏ phí tre chỗ phần gốc cắm dưới bùn và phần ngọn nhô lên trời, trung bình mỗi cây tre chỉ có 20-30kg vẹm bám vào. Còn khi thả bè, người dân quấn vải mùng hết cây rồi thả chìm xuống nước, số lượng vẹm bám nhiều hơn, khoảng 35-40kg/cây. Một cây tre kết bè “ăn” được 3 năm, còn cắm thì 2 năm đã mục gốc.
Thu hoạch vẹm cũng đơn giản, người dân chỉ cần lắc thúng chai ra chỗ bè tre, cho bè nổi lên, rã bè ra lấy từng cây tre gác ngang qua thúng rồi dùng rựa trành dạt cho vẹm rớt xuống thúng. Ông Bùi Văn Long đang lắc thúng chai chở vẹm vào, nói: Thả bè nuôi vẹm trung bình 10 tháng thu hoạch lứa đầu, bắt con lớn trước, con nhỏ chừa lại tháng sau. Cứ như vậy, chúng tôi thu hoạch gối đầu mỗi tháng một lần. Cụ thể là bè thả lần đầu “lặn” sâu xuống nước 10 tháng rồi “nổi” lên, sau đó cứ “lặn” đúng một tháng “nổi” lên một lần.
Vịnh Xuân Đài có diện tích mặt nước khoảng 13.000ha, trải dài từ Vũng Dông, Vũng Mắm đến Vũng La. Hàng trăm người dân quanh vùng đến đây làm nghề nuôi tôm hùm. Tôm hùm ăn đồ tươi sống. Thức ăn là loại cá giã (nhiều loại cá trộn chung lại). “Chợ” bán thức ăn cho tôm hùm là những chuyến xe tải đông lạnh. Buổi sáng, xe tải chở cá đi bỏ mối. Thế nhưng, con đường từ ngã ba Trung Trinh đi qua các vũng rồi xuống Vũng La (thuộc xã Xuân Phương) có đoạn đường đất chỉ cần cơn mưa là đường nhão nhẹt, còn mùa mưa mặt đường nát bét vì sình lầy. Những ngày mưa, người dân muốn xuống Vũng Mắm, Vũng La, phải qua… vũng lầy. Bởi vậy, người nuôi tôm hùm gặp khó bởi giá thức ăn cho tôm tăng cao, do bị cộng thêm công vận chuyển, khuân vác, “tăng bo” 2-3 chặng qua vùng sình lầy. Do đó, từ khi có phong trào nuôi vẹm, người nuôi tôm hùm ở đây không lo tôm đói và thức ăn đội giá vì có mồi vẹm tại chỗ. Ngược lại, người nuôi vẹm không phải lo khâu đầu ra.
Theo nhiều ngư dân, trước khi có phong trào nuôi vẹm bằng bè tre, người dân mưu sinh bằng cách đi bắt bộ (bắt bằng tay). Vẹm sống bám thành chùm ở các bờ đá, nên phải mò bằng tay, có lúc bị cạnh đá cắt chảy máu là bình thường. Ngoài ra, vẹm còn duỗi dưới lớp bùn nên người dân phải rà chân xuống bùn tìm bắt. Nhiều lúc, người ngâm mình dưới nước moi bùn cả ngày bắt không quá 5kg; có khi đạp phải mảnh chai, vỏ sò, bùn nhét vô chỗ vết thương làm độc rất nguy hiểm. Từ ngày có phong trào nuôi vẹm bằng bè tre, cuộc sống của người dân ở Vũng Mắm rất nhộn nhịp. Từ sáng đến tối, người thì cạo vẹm, người thì quấn vải mùng vào tre, người thì “đội” cho bè tre nổi lên. Mỗi lần bè nổi, người dân có thể thu được 1 tấn vẹm nên cuộc sống cũng khá hơn trước nhiều…
LÊ TRÂM