Cuộc sống của cán bộ chiến sĩ ở huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) có nhiều điều thú vị, trong đó có việc làm đẹp cho mái đầu. Hầu hết chiến sĩ ở các đảo đều biết cắt tóc và làm đẹp cho nhau.
Buổi chiều sau giờ thao trường, học tập, ở đảo diễn ra rất nhiều hoạt động của các cán bộ, chiến sĩ. Nhóm thì chơi bóng chuyền, tập thể thao; nhóm thì ngân nga với cây đàn guitar, uống trà dưới gốc cây bên công sự. Và có những nhóm quây lại với nhau… cắt tóc, làm gọn đẹp mái đầu. Những ngày đoàn công tác lưu lại trên các đảo nổi Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, tôi đều chứng kiến những màn cắt tóc khá chuyên nghiệp của các chiến sĩ nơi đảo xa.
Tan giờ huấn luyện, Lê Văn Tuấn, một chiến sĩ quê ở Ninh Bình đang làm nghĩa vụ trên đảo Sơn Ca, bưng hộp đồ nghề cắt tóc ra “dựng tiệm”. Đồ nghề cắt tóc của chiến sĩ Trường Sa không thể đơn giản hơn, gồm: tông-đơ điện, kéo, lược và một chiếc gương soi to bằng khổ giấy A4. Thêm một chiếc ghế gỗ, phích cắm điện di động thế là “tiệm cắt tóc” chiến sĩ được hình thành ở bất cứ gốc cây bóng mát nào. Lần lượt các chiến sĩ có nhu cầu cắt tóc thay nhau ngồi vào ghế để được phục vụ miễn phí. Tiếng tông-đơ điện chạy ro ro chỉ một loáng chưa tới 15 phút đã xong một “tác phẩm” tóc đúng chuẩn bộ đội. Lê Văn Tuấn cho biết: Ở đây, em thường xuyên được anh em tín nhiệm cắt tóc và có nhiệm vụ quản lý, cất giữ “đồ nghề” cắt tóc của cụm chiến đấu. Ở các cụm chiến đấu không phải chiến sĩ nào cũng có thể cắt tóc và cắt tóc cho nhau được, chỉ có được “vài thợ” có khiếu. Sau một thời gian “cắt qua, cắt lại”, mọi người tự “sàng lọc”. Trung úy Nguyễn Văn Linh, Tổ trưởng Tổ đoàn kết đảo Sơn Ca, cho biết thêm: “Trước đây, các chiến sĩ cắt tóc bằng kéo và lược chứ không có tông-đơ điện như bây giờ. Mấy năm gần đây, các đảo có điện, các tổ chức ra thăm tặng tông-đơ điện. Nhờ vậy, việc cắt tóc vừa nhanh, vừa đẹp đúng quy định chung trong toàn quân về tác phong đầu tóc”.
Tìm hiểu thêm thì được biết, từ tháng 4/2014, Bộ Quốc phòng có quy định chung về việc cắt tóc 3 phân với nam hạ sĩ quan, chiến sĩ trong toàn quân, kể cả nam học viên ở các viện, trường quân sự. Thượng tá Vũ Duy Khánh, Chính trị viên đảo Sơn Ca, giải thích: Lâu nay ở các đơn vị quân đội nói chung, lính đảo nói riêng vẫn thường xuyên chấn chỉnh, xây dựng lễ tiết tác phong quân nhân, góp phần từng bước nâng cao phong cách bộ đội. Tuy nhiên, với nam quân nhân là hạ sĩ quan, chiến sĩ, việc cắt tóc chưa thống nhất, vẫn còn dài - ngắn khác nhau. Cá biệt, một số để tóc quá dài hoặc quá ngắn, một số để râu, ria thiếu nghiêm túc gây phản cảm, làm ảnh hưởng tới hình ảnh và bản chất, truyền thống của quân đội. Sau khi có chỉ thị của Bộ Quốc phòng về quy định cắt tóc, cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp thường xuyên quán triệt cán bộ, chiến sĩ của cơ quan, đơn vị thuộc quyền hiểu rõ và thực hiện nghiêm túc về quy định cắt tóc 3 phân; thường xuyên kiểm tra chấn chỉnh, nhắc nhở những quân nhân, đơn vị thực hiện không đúng.
Cánh phóng viên nam chúng tôi rất háo hức muốn được thử tài thợ cắt tóc Trường Sa và trải nghiệm một lần kiểu tóc bộ đội. Đảo dừng chân đầu tiên, nhiều anh em phóng viên còn ngại ngần trong việc nhờ bộ đội cắt tóc. Đến đảo Sơn Ca, thời gian lưu lại nhiều hơn nên tranh thủ sau bữa cơm trưa, trước khi cơm chiều, các nhà báo lần lượt nhờ bộ đội cắt tóc. Thoạt nhìn kiểu tóc mới, anh nào trông cũng ngồ ngộ, nhưng nhìn lâu lại thấy hay hay. Riêng tôi, phải đến buổi sáng trước khi rời đảo Sơn Ca mới đến lượt trải nghiệm, được các chiến sĩ cắt tóc kỷ niệm trước khi rời đảo. Và kết quả kiểu tóc bộ đội cắt tặng không ngờ lại hợp với tôi đến thế. Cả cánh nhà báo nam ngạc nhiên vì kiểu tóc ngắn, gọn gàng làm gương mặt có phần già đời của tôi trẻ lại đến gần chục tuổi. Nhà báo Nguyễn Đình Quân (Báo Tiền Phong) và các đồng nghiệp ở Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Khánh Hòa bất ngờ đến cười ngặt nghẽo khi nhìn thấy đầu tóc mới của tôi, bởi không phải xấu đi mà nó rất hợp với gương mặt, làm tôi trẻ ra không ngờ!
Nhà báo Trần Đức Quý (Báo Bắc Ninh) và các đồng nghiệp trên cùng chuyến tàu đoàn công tác thấy mọi người có đầu tóc mới kiểu bộ đội, gọn gàng tinh tươm cũng mạnh dạn nhờ các chiến sĩ đảo Sinh Tồn cắt một kiểu kỷ niệm trước khi kết thúc chuyến hải trình. Không chỉ cánh nhà báo, ngay cả đại tá Bùi Đình Dương, Phó Lữ đoàn 146, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa, chẳng biết nhờ chiến sĩ cắt tóc lúc nào, ông cũng bất ngờ khoe với mọi người kiểu tóc mới sau ngày cuối ở đảo Sinh Tồn trước khi đoàn quay về đất liền.
Với tôi, sau chuyến đi công tác đặc biệt này có nhiều dấu ấn, kỷ niệm, trải nghiệm cuộc sống, trong đó có kỷ niệm kiểu tóc bộ đội Trường Sa. Vậy là sau chuyến công tác ra Trường Sa cuối năm 2016, đến nay, sau nhiều lần cắt tóc ở đất liền, tôi đều yêu cầu thợ Tuy Hòa cắt… “y kiểu bộ đội”!
TRẦN QUỚI