Dẫu đã trải qua bao gian truân, mất mát nhưng tấm lòng của những người con Trường Sa vẫn trước sau như một, vẫn mãi sống vì một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu.
Biển đảo mặn nồng
Tôi đi Trường Sa và nhà giàn DK1 vào tháng 4/2013, cùng đoàn công tác của Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh. Vốn dân làng biển, những ngày lênh đênh Trường Sa, tôi luôn dõi mắt tìm tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân mình. “Tháng ba bà già đi biển”, mùa êm thuận đánh bắt nhưng chỉ thi thoảng mới thấy bóng dáng tàu ngư dân giữa đại dương mênh mông như chấm nhỏ trong chốn sóng trùng. Không lẫn vào đâu được, những chiếc có giàn phơi bên trên, đó là tàu câu mực của ngư dân Nam Trung Bộ. Cách đó không xa, tàu hải giám của Trung Quốc lác đác dọc hải trình đoàn đi Trường Sa.
Ở đảo Trường Sa Lớn, trung tá Trần Văn Quế, Chính trị viên Cụm chiến đấu 3, rủ rỉ với tôi về chuyện gia đình: “Mình đã công tác 2 năm tại đảo An Bang, rồi về đây được hơn 2 năm nay. Bà xã dạy học ở Cam Ranh. Vợ chồng mình “mười điểm”; con gái đang học lớp 8, con trai đang học lớp 1, mỗi năm chỉ gặp nhau một lần. Lính đảo và một số cán bộ chuyên môn thường ra Trường Sa có thời hạn, còn sĩ quan chuyên nghiệp như mình thì gắn bó với đảo cả đời binh nghiệp. Vợ rất thông cảm với nhiệm vụ của mình, hầu như ngày nào cũng điện thoại nói chuyện nhà…”. Vui chuyện, anh Quế còn đọc bài thơ tự sáng tác để gửi gắm lòng mình với hậu phương.
Ở Trường Sa Đông, tôi được trung úy Nguyễn Văn Tráng (8 năm ở đảo) kể về mối gắn kết của ngư dân từ đất liền ra đây đánh bắt. Anh em lính đảo sẵn sàng hỗ trợ, sẻ chia những khi tàu của bà con thiếu nước ngọt, lương thực hay khi gặp những cơn đau ruột thừa, bệnh đột xuất, tai nạn lao động trên biển… Và biết bao lần, đảo đã huy động lực lượng để cứu tàu ngư dân mắc cạn, hư hỏng máy. Tình cảm của lính đảo và ngư dân xa bờ luôn được sưởi ấm bởi những cuộc gọi thăm hỏi, hẹn gặp nhau những dịp hiếm hoi của đời sóng nước.
Tại Tuy Hòa, “sói biển” Võ Đốc, cựu lính Trường Sa, hiện là thuyền trưởng tàu cá ngừ đại dương PY-92691, đã nhiều lần “cà kê” với tôi về chuyện biển đảo. Cách đây hơn 20 năm, ông là lính pháo binh trên đảo Trường Sa Lớn. “Hồi đó, gian khổ tứ bề nhưng sức trẻ nên khí thế lắm. Rời quân ngũ, mình cũng gắn với biển lênh đênh đi bạn, rồi điều hành chiếc tàu của gia đình. Mình và anh em ngư dân bây giờ vẫn thường ghé các đảo ở Trường Sa. Anh em gặp nhau vui lắm! Đời sống lính đảo bây giờ đầy đủ hơn thời mình rất nhiều. Nhưng nỗi nhớ gia đình thì vẫn nguyên như cũ…”, ông nói xa xăm.
Tấm lòng người Trường Sa
Nhiều năm rồi, đồng đội liệt sĩ Phan Tấn Dư (hy sinh tại đảo Gạc Ma - Trường Sa ngày 14/3/1988) vẫn sớm hôm thăm nom mẹ của anh là bà Lê Thị Niệm, 86 tuổi, ở thôn Mỹ Thạnh Nam, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa.
Mẹ Niệm có đến 12 người con, nhưng 4 người đã lần lượt bị bệnh tật cướp đi. Người con thứ dư tên Dư thì vĩnh viễn nằm lại giữa biển Đông cùng 63 chiến sĩ hải quân anh dũng trong trận chiến không cân sức ngày ấy trên đảo Gạc Ma. Mẹ Niệm nhớ lại: “Nó hiền khô, chưa làm mích lòng ai bao giờ. Tết năm 1988, nó về phép, nói qua tết sẽ ra đảo. Nó nói má đừng lo, ra đảo vậy mà thong thả, sẽ siêng biên thư thăm mẹ, công tác xong thì con về”. Rồi thư không về, người cũng không về; khoảng 2 tháng sau, cả nhà nhận tin anh Dư hy sinh. Giấy báo tử đã về, lễ truy điệu đã được tổ chức, nhưng mẹ Niệm vẫn không tin rằng đứa con trai hiền lành của mình đã nằm lại đâu đó trong lòng đại dương bao la…
Mười mấy năm trước, anh thương binh Trường Sa Nguyễn Văn Dũng (ở TP Nha Trang, Khánh Hòa) đã tìm đến nhà mẹ Niệm, thắp hương lên bàn thờ liệt sĩ Phan Tấn Dư. Anh Dũng và anh Dư đều là lính thông tin. Đầu tháng 3/1988, anh Dũng được lệnh ra đảo Gạc Ma. Tuy nhiên, vì anh bị bệnh nên chỉ huy đã điều anh Dư ra đảo. “Khi nhận được tin từ đơn vị báo về Dư cùng 63 người lính hải quân khác đã hy sinh, tôi nghĩ anh ấy chết thay mình”, giọng anh Dũng thâm trầm.
Xuất ngũ trở về đời thường, anh Dũng kiên trì tập luyện để vượt qua những di chứng thương tật, rồi “sống được” với nghề nuôi thủy sản. Người lính thông tin ngày nào đã nhiều lần ra Phú Yên, lặn lội đến các làng quê tìm gia đình liệt sĩ Phan Tấn Dư. Sau bao nỗ lực, cuối cùng, anh đã gặp mẹ Niệm. Anh được mẹ liệt sĩ Phan Tấn Dư xem như con và anh cũng xem bà như mẹ của mình.
Vừa rồi, tôi may mắn được gặp rất nhiều cựu binh Trường Sa tại các cuộc gặp mặt tưởng niệm sự kiện Gạc Ma hàng năm. Tại đây, họ lặng lẽ kết nối, chia sẻ buồn vui, tương trợ nhau trong cuộc sống làm ăn, quyên góp tiền của giúp đỡ những đồng đội khó khăn, tri ân các gia đình có người thân hy sinh tại Trường Sa. Thực sự lâu nay đã có một Trường Sa ấm áp giữa đất liền thương yêu…
ĐÀO ĐỨC TUẤN