Hoàng Sa - Trường Sa! Đó là tiếng gọi thiêng liêng của hàng triệu trái tim luôn hướng về phía biển, đảo. Với lòng tri ân sâu sắc đối với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, người dân cả nước đã và đang đóng góp xây dựng công trình khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại bắc bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa), khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Và những việc như xuất bản sách “Hoàng Sa - Trường Sa, Ngọn lửa vĩnh cửu”, triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý”... đã khơi dậy tình yêu nước của mọi người dân Việt Nam.
“Vòng tròn bất tử”
Tôi vinh dự được tháp tùng cùng đoàn 30 kiến trúc sư (KTS) đến từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đi khảo sát thực địa, tìm hiểu thực tế tại địa điểm xây dựng “Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma” tại Công viên Biển Đông, bắc bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa). KTS Lý Thị Liễu (TP Hồ Chí Minh) hào hứng nói: “Chúng tôi được thị sát nắm bắt tình hình tại địa điểm xây dựng tượng đài Gạc Ma; được ghi lại mỗi tấm ảnh, di vật của các chiến sĩ đã hy sinh để lại tại phòng truyền thống của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Đây là những chất liệu sẽ tạo niềm cảm hứng cho chúng tôi có ý tưởng thiết kế tượng đài Gạc Ma”. Và chính thiết kế của KTS Lý Thị Liễu với chủ đề “Những người nằm lại phía chân trời” và thiết kế của nhóm tác giả trẻ của Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc - Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh) với chủ đề “Hành trình khát vọng” được chọn để xây dựng Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma. Hai tác phẩm nghệ thuật này thể hiện “Vòng tròn bất tử” của các chiến sĩ Gạc Ma cùng tinh thần bất khuất, dũng cảm của các chiến sĩ Hải quân đã ngã xuống vì biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Và những ngày giáp Tết Nguyên đán 2017, những KTS, kỹ sư, họa sĩ, nghệ nhân… vẫn miệt mài, lặng lẽ đo vẽ, đục, chạm… từng thớ đá trên công trình xây dựng Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma. Khu tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” được xem là “trái tim” của công trình. Trò chuyện với tôi, nghệ nhân Lâm Quang Nới cho biết: Trong nhiều tháng qua, hơn 20 nghệ nhân đến từ Ninh Bình đã ăn ngủ và tạc tượng tại công trường. Còn một nghệ nhân quê gốc Hoa Lư (Ninh Bình) chia sẻ: “Được tham gia đóng góp cho công trình ý nghĩa này, chúng tôi như quên hết mệt nhọc, động viên nhau cố gắng tập trung để có thể gửi gắm tâm hồn, tình cảm của mình qua từng đường nét, chi tiết của tượng đài…”.
Công viên tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư xây dựng (khoảng 153 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa) trên vùng đất rộng 2,5ha theo nguyện vọng có một “địa chỉ đỏ”, một không gian thiêng liêng để gia đình, thân nhân, đồng bào cả nước thăm viếng, tưởng niệm những chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Hiện công trình đã hoàn thành trên 90% khối lượng và sẽ khánh thành trong năm 2017.
Ngọn lửa vĩnh cửu
Bìa sách “Hoàng Sa - Trường Sa, Ngọn lửa vĩnh cửu” - Ảnh: LƯU PHONG |
Đó là tựa đề của tuyển tập sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành với gần 70 tác phẩm như một dàn hợp xướng nhiều thanh âm về những sự kiện Hoàng Sa - Trường Sa. Ở đó, mọi người sống lại với những ngày tháng đấu tranh không khoan nhượng của lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Hoàng Sa.
Ở đó là những hồi ức của người trong cuộc về một Gạc Ma đau thương hơn 30 năm chia lìa Tổ quốc. Ở đó, ta bắt gặp hình ảnh những chiến sĩ “Đứng canh ngày canh đêm/ Ngoài xa vời hải đảo.../ Mặc nắng mưa gió bão/ Cây súng chú chắc tay/ Quân thù mà ló mặt/ Biển lớn sẽ vùi thây” để gìn giữ biên cương của Tổ quốc. Ở đó, bạn đọc cảm động về câu chuyện người lính trẻ Biện Văn Quân, 23 tuổi, ở khu phố 10, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, đang làm nhiệm vụ tại đảo Phan Vinh, viết vội lá thư gửi cho đoàn công tác Phú Yên tại Trường Sa mang về chuyển giùm cho người yêu và mẹ ở miền núi Sông Hinh...
Tuyển tập sách “Hoàng Sa - Trường Sa, Ngọn lửa vĩnh cửu” còn thể hiện rõ nét câu chuyện về “Tấm lưới nghĩa tình” hay “Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa” mà ý nghĩa tiếp sức của nó đã vượt ngoài biên giới của lòng nhân ái khi mỗi ngư dân đánh bắt hải sản trên biển Đông là một cột mốc sống di động…
Một hoạt động có ý nghĩa thiết thực là, triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý” do Sở TT-TT, Bộ Chỉ huy BĐBP, Sở VH-TT-DL và UBND TX Sông Cầu tổ chức trong tháng 12/2016 thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên, học sinh, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân đến xem. Triển lãm này giới thiệu 80 bản đồ, tư liệu lịch sử và nhiều sách, hình ảnh khác của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa… đã nâng cao tinh thần đoàn kết, khơi dậy tình yêu nước của mọi người dân Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
TRUNG HẬU