Không quản ngại vất vả, những người thợ sửa chữa máy tàu thủy luôn đồng hành hỗ trợ ngư dân mỗi khi máy móc tàu thuyền bị hư hỏng. Trong trang phục lấm lem dầu nhớt, họ miệt mài với công việc, đem lại “sức sống” cho những con tàu, giúp ngư dân an tâm vươn khơi bám biển...
Các thợ máy tại xưởng của anh Sấm sửa chữa, bảo dưỡng máy tàu cá của ngư dân - Ảnh: HÀ MY |
Nghề dạy nghề
Xưởng sửa chữa máy tàu thủy của anh Phạm Quang Hà (tên thường gọi là Sấm) là một trong những điểm sửa chữa có tiếng ở khu vực Đông Tác (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa). Trong căn nhà rộng chừng 40m, anh Sấm và hai người thợ nữa đang cặm cụi làm việc bên những cỗ máy nặng mùi dầu nhớt với nhiều linh kiện máy móc đủ loại. Các anh đang tất bật hoàn thiện việc bảo dưỡng một máy tàu cá, trong bộ đồ lấm lem dầu nhớt, mồ hôi nhễ nhại, anh Sấm tâm sự: “Từ năm 19 tuổi, tôi theo học nghề ở một xưởng sửa chữa máy tàu thuyền trong xóm. 5 năm làm thợ, tích cóp được chút kinh nghiệm, tôi ra làm riêng. Từ tiền dành dụm, vay mượn, tôi mua được chiếc máy tiện cũ với giá gần 4 cây vàng. Chịu khó làm, rồi người này mách người kia, nhiều ngư dân tìm đến sửa máy, có tiền tôi mua thêm nhiều máy móc mới nên có được cơ ngơi như ngày hôm nay”.
Hơn 24 năm gắn bó với nghề nên chỉ cần nhìn qua máy móc tàu thủy bị hỏng, anh Sấm có thể bắt được bệnh. Anh cho biết, khu vực Đông Tác có khoảng 4 xưởng sửa chữa máy tàu thủy nhưng quy mô không lớn. Hầu hết thợ sửa là dân tay ngang, không được đào tạo qua trường lớp, chủ yếu là học hỏi những người thợ đi trước. Rồi làm lâu thành quen, nghề tự dạy nghề. “Tôi sửa máy không biết bao nhiêu con tàu nên mọi linh kiện đều thuộc như lòng bàn tay. Lỗi lớn, nhỏ gì, tôi và các anh em trong xưởng cũng tìm cho kỳ được để sửa chữa giúp ngư dân ra khơi, bám biển”, anh Sấm thổ lộ.
Nghe tiếng anh Sấm sửa máy tàu thủy giỏi nên nhiều người từ khắp các nơi trong tỉnh tìm đến học nghề. Có hơn 20 thanh niên được anh Sấm truyền dạy. Thời điểm đông nhất, xưởng sửa chữa máy tàu thủy của anh có đến 7-8 thợ máy. Anh Huỳnh Đức Nam ở phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) gắn bó với xưởng của anh Sấm gần 6 năm, bộc bạch: “Cái nào hư hỏng nhẹ, chúng tôi chỉ cần mấy giờ đồng hồ để khắc phục sự cố, nhưng có cái hư nặng, chúng tôi phải mất cả tháng trời mới sửa xong. Vì máy móc tàu rất nặng và cồng kềnh nên không thể khiêng mà phải thuê xe cẩu về xưởng để sửa. Nhiều hôm, anh em phải xuống dưới hầm máy tàu nóng bức, nồng nặc mùi dầu nhớt để tháo, lắp máy tàu. Làm nghề này khá vất vả, phải có sự kiên trì và sức chịu đựng mới có thể gắn bó lâu dài”.
Sửa chữa lưu động, giúp giảm chi phí
Không chỉ sửa chữa tại xưởng, những người thợ sửa chữa máy tàu thủy còn sửa chữa lưu động. Họ có mặt khắp nơi khi tàu của ngư dân gặp sự cố. Có thợ đến tận nơi để sửa thì chủ tàu sẽ tiết kiệm được một phần chi phí đi lại. Ông Nguyễn Danh ở phường 6 (TP Tuy Hòa) có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với nghề sửa chữa máy tàu thủy, chia sẻ: “Trước đây, tôi theo học Trường trung cấp Kỹ thuật ô tô Phú Khánh, về làm tại xí nghiệp sửa chữa ô tô Bắc Phú Khánh được một thời gian thì xí nghiệp giải thể. Tôi chuyển sang làm nghề sửa máy tàu thủy lưu động. Hễ máy tàu của ngư dân bị hư, chỉ cần điện thoại, tôi đều mang thiết bị, đến tận nơi để sửa. Tùy theo mức độ hư hỏng và phụ tùng thay thế để tính công”.
Là người có hơn 15 năm gắn bó với nghề sửa chữa máy tàu thủy lưu động, anh Trần Công Thú, thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) nhiều lần bôn ba khắp các nơi, từ các tỉnh lân cận như Khánh Hòa, Quảng Ngãi đến tỉnh xa hơn như Bà Rịa - Vũng Tàu… để sửa chữa máy tàu hư hỏng cho ngư dân. Gặp anh Thú vào một chiều cuối tuần, thấy dáng vẻ tất bật và trên người anh, từ quần áo đến chân tay đều lấm lem dầu nhớt, chúng tôi phần nào cảm nhận được sự vất vả của nghề sửa chữa máy tàu thủy. Anh Thú chia sẻ, trong ngày hôm nay, anh đã di chuyển liên tục đến 4 nơi trong huyện Đông Hòa để sửa chữa máy tàu thủy bị hư. “Làm thợ sửa chữa lưu động vất vả hơn vì nhiều khi, tàu đi biển bị hư máy móc, ngư dân tấp đâu, điện thoại thì mình phải cất công đến đó sửa. Có lần, một khách hàng của tôi đi đánh bắt cá trên biển thì bị sự cố máy, tấp tàu vào Quảng Ngãi. Nhận điện thoại của ngư dân đó, tôi liền lấy túi dụng cụ đón xe đò ra. Rớt xuống xe lúc trời chạng vạng tối, tôi mua ngay một cái đèn pin, bắt tay vào sửa máy. Đến 23 giờ thì máy được sửa xong, ngư dân nổ máy thuyền ra khơi đánh bắt, còn tôi liền đón xe quay về nhà. Làm nghề này không có khái niệm về thời gian, khi nào máy móc vận hành êm ái, tàu thuyền ra khơi an toàn, những người thợ như tôi mới được nghỉ ngơi”, anh Thú giãi bày.
Trong quá trình hoạt động, rất nhiều tàu của bà con ngư dân bị hỏng hóc, có tàu đang hoạt động tận ngư trường Trường Sa, DK1... cũng gọi về cầu cứu. Mỗi lần như vậy, các thợ sửa máy lưu động đều sẵn sàng thuê tàu ra tận nơi để sửa chữa, giúp bà con tiếp tục vươn khơi đánh bắt hải sản. Ngư dân Nguyễn Rõ, chủ tàu cá mang số hiệu PY-90141TS, cho biết: “Tàu của tôi. Mỗi chuyến đi thường kéo dài từ 15-20 ngày. Không ít lần máy tàu bị hư, tôi phải liên lạc cho thợ sửa máy trên đất liền để hướng dẫn anh em trên tàu sửa chữa. Gần 20 năm gắn bó với nghề đi biển, chúng tôi chỉ có kinh nghiệm đánh bắt cá chứ về máy móc tàu thì không rành. Nếu không có những người thợ chuyên sửa chữa máy tàu kịp thời ứng cứu thì hải trình của chúng tôi đi đánh bắt cá ở ngư trường Trường Sa - Hoàng Sa gặp muôn vàn khó khăn. Tàu hoạt động hư hỏng ở bất cứ đâu, chỉ cần gọi điện thoại cho thợ máy là được hướng dẫn sửa chữa hoặc đến tận nơi để sửa chữa. Những việc làm này góp phần giúp chúng tôi an tâm bám biển, khẳng định chủ quyền lãnh hải của dân tộc”.
HÀ MY