Thứ Sáu, 20/09/2024 13:32 CH
Về quê hương của Hải đội Hoàng Sa
Thứ Bảy, 04/06/2016 10:48 SA

Cách cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) khoảng 15 hải lý về phía đông bắc, Lý Sơn được ví là “đảo ngọc giữa trùng khơi”. Đến với hòn đảo tiền tiêu, quê hương của Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải này, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên, cùng nhiều di tích cổ được bảo tồn nguyên vẹn mà còn tận mắt nhìn ngắm những bằng chứng hùng hồn khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc ta từ bao đời nay.

 

Du khách chụp ảnh bên tượng đài Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ở Lý Sơn - Ảnh: X.HIẾU

 

Sau hơn 5 tiếng đồng hồ đi bằng tàu lửa và hơn nửa tiếng ngồi taxi, tôi đặt chân đến cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), bắt đầu chuyến hải trình đến với huyện đảo Lý Sơn. Đang là thời điểm trời yên biển lặng nên bến cảng rất đông người ra đảo. Bình thường, mỗi ngày đều có tàu ra vào. Còn hiện tại, mỗi ngày bến cảng này có đến 6 chuyến tàu cao tốc từ đất liền ra đảo và ngược lại, mỗi chuyến chở khoảng 200 người cùng hàng hóa.

 

Cùng với Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, người dân huyện đảo Lý Sơn còn duy trì nhiều lễ hội mang đậm dấu ấn văn hóa Việt - Chăm, như: Lễ hội đua thuyền truyền thống từ ngày mùng 4-8 Tết Nguyên đán; lễ hội đình làng An Hải; lễ tế tại Âm Linh tự, dinh Thiên Y A Na và các lăng, miếu thờ ông Nam Hải, thần Bạch Mã, thần Ngũ hành… Hiện trên đảo vẫn còn lưu giữ dấu tích của người tiền sử cách đây 30 vạn năm tại các ngọn núi Giếng Tiên, Thới Lơi… Các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy nhiều hiện vật quý giá của nhóm cư dân thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh cách đây khoảng 2.000-2.500 năm tại xóm Ốc, suối Chình. Đặc biệt dấu tích của nền văn hóa Chămpa còn in đậm ở chùa Hang, miếu Con Bò…

THÂN THIỆN

 

Tàu khởi hành lúc 15 giờ. Ngồi cạnh tôi là một người dân bản địa, khá am hiểu về Lý Sơn. Suốt hải trình dài khoảng 14 hải lý, người này cùng những người bạn đồng nghiệp ở Báo Quảng Ngãi thay nhau giới thiệu về hòn đảo tiền tiêu được mệnh danh là quê hương của Hải đội Hoàng Sa này.

 

Đảo Lý Sơn còn có tên gọi khác là Cù lao Ré (Đảo Lớn). Người dân địa phương gọi tắc là Hòn Ré vì theo cách lý giải của họ thì trên đảo có rất nhiều cây ré. Nằm cách Cù lao Ré không xa là Cù lao Bờ Bãi (Đảo Bé) và hòn Mù Cu. Theo sử sách, vào khoảng đầu thập niên 1.600, 15 vị tiền hiền ở vùng cửa biển Sa Kỳ đã giong thuyền ra Cù lao Ré khai khẩn, lập làng. Theo thời gian, các tộc họ đông đúc dần. Nửa đầu thế kỷ XVII, chúa Nguyễn thành lập các Hải đội Hoàng Sa. Nhiệm vụ của đội hùng binh này là đo đạc hải trình, thu lượm sản vật tại Hoàng Sa và Trường Sa. Những chuyến hải trình gian nan bằng phương tiện ghe bầu thô sơ từng bước xác lập chủ quyền trên hai quần đảo này.

 

Sau hơn 1 giờ đồng hồ vượt sóng, chiếc tàu cao tốc cập cảng đảo Lý Sơn. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi vừa đặt chân lên đảo là những nụ cười thân thiện của người dân nơi đây. Phương ngữ cho chút “bất đồng”, giọng nói của người dân bản địa nghe hơi lạ đối với người từ địa phương khác đến. Tuy nhiên, từ anh chạy xe thồ đến chị bán bánh mì ở bến cảng đều chào đón khách đến đảo bằng nụ cười thân thiện, cởi mở.

 

- “Ngồi nghỉ chân đi các anh chị. Không ăn uống gì cũng chẳng sao. Ở đây có nhiều xe lắm; khách sạn, nhà trọ cũng nhiều. Các anh chị không sợ thiếu xe, thiếu chỗ ở đâu!”, chị bán nước giải khát ở nơi đầu bến cảng đon đả.

 

Cũng như ở cảng Sa Kỳ, bến cảng Lý Sơn rất nhộn nhịp, tấp nập người, xe, hàng hóa. Hàng đến đảo rất đa dạng, còn hàng rời đảo chủ yếu là tỏi, hành (củ) và hải sản các loại. Còn phương tiện đi lại trên đảo, đúng như lời giới thiệu của chị bán nước giải khát là khá nhiều, phổ biến là xe giống như xe lam và xe khách loại 12-16 chỗ ngồi. Riêng taxi có gần chục chiếc. Khách đến đảo tha hồ lựa chọn, song giá cả thì đắt gấp rưỡi, gấp đôi so với ở đất liền, kể cả giá khách sạn cũng vậy. Cũng từ bến cảng này, rất nhiều chuyến ca nô chở người đi Đảo Bé và ngược lại.

 

“KHAO LỀ THẾ LÍNH”

 

Nơi tôi đến thăm đầu tiên là Bảo tàng Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải - nơi đang lưu giữ nhiều tài liệu, trưng bày rất nhiều hiện vật khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam từ bao đời nay.

 

Những bằng chứng sống động cho thấy Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam từ bao đời nay - Ảnh: X.HIẾU

 

Bước vào khuôn viên nhà bảo tàng, hình ảnh đập vào mắt đầu tiên là tượng đài Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải bằng chất liệu đá xanh, sừng sững, uy nghiêm. Theo lời thuyết minh viên, tượng đài này là hóa thân của các vị chỉ huy nổi tiếng một thời như Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú, Hội Nghĩa hầu Võ Văn Khiết, Chánh Thủy quân suất đội Phạm Văn Nguyên, Chánh Thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật, Chánh Thủy quân suất đội Phạm Văn Biện... đã được sử sách lưu danh cùng hàng vạn binh phu trong đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa. Nơi đây, vào các ngày 18, 19 và 20/3 âm lịch hàng năm, người dân Lý Sơn đều tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tri ân, tưởng nhớ đến đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa đã có công đo đạc, cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đồng thời cầu mong mưa thuận, gió hòa. Theo ông Nguyễn Quý, một người dân bản địa ở xã An Hải, huyện Lý Sơn, “khao lề” là lệ khao định kỳ hàng năm (như hình thức cúng việc lề mà một số nơi còn gìn giữ). Còn “thế lính” là nghi lễ tế sống, mang đậm yếu tố phù phép của đạo giáo nhằm thế mạng cho người đi lính. “Theo ông bà chúng tôi kể lại, từ thời chúa Nguyễn, mỗi năm đều có 70 suất đinh là những trai tráng khỏe mạnh giỏi bơi lội được đưa vào Hải đội Hoàng Sa. Trước khi ra đi, mỗi người tự chuẩn bị cho mình một đôi chiếu, 7 đòn tre, 7 sợi dây mây, một thẻ bài để khi chết đi có cơ may những thứ mang theo đó là vật dụng để người còn sống bó xác thả trôi về bản quán, nhưng trên thực tế, các ngôi mộ của những người lính Hoàng Sa năm xưa trên đảo chỉ là mộ gió. Vì vậy, trước khi đội hùng binh Hoàng Sa lên thuyền làm nhiệm vụ, các tộc họ trên đảo đều tổ chức Lễ Khao lề thế lính như một nghi lễ tế sống và cả các nghi lễ thế mạng cho những người sắp xuống thuyền đi thực thi nhiệm vụ triều đình giao phó để an ủi, động viên những người con ưu tú của quê hương vì nước quên thân. Đến nay, người dân huyện đảo Lý Sơn vẫn còn lưu truyền câu ca: Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”, ông Quý giải thích.

 

MẠNH TỪ BIỂN, GIÀU TỪ BIỂN

 

Huyện Lý Sơn hiện có 3 xã là An Hải, An Vĩnh (Đảo Lớn) và An Bình (Đảo Bé), diện tích hơn 10km2 với dân số hơn 2,4 vạn người, tập trung chủ yếu ở Đảo Lớn. Những năm gần đây, được sự đầu tư đặc biệt của Chính phủ và của tỉnh Quảng Ngãi, huyện đảo này đã có bước phát triển vượt trội. Chuyện trò với khách phương xa, ông Nguyễn Thanh, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Tổng giá trị sản xuất của Lý Sơn năm 2015 đạt hơn 900 tỉ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 16,67%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/ người/năm (2015). Ngành Nông nghiệp của Lý Sơn với thế mạnh là đánh bắt thủy sản và trồng tỏi, hành. Đặc biệt, tỏi Lý Sơn được mệnh danh là “vua tỏi”, không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, quy mô của ngành Nông nghiệp chưa phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có; sản xuất phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện tự nhiên.

 

Nằm án ngữ trên tuyến đường biển từ Bắc vào Nam, đồng thời là con đường ra biển Đông của khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung qua cửa khẩu Dung Quất, cách đường hàng hải quốc tế 90 hải lý, cách đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) khoảng 121 hải lý và cách quần đảo Trường Sa khoảng 445 hải lý, huyện đảo Lý Sơn có vị trí đặc biệt quan trọng trong phòng thủ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. “Về kinh tế, hiện nay ngành Thủy sản được xác định là ngành mũi nhọn của Lý Sơn. Toàn huyện có 420 chiếc tàu với tổng công suất 58.700CV. Bà con ngư dân hoạt động đánh bắt ở ngư trường truyền thống là Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, do chưa có tàu vỏ thép và thường xuyên bị tàu của Trung Quốc xua đuổi, uy hiếp nên sản lượng khai thác năm 2015 chỉ đạt 38.854 tấn (giảm 1,6% so với năm trước), tương đương 278 tỉ đồng”, ông Thanh cho biết thêm.

 

Mặc dù sản lượng khai thác hải sản có sụt giảm, nhưng ngư dân Lý Sơn vẫn bám biển, bám ngư trường truyền thống của mình. Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải - Lý Sơn, bày tỏ: “Chúng tôi hiện có 34 tổ với 121 tàu đánh bắt xa bờ và 1.329 đoàn viên. Thời gian qua, mặc dù thường xuyên bị tàu lớn của Trung Quốc uy hiếp nhưng ngư dân vẫn kiên cường bám biển vừa đánh bắt xa bờ vừa tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong đó, ngư trường truyền thống vẫn là Hoàng Sa và Trường Sa. Những quần đảo, vùng biển này có một phần xương máu của cha ông đã đổ xuống nên chúng tôi quyết gìn giữ. Phải thực sự mạnh từ biển, giàu từ biển, từ đó góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

 

XUÂN HIẾU 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Biển ơi
Thứ Bảy, 21/05/2016 08:41 SA
Buổi sáng ở làng biển Phước Ðồng
Thứ Bảy, 21/05/2016 08:34 SA
Hoang sơ hòn Nưa
Thứ Bảy, 14/05/2016 11:00 SA
Vũng Rô bây giờ
Thứ Bảy, 07/05/2016 09:53 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek