Không chỉ góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, những người gác hải đăng tại Trường Sa còn giúp chỉ đường, dẫn lối cho tàu thuyền quốc tế qua lại khu vực an toàn.
CỘT MỐC CHỦ QUYỀN GIỮA ĐẠI DƯƠNG
Mỗi ngọn hải đăng không đơn thuần chỉ làm nhiệm vụ dẫn đường, chỉ lối cho tàu thuyền hoạt động qua lại khu vực biển Đông mà còn là những cột mốc được ví như “mắt thần” trông coi chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Việt Nam.
Việc xây dựng những hải đăng này tuân theo luật pháp quốc tế, là trách nhiệm của quốc gia có biển, được Cơ quan Quỹ đạo quốc tế và Hiệp hội Báo hiệu hàng hải quốc tế ghi nhận trên hải đồ quốc tế. Ngọn hải đăng đầu tiên tại Trường Sa được xây dựng tại đảo Song Tử Tây, vào năm 1993.
Trong hải trình ra Trường Sa vừa qua, tôi may mắn đi qua 4/9 ngọn hải đăng gồm Đá Lát, Trường Sa Lớn, Đá Tây, An Bang với tên gọi thân thương là “nhà đèn”. Nhìn từ xa, hải đăng đảo Đá Lát không khác gì cột thu phát sóng truyền hình vì trạm đèn là 4 trụ sắt được dựng trên nền san hô của đảo chìm; trên đó vừa là nơi diễn ra mọi hoạt động của anh em, vừa là nơi vận hành đèn. Hơn 20 năm đứng giữa biển mặn, công trình đã có dấu hiệu xuống cấp, những khung sắt đã hoen gỉ vì muối biển, chân trụ bị hà bám kín xung quanh. Khổ nhất với anh em hải đăng đảo Đá Lát là nước ngọt, vì dụng cụ lưu trữ nước mưa có hạn; còn thực phẩm chủ yếu là đồ đông lạnh, đồ hộp và cá tươi mà mỗi khi nước xuống, anh em mới đi câu được.
Những ngọn hải đăng khác trên đảo Đá Tây, Trường Sa Lớn, An Bang… được đầu tư xây dựng kiên cố, rộng rãi nên có phần thuận lợi hơn hải đăng đảo Đá Lát. Những năm gần đây, các ngọn hải đăng trên đảo đều được trang bị hệ thống pin năng lượng mặt trời và điện gió, không còn phụ thuộc hoàn toàn vào máy phát điện chạy xăng dầu như trước. Tuy nhiên, vào những hôm trời mưa bão, anh em gác đèn vẫn phải chạy thêm máy phát điện để đảm bảo đèn hoạt động ổn định cả đêm.
Không chỉ dẫn lối cho tàu vận tải hoạt động qua lại khu vực huyện đảo Trường Sa không mắc cạn, những ngọn hải đăng còn là điểm tựa của ngư dân đánh bắt cá tại ngư trường Trường Sa mỗi khi đêm xuống, trời trở gió. Những tàu đánh cá của ngư dân hư hỏng, mất định vị trong đêm tối chỉ cần thấy ánh sáng chớp nháy của hải đăng là yên tâm, không bao giờ lo mất phương hướng giữa trùng khơi.
NHỌC NHẰN NGHỀ GÁC ĐÈN
Tới thăm trạm hải đăng đảo Trường Sa Lớn vào mùa biển Đông gió mạnh, sóng lớn. Từng ngọn sóng cao cả mét đánh vào bờ bọt tung trắng xóa, hơi nước như sương tạt thẳng lên đảo khiến bàn ghế của trạm lúc nào cũng ẩm ướt. Trạm trưởng Trần Văn Khánh cho biết, trạm hải đăng Trường Sa Lớn được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2003, hiện có ba người trông coi, người ít tuổi nhất cũng đã ngoài 40, người cao tuổi nhất còn một năm nữa sẽ về nghỉ hưu. Anh Khánh quê Hải Phòng, năm nay đã ngoài 45, với 20 năm công tác tại Trường Sa, từng đi qua 6/9 ngọn hải đăng nơi đây.
Anh Khánh ra Trường Sa năm 1994, chỉ một năm sau khi ngọn hải đăng đầu tiên tại Trường Sa được xây dựng trên đảo Song Tử Tây. Hàng ngày, các cán bộ tại trạm hải đăng phải chia ca trực 24/24 giờ. Ngoài nhiệm vụ đảm bảo đèn hoạt động ổn định mỗi đêm, các anh còn phải quan sát và ghi nhận mọi hoạt động của tàu thuyền qua lại khu vực.
Cũng đến với những ngọn hải đăng ở Trường Sa từ năm 26 tuổi, nay bước sang tuổi 45, anh Trịnh Văn Nguyên, Trạm trưởng hải đăng đảo An Bang, đã có 19 năm sống tại 7/9 ngọn hải đăng ở Trường Sa. An Bang mùa này sóng gió tạt nước biển ướt cả nửa đảo, rau và gà của anh em trạm dính nước muối chết gần hết. “Mùa biển yên, rau anh em ăn không hết, nhưng mùa biển động thì không có rau tươi để ăn. Bên cạnh đó, với chúng tôi, số lần được về nhà ăn Tết với gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay”, anh Trần Quang Hải, nhân viên trạm hải đăng An Bang, bộc bạch.
Đang thực hiện công tác bảo trì ở ngọn hải đăng An Bang, nhân viên nhà đèn Vũ Duy Tuấn cho biết rằng hàng ngày, đúng 17 giờ 30, ngọn đèn biển ở An Bang bắt đầu phát sáng cho đến 6 giờ 30 hôm sau. Lịch hoạt động của nhân viên nhà đèn được tuân thủ nghiêm ngặt: sáng dậy tập thể dục, tắt đèn và chờ đến chiều; tối phân ca trực, bật đèn và lại… chờ đến sáng. Ở đảo xa, vượt qua mọi khó khăn, người gác đèn phải hòa mình vào đời sống sinh hoạt của đảo, coi đảo là nhà, đồng nghiệp là anh em ruột thịt. Có vậy, những người gác đèn mới sống hết mình với nghề, ngày đêm chiếu sáng soi đường cho tàu thuyền qua lại an toàn trên biển Đông.
Theo thống kê của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và hải đảo (thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam, Bộ GTVT) hiện cả huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) có 9 ngọn hải đăng, được xây dựng tại các đảo Song Tử Tây, Đá Lát, Đá Tây, An Bang, Tiên Nữ, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết và Trường Sa Lớn. Tất cả 9 ngọn hải đăng này đều do công ty quản lý.
VĂN TÀI