Đội cảm tử, đội phản ứng nhanh hay đội “ngự lâm”… là những tên gọi mà các vị khách đất liền khi đến đảo An Bang (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) đặt cho đội kéo xuồng nơi đây. Vì sóng gió trên đảo An Bang hoành hành rất dữ dội nên chỉ huy đơn vị đã lập hẳn một đội kéo xuồng để giúp người và hàng hóa ra vào đảo an toàn.
ĐÁNH VẬT VỚI SÓNG
Ngay trước khi rời đảo Đá Đông đến với An Bang, cánh phóng viên của tàu HQ-571 được thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Phó lữ đoàn trưởng quân sự Lữ đoàn 146 Hải quân, Trưởng đoàn công tác phía Nam, thông báo: “Sóng gió ở đảo An Bang dữ lắm, nếu không khéo, xuồng lật, cả người và đồ đạc ngã nhào xuống nước như chơi”. Vì vậy, tôi và các đồng nghiệp rất lo lắng, cẩn thận gói ghém máy móc bằng mấy lớp bao bảo quản, mặc áo phao chỉnh tề và toát mồ hôi đứng chờ đến lượt mình xuống xuồng chuyền tải.
Nhắc đến Trường Sa là nói đến sóng và gió, nhưng nếu chưa đặt chân lên tới đảo An Bang thì không thể cảm nhận được sóng, gió nơi này khủng khiếp đến mức nào. Người đi biển vẫn thường truyền nhau câu nói: “Ruồi vàng - bọ chó - gió… An Bang” để nói về cái sóng, cái gió của hòn đảo này. Theo thượng tá Nguyễn Hồng Quân, đảo An Bang nằm ở cực Nam quần đảo Trường Sa. Từ xa nhìn lại, đảo trông giống như một quả nấm nhấp nhô giữa trùng khơi. Vì đảo nằm trên nền bãi san hô ngập nước, thềm san hô hẹp nên sóng gió nơi đây dữ dội hơn những đảo khác. Cánh lính trẻ gọi nơi này là đảo Lò Vôi. Ngoài ra, An Bang còn có một tên gọi khác là đảo Đồng Hồ vì dưới chân đảo thường nổi lên bãi cát nhỏ di chuyển theo mùa chạy vòng quanh. Theo chu kỳ, bãi cát di chuyển hết một vòng là tròn năm.
Bão tố ở đảo An Bang là chuyện “như cơm bữa” nên việc ra vào đảo thực sự là một cuộc vượt ải đầy khó khăn, nguy hiểm. Không ít chuyến tàu từ đất liền đến thăm cán bộ, chiến sĩ vào đúng mùa sóng dữ đã không thể vào được đảo. May mắn cho đoàn công tác chúng tôi hôm ấy trời lặng gió và sóng khá êm nên xuồng chuyển tải cập đảo dễ dàng. Thượng tá Nguyễn Hồng Quân cho biết, trong gần 30 năm đi biển, chưa bao giờ xuồng ông cập bến An Bang dễ dàng đến thế. Nói là dễ nhưng cánh phóng viên chúng tôi, những người ít đi biển đã sợ đến xanh mặt khi những cơn sóng cứ vờn qua mạn xuồng. Khi xuồng chúng tôi gần đến bờ, hơn chục chiến sĩ đã đứng chờ sẵn. Các anh nhanh chóng bơi ra bắt dây, rồi xúm vào hò dô kéo xuồng lên bờ. Một cơn sóng bất ngờ ập đến, nước tung tóe khiến quần áo của chúng tôi ướt nhẹp. Ngồi trên xuồng, nhìn các chiến sĩ gồng mình đánh vật với sóng, tôi và nhiều người khác rất xúc động. Cuối cùng, xuồng cũng nhanh chóng tiếp cận bờ, người và hàng hóa lên đảo an toàn, ai cũng thở phào nhẹ nhõm.
ĐƯỢC HUẤN LUYỆN BÀI BẢN
Tới An Bang, chắc chắn khách đất liền nào cũng cần đến sự giúp sức của đội kéo xuồng mới cập đảo an toàn. Giữ cho xuồng không lật, “áp tải” người và hàng hóa ra vào đảo nguyên vẹn là một nhiệm vụ đòi hỏi sự hiệp đồng chính xác, nhuần nhuyễn. Vì vậy, đội kéo xuồng ở đảo An Bang được tuyển chọn rất kỹ càng và được huấn luyện bài bản. Những chiến sĩ khỏe nhất, bơi giỏi nhất và nhanh nhẹn nhất được biên chế vào đội. Tuy nhiên, nhiều khi sóng to, gió lớn, cả đảo phải ra giúp xuồng cập bến an toàn. Việc đưa xuồng vào đảo hoặc đẩy xuồng xuống biển về lại tàu lớn đòi hỏi các thành viên phải biết chớp thời cơ qua từng con sóng để tránh gặp rủi ro. Chiến sĩ HồVăn Cơ, quê ở xãBình Ngọc, TP Tuy Hòa, thành viên của đội kéo xuồng, tâm sự: “Đón, bắt, đẩy và kéo xuồng, nghe có vẻ đơn giản nhưng lại không hề dễ dàng. Để có thể thực hiện thuần thục, kịp thời và an toàn, đội chúng tôi phải thường xuyên tập luyện. Do đặc thù nơi đây nên nhiệm vụ kéo xuồng được xem là mệnh lệnh chiến đấu mà chúng tôi phải hoàn thành”.
Thiếu tá Đặng Ngọc Nam, Phó chỉ huy trưởng đảo An Bang, chia sẻ: “An Bang là chốt tiền tiêu bảo vệ vùng biển, đảo phía nam Trường Sa. Đây là một đảo nổi song có điều kiện địa hình rất phức tạp, thường xuyên hứng chịu những trận cuồng phong và sóng dữ nên việc ra vào đảo không thuận lợi như ở các đảo khác. Chính vì vậy, chỉ huy đảo đã thành lập một đội chuyên trách làm công tác kéo, đẩy xuồng. Các chiến sĩ có ý chí kiên cường, tư tưởng vững vàng, sức khỏe dẻo dai và sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ. Để nâng cao hiệu quả công tác rèn luyện sức khỏe và tạo ra những phút giây thư giãn bổ ích, anh em trên đảo thường tổ chức thi đấu giao hữu thể thao. Nhiều năm qua, chúng tôi luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”, vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba”.
Mùa này biển lặng, An Bang ở tận phía nam quần đảo Trường Sa nên không đón nhiều đoàn ra thăm như ở các đảo gần. Nhưng chắc chắn một điều, An Bang luôn là dấu son và các chiến sĩ của đội kéo xuồng sẽ luôn là những cảm tử quân trong ký ức và tình cảm của những người đã một lần đến với đảo xa mà gần này…
HÀ MY