* Hỏi: - Theo Quy định số 181-QĐ/TW ngày 30/3/2013 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, mỗi điều có quy định 3 mức xử lý, cụ thể tại 3 khoản như sau:
1. Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng, kỷ luật bằng hình thức khiển trách;
2. Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ);
3. Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, kỷ luật bằng hình thức khai trừ.
Theo quy định trên, ở Khoản 2, đảng viên có chức vụ về đảng khi vi phạm (không có tình tiết giảm nhẹ) thì phải xử lý kỷ luật cách chức, không áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo. Hiện có 2 loại ý kiến như sau:
- Ý kiến thứ nhất cho rằng đảng viên có chức vụ thì vẫn có thể áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo, bởi vì quy định nêu cảnh cáo hoặc cách chức.
- Ý kiến thứ hai cho rằng chỉ xử lý kỷ luật cảnh cáo đối với những đảng viên không có chức vụ về đảng, nếu có chức vụ thì phải cách chức.
Vậy, ý kiến nào đúng?
* Trả lời:
Khoản 2, các điều từ Điều 6 đến Điều 33, Quy định số 181-QĐ/TW quy định: “Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 1 điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ)”.
Theo quy định trên thì hình thức kỷ luật cảnh cáo được áp dụng cả với đảng viên có chức vụ và đảng viên không có chức vụ có hành vi vi phạm kỷ luật của Đảng.
Những đảng viên đang giữ một chức vụ nào đó trong Đảng (chức vụ do bầu cử, bổ nhiệm hoặc chỉ định) mà có vi phạm xét thấy không thể để ở cương vị đó nữa thì cần áp dụng hình thức kỷ luật cách chức.
Nếu chỉ bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách hay cảnh cáo nhưng không để giữ chức vụ bí thư, phó bí thư, ủy viên thường vụ nữa thì không phải là cách chức. Hoặc nếu vì điều kiện nào đó, có thể phải rút ra khỏi cấp ủy viên thì không phải là cách chức.
Những đảng viên đang giữ chức vụ có vi phạm tuy chỉ xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo nhưng vi phạm đó làm ảnh hưởng đến cương vị chức vụ mà họ đang giữ thì tổ chức đảng có thẩm quyền phải điều chuyển, bố trí công tác khác.
Do đó, đảng viên giữ chức vụ trong đảng có vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật nếu chỉ đến mức khiển trách, cảnh cáo thì vẫn áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo; nếu vi phạm sau khi căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại và nguyên nhân xét thấy đến mức phải cách chức vụ đang giữ thì phải cách chức.
Như vậy, ý kiến thứ nhất là đúng.
BÍCH THẠCH (giới thiệu)