Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.000 xe máy kéo, máy kéo chuyên dùng ở khắp các huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, số lượng phương tiện không được đăng ký, đăng kiểm, người sử dụng không có giấy phép lái xe (GPLX) lại chiếm đa số. Điều này gây không ít khó khăn trong công tác quản lý cũng như tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Thanh tra giao thông kiểm tra 1 xe kéo gắn rơ moóc tự chế - Ảnh: L.HẢO
Theo Nghị quyết 32 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, cũng như một số quy định khác về việc thực hiện quản lý xe công nông, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ thì ở tỉnh ta đã cơ bản thực hiện và đạt được những hiệu quả tích cực. Xe lam, xe công nông tự chế và xe cơ giới ba bánh tự chế gần như được loại bỏ. Tuy nhiên, đối với các loại xe máy kéo, máy kéo chuyên dùng trong nông - lâm nghiệp có gắn rơ moóc tự chế chưa đăng ký, đăng kiểm lại tồn tại rất nhiều và nằm rải rác ở khắp các địa bàn trong tỉnh. Đa số các loại xe này thường được người dân sử dụng để chuyên chở nông sản, hàng hóa khi tham gia giao thông đường bộ. Điều này không chỉ gây mất trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn mà còn khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Tấn Quang, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa cho biết: “Gia đình tôi mua một xe công nông nhưng nghĩ đây chỉ là phương tiện dùng để chuyên chở lúa, rơm cho nhà mình nên chưa làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm xe. Hơn nữa đây chỉ là xe chạy trên đường làng nên tôi cũng không thi lấy GPLX. Theo quy định phải đăng kiểm, đăng ký xe và lái xe phải có GPLX nên tôi đã tiến hành đi đăng kiểm, đăng ký xe và theo học để được cấp GPLX. Qua đó, tôi cũng hiểu biết thêm nhiều về pháp luật giao thông, quy tắc lái xe cùng những quy định về giờ, tuyến đường được phép lưu hành”. Có thể thấy rằng xe máy kéo, máy kéo chuyên dùng không có giấy kiểm định đã nhiều thì tình trạng người dân không GPLX càng nhiều hơn và những hệ lụy của nó cũng không hề đơn giản.
Theo ông Đặng Ngọc Vân, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT) cho biết, sở đã thực hiện tuyên truyền, xử lý xe máy kéo, máy kéo chuyên dùng vi phạm Luật Giao thông đường bộ cho người dân ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Ngoài những giấy tờ, chứng chỉ cần thiết, các xe máy kéo, máy kéo chuyên dùng chỉ được lưu hành từ 5g đến 18g hàng ngày và trên những tuyến đường quy định (trừ các tuyến đường như quốc lộ 1, đường nội thị…). Đây là một hoạt động nhằm nâng cao ý thức, tự giác chấp hành việc đăng kiểm, đăng ký cũng như học GPLX xe máy kéo, máy kéo chuyên dùng cho người dân. Nếu người dân có nhu cầu đăng ký học GPLX làm thủ tục đăng ký xe có thể đăng ký tại địa phương đang sống. Theo kế hoạch, từ nay đến tháng 2, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử phạt đối với những xe máy kéo, máy kéo chuyên dùng không thực hiện đúng quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ.
NHƯ THANH