Thứ Sáu, 20/09/2024 04:36 SA
Cho vay nặng lãi “bủa vây” buôn Gao
Thứ Năm, 23/08/2018 10:00 SA

Ông Ksor Y Vin thở dài vì nợ nần vây bủa - Ảnh: XUÂN HUY

Cho vay nặng lãi đã “thò” những “chiếc vòi bạch tuộc” đến các vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Sông Hinh, làm cho nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số lún sâu trong cảnh nợ nần. Ở buôn Gao (xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh), hàng chục gia đình đang vùng vẫy trong đống nợ nần bởi tình trạng cho vay nặng lãi.

 

Buôn Gao có 72 hộ dân, là buôn giáp ranh với xã Krông Năng (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai). Đại đa số cư dân buôn Gao là người Ê Đê, bao đời nay sống hiền hòa, bình yên bên dòng sông Ba. Nhưng hiện nay, cuộc sống của nhiều hộ gia đình nơi đây đang bị bủa vây trong nợ nần bởi tình trạng cho vay nặng lãi.

 

Nợ bủa vây

 

Kéo chiếc mũ cũ kỹ, vài chỗ đã sờn màu lên cao, bà Nay Hờ Chú nghiêng người, nheo mắt thổi cho bếp lửa sắp tắt bùng lên để nấu sôi nồi cháo heo. Bà nói: “Nhà chỉ còn mấy con heo thôi. Bò bán hết rồi, đất cũng bán rồi gán nợ cho người ta hết rồi. Nhưng mà nợ vẫn chưa hết”. Bà Nay Hờ Chú kể, gia đình bà trước đây có khoảng 1ha trồng sắn, thu về khoảng 13 triệu đồng/năm. Rồi gia đình bà được Nhà nước tạo điều kiện, cho vay vốn để mua bò theo diện hộ nghèo. Nhưng do đau bệnh, phải bán bò, rồi chi tiêu trong gia đình. Đứa con gái lớn đến tuổi bắt chồng, phải chi tiêu nhiều tiền nữa. Không có tiền, bà sang xã Krông Năng vay 20 triệu đồng, cứ 1 triệu đồng thì mỗi tháng trả lãi 50.000 đồng. “Lãi cao lắm. Nhiều tháng mình chỉ trả tiền lãi thôi mà cũng không đủ nên bị cộng vào, trở thành nợ gốc. Đến nay là 3 năm rồi mà vẫn còn 30 triệu đồng tiền gốc. Nhà mình đã bán 3 đám đất rồi. Giờ chỉ còn khoảng 4 sào đất trồng sắn thôi”.

 

Cùng cảnh ngộ với bà Nay Hờ Chú, gia đình ông Ksor Y Vin (49 tuổi) cũng đang lún sâu trong nợ nần. Vợ chồng ông Ksor Y Vin có 3 người con, 2 gái, 1 trai. Trước đây, gia đình ông vốn có 2 đám đất khoảng 2ha trồng sắn. Gia đình ông cũng được Nhà nước cho vay theo diện hộ nghèo 28 triệu đồng để làm vốn chăn nuôi, sản xuất. “Đứa con gái lớn đến tuổi “bắt chồng”, người ta hỏi bò, hỏi tiền, mình phải bán đi một đám đất. Sau đến đứa con gái nhỏ “bắt chồng”, mình lại tiếp tục bán đi một đám đất nữa”, ông Y Vin kể. Không còn đất làm rẫy đồng nghĩa với việc không có thu nhập, không có tiền chi tiêu, ông Y Vin tìm đến một người cho vay nặng lãi ở buôn Bưng A (xã Ea Lâm) để vay 10 triệu đồng với lãi suất 50.000 đồng/triệu/tháng để mua một miếng đất bên xã Krông Năng trồng sắn. “Tiền vay của xã chưa trả xong, tiền vay bên buôn Bưng A vẫn còn 6 triệu đồng, cộng với tiền nợ mua phân. Còn miếng đất mình mua bên Gia Lai không có giấy tờ, không may trúng đất của rừng cấm, cũng không biết người ta thu hồi lúc nào nữa”, ông Ksor Y Vin thở dài não ruột.

 

Cần là có

 

Nữ công an viên Ksor Hờ Nhi (Công an xã Ea Lâm) cho hay: Buôn Gao có 72 hộ thì đã có khoảng 60 hộ vay tiền của các đối tượng cho vay nặng lãi.Việc vay rất dễ dàng, thủ tục nhanh gọn, không cần giấy tờ gì, khi cần là có ngay. “Mình đến đó, nói cần vay bao nhiêu. Ai biết chữ thì ký vào sổ. Không biết chữ thì họ tự ghi vào sổ. Ghi sổ xong là có tiền ngay, nhanh lắm”, bà Nay Hờ Chú thuật lại.

 

Ngoài cho vay tiền, các đối tượng còn “bẫy” bà con bằng nhiều hình thức khác. Khi một gia đình hết gạo ăn hoặc cần phân bón, các đối tượng chở gạo, chở phân đến bán, không có tiền thì cứ cho nợ rồi tính lãi suất cao, cuối năm cộng vào với khoản nợ đã vay. Cứ như vậy, bà con ngày càng lún sâu trong nợ nần.

 

Trước thực trạng cho vay nặng lãi làm khốn đốn bao gia đình, chính quyền xã Ea Lâm đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn. Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Ea Lâm cho biết: Tình trạng cho vay nặng lãi xuất hiện trên địa bàn xã Ea Lâm trong thời gian qua và hiện nay, tình trạng này đang rộ lên, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con và tình hình an ninh trật tự. Lực lượng công an xã đã rà soát, thống kê danh sách khoảng 13 đối tượng cho vay nặng lãi trên địa bàn xã. Số đối tượng này vừa có người Kinh, vừa có người đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cơ sở này, xã sẽ có những biện pháp xử lý, áp dụng các chế tài xử phạt, mời gọi, răn đe, giáo dục, cho cam kết không tái phạm.

 

Theo lời kể của Ksor Hờ Nhi, trước đây ở buôn Gao có một gia đình bị các đối tượng cho vay nặng lãi đến dỡ nhà chở đi để siết nợ, dù gia đình này đã bán 1,5ha đất rẫy nhưng vẫn không đủ tiền trả đống nợ với lãi mẹ đẻ lãi con. Giờ đây, hai vợ chồng già hàng ngày phải đi chăn bò thuê, lượm phân bò bán kiếm sống qua ngày. Có lẽ, đây là câu chuyện buồn nhất trong số những tiếng thở dài ở các gia đình vay nặng lãi ở buôn Gao. Tuy buồn, nhưng đó là một lời cảnh báo nhãn tiền cho những ai định “qua lại” với hình thức cho vay nặng lãi, dễ vay nhưng khó trả này. “Cùng với sự vào cuộc của quyết liệt hơn nữa của chính quyền địa phương, lực lượng công an trong thời gian tới, mong rằng bà con cũng cần hết sức cảnh giác với hình thức “tín dụng đen” này để không lún sâu vào nợ nần”, Hờ Nhi nói.

 

Thiếu tá Trịnh Ngọc Dân, Phòng Chống phản động và chống khủng bố Công an tỉnh cho biết: Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện khó khăn, hộ nghèo ở các xã miền núi đã được Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn sản xuất. Nhưng do mùa màng bấp bênh, giá cả thị trường không ổn định, đời sống bà con còn nặng các luật, tục cộng với cách quản lý chi tiêu chưa hợp lý nên nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Nhiều hộ đã tìm đến các đối tượng cho vay nặng lãi mà không lường hết hậu quả của nó. Qua công tác nắm tình hình, chúng tôi thấy rằng, thực trạng cho vay nặng lãi không chỉ xuất hiện ở Ea Lâm mà còn hiện diện ở nhiều xã miền núi khác của huyện Sông Hinh.

 

Đối với các hộ dân đi vay, chúng tôi đã chỉ đạo các hội, đoàn thể tiếp cận, nắm tình hình, nhu cầu vốn vay để hướng dẫn người dân vay vốn ở Ngân hàng Chính sách xã hội. Thực tế chúng tôi đã giải quyết cho nhiều hộ dân được nâng hạn mức để trả khoản nợ vay lãi suất cao, giảm áp lực về lãi suất. Nhiều hộ dân rất biết ơn, đồng tình với cách làm này, cam kết không đi vay nặng lãi. Chúng tôi cũng đã khuyến cáo bà con khi gặp khó khăn, vướng mắc, có nhu cầu về vốn nên báo với chính quyền để chúng tôi có định hướng giúp đỡ. Tuy nhiên, thực tế nhiều hộ dân vẫn thỏa thuận ngầm với các đối tượng để vay tiền làm cho việc xử lý vấn đề cho vay nặng lãi vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực giải quyết để làm giảm, tiến tới triệt tiêu vấn nạn này.

 

Chủ tịch UBND xã Ea Lâm Nguyễn Văn Thành

 

HOA SIÊM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek