Thứ Tư, 01/01/2025 14:12 CH
Bước tiến vượt bậc của Hiến pháp mới
Thứ Ba, 17/12/2013 09:19 SA

Ngày 28/11/2013 đi vào lịch sử của dân tộc khi Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua. Với 97,59% phiếu tán thành, tỉ lệ phiếu thể hiện sự đồng thuận gần như tuyệt đối của ÐBQH và nói lên tình cảm, ý chí của triệu triệu tấm lòng người dân Việt. Hiến pháp mới đã thể hiện bước tiến vượt bậc về tư duy pháp lý: Ðề cao và bảo vệ quyền con người.

 

gyhp131217.jpg

Hội nghị cán bộ toàn tỉnh chuẩn bị lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp 1992 - Ảnh: T.BÍCH

Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là vấn đề quan trọng và là nội dung cơ bản của bất kỳ bản Hiến pháp nào trên thế giới. Hiến pháp 1791 của Pháp viết: Quyền con người, đó là quyền tự do sở hữu, được an toàn và chống lại áp bức. Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ 1776 cho rằng: Quyền con người, đó là quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc… Như vậy, xuất phát từ góc độ triết học và căn cứ những vấn đề cơ bản của quyền con người thì quyền con người là những đòi hỏi chính đáng về tự do và những nhu cầu cuộc sống cơ bản, cần được đáp ứng của con người.

 

Trong rất nhiều điểm mới, điểm mới nhất, rõ nét nhất đó chính là Hiến pháp đã chuyển từ Chương V quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân của Hiến pháp 1992 lên Chương II: Chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, chỉ đứng sau Chương I quy định về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng và đứng trước các chương quy định về cơ quan nhà nước. Điều đó cho thấy, quyền công dân luôn được đặt lên hàng đầu, khẳng định tầm quan trọng của quyền con người và phạm vi bảo đảm thực hiện các quyền này.

 

Cũng trong Hiến pháp mới, rất nhiều nội dung về quyền con người lần đầu tiên được quy định như: quyền sống, quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa; quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ…Cách thể hiện trong Hiến pháp cũng không quy định như trước có nghĩa Nhà nước thừa nhận các quyền con người mà quyền con người ở đây được hưởng một cách mặc nhiên, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm và bảo vệ để những quyền đó được thực hiện trên thực tế. Các điều khoản trong Hiến pháp cũng được thiết kế theo hướng: nhóm các quyền lại để bảo đảm tính thống nhất giữa quyền con người và quyền công dân; bảo đảm tính khoa học và tính hợp lý. Đặc biệt, Hiến pháp còn quy định rõ đâu là nhóm quyền được áp dụng với những cá nhân với tư cách là quyền con người; đâu là nhóm quyền chỉ áp dụng đối với công dân Việt Nam với tư cách là các quyền công dân.

 

Các quyền cơ bản như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình… tiếp tục được khẳng định và trong Hiến pháp cũng đã quy định rõ việc thực hiện các quyền phải do pháp luật quy định cụ thể.

 

Việc khẳng định, đề cao và bảo đảm thực hiện trong Hiến pháp cho thấy quyền con người, phạm vi bảo đảm đã được mở rộng hơn, phù hợp hơn với Công ước quốc tế về quyền chính trị, dân sự; quyền kinh tế, văn hóa và Tuyên ngôn Nhân quyền 1948, khẳng định một điều: Quyền con người rộng hơn, bao trùm lên quyền công dân, Nhà nước cam kết bảo đảm việc bảo vệ, tôn trọng quyền con người, quyền công dân. Các trường hợp phải hạn chế quyền con người, quyền công dân đều phải do Hiến pháp, luật định nhưng trong trường hợp thật sự cần thiết và có lý do cụ thể.

 

Những năm qua, Việt Nam là quốc gia chịu áp lực, sức ép và cả những luận điệu vu khống, đặt điều của các thế lực thù địch trên thế giới về cái gọi là vi phạm nhân quyền. Thực tế cho thấy chúng ta luôn hướng đến những điều tốt đẹp nhất, so sánh để thấy những bản Hiến pháp ban hành sau, số lượng các điều khoản về quyền con người, quyền công dân đều nhiều hơn, mở rộng, cụ thể hơn, thể hiện sự kế thừa và phát triển trong điều kiện, hoàn cảnh mới của đất nước. Những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, quyền công dân… đã được đông đảo bạn bè thế giới ghi nhận, ủng hộ. Và mới đây nhất, với sự đồng thuận cao, Việt Nam đã trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, cho thấy những quy định và cam kết của Nhà nước ta về các quyền con người đã và đang thực hiện trên thực tế là đúng đắn, thuyết phục, Hiến pháp 2013 thực sự dân chủ, là Hiến pháp của nhân dân Việt Nam. Những quy định này cũng là điều kiện để Việt Nam thực hiện tốt nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016, góp phần bảo vệ và thực hiện quyền con người trên phạm vi toàn thế giới.

 

ThS  LÊ THỊ BÍCH HẠNH

(Trường Chính trị Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek