Thứ Tư, 01/01/2025 13:41 CH
Hiến pháp của ý Đảng, lòng dân
Thứ Ba, 03/12/2013 09:27 SA

Sáng 28/11 vừa rồi, với 486 phiếu của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) biểu quyết tán thành (chiếm 97,59%), kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã chính thức thông qua bản Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi). Phát biểu về sự kiện này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định đây là thời khắc lịch sử quan trọng. Mỗi vị ĐBQH đã thực hiện ý chí, nguyện vọng của toàn dân, thay mặt toàn dân quyết định thông qua bản Hiến pháp. Bản Hiến pháp này đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân…

 

lykdthp131203.jpg

UBMTTQ tỉnh lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 - Ảnh: H.CHƯƠNG

Hiến pháp (sửa đổi) vừa được thông qua gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992). Theo đánh giá của các ĐBQH, bố cục của Hiến pháp như hiện tại là hợp lý, chặt chẽ và khoa học. Nội dung và kỹ thuật trình bày bảo đảm các quy định của Hiến pháp xứng tầm là đạo luật cơ bản, có tính ổn định lâu dài.

 

Ngay sau khi Hiến pháp (sửa đổi) được thông qua, trả lời phỏng vấn báo chí, GS, TS Trần Ngọc Đường (chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu lập pháp, thành viên Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp) cho rằng, nhìn tổng thể thì bản Hiến pháp này có nhiều điểm mới cả về nội dung lẫn kỹ thuật lập hiến. Trong số đó, điểm mới đầu tiên là chủ quyền nhân dân được nhận thức sâu sắc và thể hiện đầy đủ, xuyên suốt trong toàn bộ các chương của Hiến pháp. Ngay từ lời nói đầu đã khẳng định “nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này”. Theo ông Đường, trước đây Hiến pháp ghi nhận nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước của mình thông qua các cơ quan đại diện là Quốc hội và HĐND, nay Hiến pháp bổ sung thêm nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp. Dân chủ trực tiếp trong Hiến pháp (sửa đổi) lần này vừa nhấn mạnh quyền bầu cử, quyền ứng cử, quyền bãi, miễn đại biểu dân cử, đồng thời quy định về quyền trưng cầu dân ý. Nghĩa là nhân dân có quyền bỏ phiếu thể hiện ý nguyện của mình về những vấn đề quan trọng của đất nước, ví như trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp khi được Quốc hội quyết định. Đây là hình thức dân chủ trực tiếp cao nhất.

 

Cũng theo GS, TS Trần Ngọc Đường, Hiến pháp (sửa đổi) phân biệt rõ quyền con người và quyền công dân, trong khi đó, Hiến pháp 1992 chưa phân biệt được. Đồng thời quy định quyền con người, quyền công dân một cách đầy đủ, chính xác, có tính khả thi và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Nhà nước ta ký kết hoặc thừa nhận. Một điểm rất mới là lần này Hiến pháp xác định rõ quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật.

 

Ông Trần Văn Thái, người dân phường 5 (TP Tuy Hòa) cho biết: “Tôi vừa tìm đọc toàn văn bản Hiến pháp (sửa đổi) trên internet và thấy nhiều điểm rất tâm đắc. Chẳng hạn, trong “Lời nói đầu” của Hiến pháp, toàn bộ từ nhân dân trong Hiến pháp 1992 nay đều được viết hoa thành Nhân dân. Điều này cho thấy chủ thể quan trọng của Hiếp pháp và pháp luật là nhân dân nay đã được coi trọng hơn trước. Điều 4 của Hiến pháp sửa đổi tiếp tục khẳng định Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước, xã hội và bổ sung thêm nội dung “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Đây là điều hoàn toàn đúng đắn và theo tôi, trong thời gian tới, cần có những cơ chế phù hợp, kịp thời để người dân có thể giám sát được hoạt động của cán bộ, đảng viên. Qua đó, có điều kiện tham gia đóng góp ý kiến để góp phần xây dựng Đảng thực sự trọng sạch, vững mạnh. Có như vậy thì Đảng mới phát huy tốt vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, xứng đáng với niềm tin của nhân dân”. Còn ông Trần Ba (xã Suối Bạc, Sơn Hòa) nhận xét: Qua nghiên cứu, tìm hiểu cặn kẽ, tôi nhận thấy nội dung bản Hiến pháp (sửa đổi) không chỉ chắt lọc, tổng hợp được tinh hoa trí tuệ của các tầng lớp nhân dân, thể hiện được đầy đủ ý Đảng, lòng dân mà còn thể hiện tinh thần đổi mới, phù hợp với tình hình xây dựng, phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Vì vậy, tôi mong muốn trong thời gian tới những điểm mới có nhiều tiến bộ đã được khẳng định trong Hiến pháp (sửa đổi) được Quốc hội thông qua lần này sẽ sớm được thực thi, đi vào thực tế cuộc sống, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân trong cả nước.

 

Để Hiến pháp (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp. Trong đó, quy định hiệu lực của Hiến pháp; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước; việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành trước ngày Hiến pháp mới có hiệu lực; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương trong việc tổ chức thi hành, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Hiến pháp để bảo đảm Hiến pháp được tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, cùng với cả nước, các ngành, cấp hữu trách trong toàn tỉnh cần chuẩn bị tâm thế và các điều kiện cần thiết để việc triển khai thực hiện đưa Hiến pháp (sửa đổi) đi vào cuộc sống được nhanh chóng, thuận lợi, đạt hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân, mọi công dân đều “sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”. Có như vậy, mới đáp ứng kỳ vọng và ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

 

BÌNH TÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek