12 giờ trưa, tôi ghé nhà anh bạn ở khu phố T. để bàn chuyện tham gia đi vận động quà cho đồng bào nghèo miền núi vào tết sắp tới. Vừa chạy xe vào con hẻm gần nhà anh đã thấy nhiều người hàng xóm chung quanh bịt mũi, lắc đầu vì mùi hôi thối nồng nặc lan tỏa trong không khí.
Chưa biết sự tình nguyên do thế nào thì anh bạn đi tới, ngán ngẩm nói: “Đó ông xem, đã phản ánh bao nhiêu lần rồi nhưng vẫn đâu hoàn đấy. Cứ ngửi mùi muốn đau đầu nhức óc thế này thì ai chịu thấu. Cứ kêu gọi xây dựng khu dân cư văn hóa, đô thị văn minh nhưng mần ăn như vầy thì xem ra đến…Tết Công gô cũng không xong nổi”. Ngay khi ấy, có một anh Tây ba lô đạp xe qua, vừa đi vừa bịt mũi, miệng xí xô xí xố trông có vẻ khó chịu lắm!
Thì ra, thủ phạm của những lời ca cẩm, thái độ thiếu thân thiện vừa nêu là chiếc xe bồn hút hầm cầu đang lù lù hoạt động trước cổng trường tiểu học của khu phố. Không biết che chắn, bao bọc thế nào mà cái mùi nhiều người lâu nay rất dị ứng cứ vô tư bay ra. Thành thử, muốn chợp mắt hay tập trung làm gì đó cũng không được nên bà con phản ánh, ca thán là phải…
Lâu nay, tình trạng các xe hút hầm cầu gây “náo động” các khu dân cư vẫn thường xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là do khi hoạt động, các xe này không đảm bảo đầy đủ những điều kiện kỹ thuật theo quy định, cứ để chất thải “xì” hơi vô tội vạ, gây ô nhiễm môi trường chung quanh. Nếu ai đó thắc mắc phản ánh thì chủ xe cho rằng “nó phải vậy thôi” và hứa sẽ cố gắng khắc phục nhưng vụ việc xem ra vẫn chưa được cải thiện như mong muốn. Ở một khía cạnh khác, tình hình ô nhiễm môi trường xem ra còn khá phổ biến ngay từ những việc nhỏ. Chẳng hạn, trên đường quê hay phố thị, ta vẫn thường thấy có xe tải cổ lỗ sĩ chạy phun khói đen sì khiến nhiều người ho sù sụ vì hít phải…
Những chuyện nêu trên tuy nhỏ nhưng lại tác động không nhỏ đến việc xây dựng địa bàn dân cư có môi trường sống an toàn, thanh sạch. Nguyên nhân là do cơ quan chức năng chưa thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý, ngăn chặn hiệu quả các trường hợp vi phạm vệ sinh môi trường mà việc hút hầm cầu là một ví dụ thường gặp. Trưởng ban công tác Mặt trận một khu dân cư cho biết: Pháp luật về bảo vệ môi trường thì Nhà nước đã ban hành lâu rồi. Vấn đề là các cơ quan hữu trách có chịu làm đến nơi đến chốn hay không. Mặt trận và các đoàn thể chỉ có thể vận động, kêu gọi người dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có gìn giữ môi trường. Còn xử lý các trường hợp vi phạm thì phải có lực lượng chuyên trách mới ra tay được.
Vì thế, đã đến lúc các đơn vị chức trách cần chú ý, có biện pháp cụ thể, thiết thực để giải quyết hiệu quả trường hợp “đau đầu nhức óc” thường thấy nói trên, qua đó, góp phần cùng các ngành, các cấp xây dựng đô thị xanh-sạch-đẹp đúng nghĩa.
SÔNG BA HẠ