Thứ Hai, 13/01/2025 06:48 SA
Xứng danh người lính Cụ Hồ
Thứ Hai, 01/04/2013 10:00 SA

Nhiều người biết đến ông bởi ông là một cựu chiến binh tham gia hai thời kỳ kháng chiến, sau nghỉ hưu, ông tham gia công việc xã phường thêm… 28 năm! Ông là Cao Hữu Phúc 84 tuổi đời, hơn 50 năm tuổi Đảng hiện đang sống tại khu phố 6 (phường 4, TP Tuy Hòa) luôn mẫu mực trong cuộc sống bình dị đời thường.

 

ongphuc130401.jpg

Ông Cao Hữu Phúc - Ảnh: H.ANH

Tháng 5/1955, sau khi hoàn thành công việc 300 ngày ở Quy Nhơn (Bình Định), ông Cao Hữu Phúc tập kết ra Bắc và được biên chế vào Sư đoàn 324 đóng ở huyện Đô Lương (Nghệ An). Năm 1961, ông về Nam tiếp tục cầm súng chiến đấu và được Quân khu 5 biên chế vào Đại đội 4, Tiểu đoàn 30. Sau đó, ông lại được tiếp tục điều về K80 thuộc Phân khu Nam do tướng Lư Giang làm Tư lệnh. Năm 1966, ông là Chính trị viên đại đội 2, Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 10 (Trung đoàn Ngô Quyền). Trong quãng thời gian 9 năm trở về Nam chiến đấu (1961-1970) cũng là giai đoạn gian khổ và ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông có mặt ở rất nhiều trận đánh trên khắp các chiến trường Kon Tum, Đắk Lắk, Phú Yên… Trong đó, trận gặp Lữ đoàn dù 100 của địch tại dốc Sống Trâu (An Xuân, Tuy An) cách Gò Thì Thùng khoảng 1 cây số vào mùa khô năm 1967 là ông nhớ nhất. Trận này quân ta đã đánh bại hai đợt phản công của địch, thu được hai trung liên, hàng chục tiểu liên, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên, bắn hỏng 2 máy bay. Cũng tại trận này, do ở lại làm công tác chôn cất liệt sĩ và dấu vũ khí nên ông và 3 đồng chí khác bị lạc đơn vị 7 ngày giữa núi rừng An Xuân. Đó là một tuần ông và đồng đội chịu biết bao khổ cực vì đói, sốt rét…

 

Do bị thương nhiều lần, năm 1970, ông tiếp tục ra Bắc điều trị và dưỡng thương. Sau khi kiểm tra, vì không đủ sức khỏe để tiếp tục về Nam chiến đấu, ông ở lại miền Bắc và được biên chế vào đơn vị 564 thuộc Quân khu Tả ngạn làm cán bộ khung huấn luyện những người chuẩn bị đi B. Năm 1973 ông nghỉ hưu.

 

Năm 1976, sau khi đất nước thống nhất được một năm, ông đưa gia đình về quê hương Phú Yên sinh sống và tiếp tục tham gia công tác phường, khu phố. Trong quãng thời gian từ năm 1977-2005, ông đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau như Chủ tịch Mặt trận phường, Phó bí thư Đảng ủy phường 4, Bí thư khu phố 4 (nay là khu phố 6) kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận… nhiệm vụ nào cũng được ông hoàn thành một cách xuất sắc. Những năm sau giải phóng, công việc ở phường xã nói chung bộn bề với những khó khăn chồng chất. Bản thân ông lúc đó là bộ đội nghỉ hưu, chưa từng làm công tác quản lý, xây dựng cơ sở nên lúc đầu rất khó đảm đương nhiệm vụ. Vì vậy, ông phải tìm tòi học hỏi các đồng chí từng là cán bộ xã trong chiến tranh rồi tự rút kinh nghiệm đối với thực tế từng công việc. Vào những năm 1981-1982, ông vừa làm công tác ở phường lại kiêm luôn công tác bí thư khu phố 4. Thời điểm đó, nhiều người dân chưa yên tâm với chế độ mới nên có tư tưởng vượt biên vượt biển, ông cùng các đồng chí trong cấp ủy tích cực vận động bà con ở lại, yên tâm làm ăn sinh sống. Hay như năm 1979, muốn chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, nhiều kẻ xấu đã dựng chuyện Việt Nam muốn xua đuổi người Hoa về nước và phường 4 là phường có người Hoa nhiều nhất. Ông cùng Mặt trận phường mở nhiều cuộc họp để tuyên truyền cho bà con người Hoa trong phường. Bấy giờ, tại phường 4 có ông Phan Chính Quyền là người Hoa, nói tiếng Hoa rất giỏi đồng thời là một đảng viên từng tập kết ra Bắc. Ông Phúc mời ông Quyền giúp giải thích cặn kẽ cho bà con hiểu chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam; đồng thời cũng tạo điều kiện cho những ai có nguyện vọng về nước hoàn tất các thủ tục giấy tờ theo quy định. “Thời gian này, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, bà con cần được giải thích thấu lý đạt tình nên tôi có mặt ở nhà với vợ con ít lắm. Mọi việc trong nhà đều một tay bà xã tôi lo liệu”, ông Phúc nói. Năm 1992, ông xin nghỉ công tác ở phường, nhưng chưa được bao lâu, Chi bộ khu phố 4 tín nhiệm bầu làm Bí thư kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận của khu phố. Và ông Phúc lại tiếp tục cống hiến cho những công việc không tên tuổi ở khu phố một cách nhiệt tình, sâu sát, được nhiều người yêu mến. Đến năm 2005, ông xin nghỉ vì tuổi cao sức yếu và do các vết thương hành hạ.

 

Trong thời gian dài đảm đương các nhiệm vụ ở phường và khu phố, phường 4 nổi lên các phong trào thi đua về thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ… được các phường bạn học tập; khu phố 6 được công nhận là Khu dân cư tiên tiến xuất sắc toàn tỉnh. Bản thân ông được chọn đi dự Hội nghị tổng kết 5 năm (1995-2000) về xây dựng khu dân cư tiên tiến ở Hà Nội và được nhận kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc”.

 

Ông Huỳnh Văn Ủng (73 tuổi, hơn 40 năm tuổi Đảng) ở khu phố 6, trân trọng khi nói về ông Cao Hữu Phúc: “Là một cựu chiến binh hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ nhưng ông Phúc đã không quản công sức, ngày đêm tích cực tham gia công tác xây dựng địa phương vững mạnh, được nhân dân tin yêu. Tôi thấy ông Phúc xứng đáng là tấm gương để nhiều người học tập, noi theo”.

 

HÀ ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hết lòng vì công tác hội
Thứ Tư, 27/03/2013 08:30 SA
Một chi đoàn tiêu biểu
Thứ Ba, 26/03/2013 09:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek