Đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và công cuộc xây dựng quê hương trong những ngày gian khó, là một trong số ít người ở Phú Yên có cơ hội gặp và nghe Bác Hồ trò chuyện, cuộc đời của A Lê Y Đúp - nguyên Bí thư xã Ea Trol (Sông Hinh) có quá nhiều điều đáng nhớ. Năm 2008, Y Đúp bắt đầu viết hồi ký, trong đó điểm nhấn là những lần được gặp Bác Hồ.
A Lê Y Đúp kể lại kỷ niệm cho một bạn trẻ ở xã Ea Trol - Ảnh: N.HUY
Hôm chúng tôi đến nhà A Lê Y Đúp (thường gọi là Ma Oi) ở buôn Bầu (xã Ea Trol), gia đình ông đang quây quần bên chóe rượu cần. Có nhà báo đến chơi, Ma Oi rất vui. Lâu lắm rồi ông mới có dịp kể về cuộc đời mình, về những lần được gặp Bác Hồ - người cha tinh thần, soi sáng bước đường mà ông đã đi qua, giúp ông có thêm nghị lực để vượt qua bao khó khăn trong cuộc sống, trở thành người kiên trung với cách mạng.
“GẶP BÁC LÀ GIẤC MƠ CỦA CUỘC ĐỜI”
Ma Oi có vẻ khắc khổ hơn so với tuổi 77 của ông. Khi nói chuyện, chúng tôi phải thật cố gắng, phần vì tai trái của ông đã bị điếc, phần vì sức khỏe bị ảnh hưởng bởi tuổi tác. Tuy nhiên, khi được hỏi về những lần gặp Bác Hồ, mắt sáng ngời và ông kể từng chi tiết một. Hồi ức như những thước phim vừa mới chiếu hôm qua.
Là cậu bé mồ côi cha mẹ, thấm thía cảnh cơm không có ăn, gạo không có nấu và chứng kiến sự tàn bạo của thực dân Pháp cùng bè lũ tay sai đối với đồng bào mình, chàng trai A Lê Y Đúp sớm giác ngộ cách mạng và tham gia kháng chiến chống Pháp. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, A Lê Y Đúp theo chân bộ đội hoạt động bí mật ở các khu kháng chiến. Trên các con đường từ xã Sông Hinh đến Suối Trai đều có dấu chân của A Lê Y Đúp, lúc thì tham gia đào hầm, gài chông ven bờ sông Ba, lúc thì làm giao liên mang thông tin, tài liệu đến các khu căn cứ cách mạng ở Phú Yên và Đắk Lắk. Xuyên suốt quá trình ấy, ngoài ý chí căm thù giặc, mong muốn quét sạch bọn xâm lược, giấc mơ của A Lê Y Đúp là một lần được gặp Bác Hồ, vị cha già kính yêu của dân tộc.
Tháng 12/1954, A Lê Y Đúp được tập kết ra Bắc học tập. Với người thanh niên tuổi 17 này, đây là cột mốc đầu tiên trong hành trình biến giấc mơ thành hiện thực. Trải qua chặng đường dài với biết bao gian khó, A Lê Y Đúp cùng đoàn cán bộ từ tỉnh Đắk Lắk đã đến Hà Nội. Giữa thủ đô, cùng với những thanh niên miền Nam tập kết ra Bắc, chàng trai quê ở Ea Trol càng thêm vững lòng khi nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Bác Hồ.
Trước Tết Nguyên đán năm 1955, mơ ước của A Lê Y Đúp trở thành hiện thực, khi Bác Hồ đến thăm và chúc tết các học sinh Trường Dân tộc trung ương. Giữa ngàn người, chàng thanh niên quê ở Ea Trol vẫn chen chân để có được vị trí thuận lợi nhất để nhìn thấy Bác, nghe Bác nói chuyện. Ông kể: “Bác hỏi: Các cháu có nhớ đồng bào miền Nam mình không? Tất cả đồng thanh trả lời: Thưa Bác có! Bác lại hỏi: Nếu nhớ đồng bào miền Nam thì các cháu ở đây cần phải làm gì? Hội trường im lặng sau câu hỏi của Bác, rồi có một cánh tay giơ lên. Thưa Bác, Bác cho chúng cháu về miền Nam cùng đồng bào đánh Mỹ. Bác nói: Được, cháu ngồi xuống. Không lâu sau, một cánh tay khác giơ lên. Thưa Bác, càng nhớ miền Nam bao nhiêu cháu càng cố gắng học tập để trở thành cán bộ có trình độ, năng lực về xây dựng miền Nam, xây dựng quê hương. Bác nói: Cháu thứ nhất trả lời đúng, vì quá thương nhớ miền Nam nên cháu muốn về miền Nam cùng đồng bào đánh Mỹ. Nhưng nếu không khéo các cháu hy sinh hết rồi, sau này ai xây dựng miền Nam, ai xây dựng quê hương mình? Nên cháu thứ hai phát biểu đúng hơn cả”. Giọng nói dịu dàng và cách nói chuyện ân cần ấy đã khắc sâu vào tâm trí A Lê Y Đúp. Từ đây, người con của núi rừng Ea Trol nguyện một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ phục vụ cách mạng, xây dựng miền Nam sau ngày thống nhất đất nước.
MỘT ĐỜI KIÊN TRUNG VỚI CÁCH MẠNG
Là một trong số ít người ở huyện Sông Hinh được tận mắt nhìn thấy Bác, nghe Bác nói chuyện, trải qua hành trình dài từ miền Nam ra miền Bắc học tập và sau này trở về góp phần dựng xây quê hương đất nước, A Lê Y Đúp tự nhủ phải ghi lại kỷ niệm đáng nhớ ấy để con cháu biết và noi gương, trở thành người có ích cho quê hương. Và tập hồi ký Ước mơ thành sự thật của ông ra đời.
Có thể nói, nội dung của tập hồi ký đã phản ánh đầy đủ, sinh động cuộc đời, quá trình học tập, góp phần xây dựng quê hương của A Lê Y Đúp. Xuyên suốt tập hồi ký ấy, người đọc nhận thấy A Lê Y Đúp là một chiến sĩ kiên trung với cách mạng, dám hy sinh những lợi ích cá nhân, biết phấn đấu, vươn lên không ngừng trong cuộc sống. Hồi ký mở đầu bằng hình ảnh chàng trai A Lê Y Đúp bịn rịn khi phải chia tay em gái, người thân duy nhất trong gia đình, để tập kết ra Bắc học tập. Vì cái chữ, vì cách mạng, A Lê Y Đúp đã lên đường ra Bắc. Bất chấp giặc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, A Lê Y Đúp cùng các học sinh miền Nam vẫn cố gắng rèn luyện bản thân và tích góp từng con chữ. Những nỗ lực ấy đã được đền đáp khi ông được đứng vào hàng ngũ của Đảng và tốt nghiệp đại học ngành Văn - Sử - Địa. Với chuyên môn và phẩm chất đáng quý, ông được điều động về làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, A Lê Y Đúp vui mừng khôn xiết vì sắp được trở về xây dựng quê hương đất nước. Với chuyên môn làm báo, người đàn ông Êđê này được Trung ương điều động về công tác tại Đài Phát thanh tỉnh Đắk Lắk. Sau đó một năm, A Lê Y Đúp được tỉnh Đắk Lắk phân công cùng với Đoàn Nhật Chấn là những người đầu tiên phụ trách tờ báo Đắk Lắk.
Năm 1977, trước tình hình bọn FULRO hoạt động mạnh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, bên cạnh những bài viết, A Lê Y Đúp còn tích cực xuống cơ sở để vận động bà con không nghe lời bọn FULRO phá hoại đất nước, giữ vững chế độ và chính quyền trong tay nhân dân. Thời gian này, A Lê Y Đúp nhận được nhiều bằng khen của tỉnh Đắk Lắk cho những đóng góp của mình.
Năm 1979, tai của A Lê Y Đúp bị hỏng màng nhĩ. Không thể tiếp tục làm việc với cường độ cao, ông được điều chuyển về phụ trách Đài Phát thanh huyện Tây Sơn (cũ). Một thời gian sau, A Lê Y Đúp được Đảng bộ huyện Tây Sơn phân công làm Bí thư Chi bộ xã Ea Trol - nơi ông sinh ra và có nhiều kỷ niệm tuổi thơ.
Là địa bàn có tình hình chính trị, tư tưởng ổn định nhưng Ea Trol gặp nhiều khó khăn về kinh tế, người dân liên tục thiếu ăn. Là người đứng đầu xã và có kiến thức, sau nhiều đêm không ngủ, A Lê Y Đúp nghĩ mình phải thay đổi bộ mặt của quê hương. Ông đã mạnh dạn nhận lúa giống của Nhà nước về phân phát và động viên bà con cố gắng trong lao động sản xuất. Nhà nước cho mình vay một thùng lúa, mình phải cố gắng làm sao vừa trả lại được cho Nhà nước vừa có cái ăn, cái mặc. Những lời động viên ấy của người bí thư cùng những cách làm mới đã đưa Ea Trol từng bước vượt qua khó khăn và trở thành một trong những xã có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất ở huyện Tây Sơn giai đoạn 1983-1986.
Những năm nghỉ hưu, tuy tuổi cao sức yếu nhưng khi được bầu làm Chủ tịch Mặt trận xã Ea Trol, Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ…, A Lê Y Đúp lại hăm hở cống hiến sức mình cho công việc chung.
77 tuổi đời, hơn 40 tuổi Đảng, một lòng theo cách mạng từ năm 17 tuổi cho đến nay, A Lê Y Đúp không giàu có về vật chất nhưng lại sở hữu những ký ức đẹp và tinh thần vượt khó, dám hy sinh vì sự nghiệp cách mạng mà không phải ai cũng có được. Suốt cả cuộc đời mình, ông đã noi theo gương Bác, làm rất nhiều việc có ích cho đồng bào, cho quê hương.
A Lê Y Đúp có hai ước mơ lớn trong cuộc đời. Ước mơ lớn thứ nhất đã thành hiện thực, ông đã được gặp Bác Hồ. Ước mơ lớn thứ hai là được nhìn thấy quê hương ngày càng giàu đẹp; con cháu một lòng theo Đảng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để trở thành người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội.
Bên chóe rượu cần tràn đầy, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của A Lê Y Đúp, bởi ước mơ của ông đã thành sự thật.
Đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Sông Hinh: A Lê Y Đúp là một cán bộ tận tụy, tâm huyết khi thực hiện nhiệm vụ của Đảng, của dân, của Bác Hồ giao phó. Trong thời gian học tập ở miền Bắc, đồng chí đã được gặp Bác Hồ. Đây không chỉ là vinh dự của riêng đồng chí mà còn là vinh dự của người dân xã Ea Trol và huyện Sông Hinh. Tôi đánh giá tập hồi ký Ước mơ thành sự thật của đồng chí A Lê Y Đúp có giá trị giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ tiếp tục làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng chí Phạm Nhất Hữu, Bí thư xã Ea Trol: Sau khi đọc tập hồi ký, tôi rất cảm động và khâm phục ý chí của ông A Lê Y Đúp. Ông xứng đáng là gương điển hình trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, để thế hệ trẻ soi vào, vững bước trên con đường xây dựng quê hương đất nước. Hiện tại, chúng tôi đã phổ biến tập hồi ký đến tủ sách của 14 chi bộ thôn, buôn của xã Ea Trol để mọi người cùng đọc và học tập theo tấm gương của A Lê Y Đúp. |
NHẬT HUY