“10 năm làm việc cho Ngân hàng Chính sách xã hội, đối với tôi, có ý nghĩa rất lớn khi biết mình đã đưa đồng vốn đến đúng đối tượng, giúp giảm tỉ lệ hộ nghèo ở địa phương, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, giúp học sinh - sinh viên nghèo không phải bỏ học giữa chừng”. Đó là tâm sự của bà Đỗ Thị Hảo, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Xuân (VBSP Đồng Xuân).
Bà Đỗ Thị Hảo nghe báo cáo về công tác giải ngân vốn vay - Ảnh: L.HẢO
“VỮNG TAY CHÈO” TRONG GIAN KHÓ
Gắn bó với VBSP Đồng Xuân từ năm 2003, bà Hảo cho biết: Vừa mới thành lập, VBSP Đồng Xuân nhận bàn giao chương trình cho hộ nghèo vay vốn và giải quyết việc làm của Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) và Kho bạc Nhà nước huyện với dư nợ hơn 17,2 tỉ đồng, trong đó nợ quá hạn lên đến 5,18%, tỉ lệ nợ khoanh cũng chiếm đến 4,43% tổng dư nợ. Thời điểm đó, món vay nhỏ, hộ vay nhiều, địa bàn hoạt động lại rộng nên quá trình kiểm kê, đối chiếu nợ gặp nhiều khó khăn. Lúc bấy giờ, VBSP Đồng Xuân chỉ có 3 người: 1 lãnh đạo và 2 nhân viên. Vì vậy, cả lãnh đạo và nhân viên VBSP Đồng Xuân đều phải đến từng hộ vay để đối chiếu nợ. Sau khi đánh giá chất lượng nợ, ngân hàng bắt đầu làm việc với chính quyền địa phương, ban giảm nghèo của xã, thị trấn để kiện toàn đội ngũ cộng tác viên của đơn vị, tìm những người có uy tín, trách nhiệm với cộng đồng để củng cố đội ngũ tổ trưởng tổ tiết kiệm - vay vốn (TKVV). Ngoài ra, VBSP Đồng Xuân còn tổ chức tập huấn quy trình nghiệp vụ và các chính sách tín dụng ưu đãi của VBSP cho các hội đoàn thể, ban quản lý tổ TKVV ở địa phương.
Là quyền giám đốc của VBSP Đồng Xuân từ năm 2003 và chính thức nhận chức giám đốc đơn vị từ năm 2006, trong những thời điểm thiếu người, bà Đỗ Thị Hảo không ngại khó khăn, trực tiếp tham gia tổ giao dịch lưu động, làm thủ quỹ đi giải ngân như một nhân viên bình thường. Bà Hảo nhớ lại: “Vào mùa mưa lũ, mỗi lần đi giải ngân vốn cho hộ vay ở các xã vùng xa như Xuân Quang 1, Phú Mỡ, tổ giao dịch phải nhờ người dân khiêng cả người và xe qua suối vì nước chảy xiết, không lội qua được. Trong khi đó, ngân hàng đã hẹn bà con đến giải ngân nên cũng không thể quay trở về”. Khi biên chế của VBSP Đồng Xuân tăng lên, công việc giãn bớt, bà Hảo không phải đi giao dịch địa bàn như một cán bộ tín dụng. Tuy nhiên, do càng ngày ngân hàng càng triển khai nhiều chương trình vay vốn, đội ngũ cán bộ trẻ mới vào làm có trình độ, lòng nhiệt huyết nhưng lại thiếu kinh nghiệm quản lý tài chính, giao tiếp với chính quyền, hội đoàn thể và hộ vay nên lúc này, bà Hảo vẫn phải tham gia giao dịch để hướng dẫn, kiểm tra cách làm việc của cán bộ tín dụng. Đến nay, mọi việc dần đi vào ổn định, bà Hảo chuyên tâm với công tác quản lý, tham mưu cho Đảng ủy, UBND huyện và Trưởng ban đại diện HĐQT VBSP Đồng Xuân về hoạt động của đơn vị.
CÒN NHIỀU TRĂN TRỞ
Bà Đỗ Thị Hảo làm việc trong ngành ngân hàng từ năm 1980. Trước khi chuyển qua làm việc cho VBSP Đồng Xuân, bà Hảo là Trưởng phòng Nghiệp vụ - Kinh doanh của Agribank huyện Đồng Xuân. Bà chia sẻ: “Mới từ ngân hàng thương mại chuyển qua, thú thật, tôi chỉ muốn thay đổi môi trường chứ chưa thể hình dung được công việc mới lại nhiều áp lực đến thế. Tuy nhiên, qua 10 năm hoạt động, đối mặt với không ít khó khăn nhưng tôi may mắn nhận được sự ủng hộ của chính quyền, hội, đoàn thể các cấp và đặc biệt là sự đoàn kết, đồng lòng của tập thể cán bộ, nhân viên VBSP Đồng Xuân. Nhờ vậy, công việc đơn giản hơn rất nhiều. Mỗi lần đến kiểm tra hộ vay, thấy đồng vốn của mình phát huy hiệu quả, giúp bà con thay đổi được cuộc sống, tôi không còn gì vui hơn”.
Tuy nhiên, qua nhiều năm công tác, bà Hảo trăn trở: Hiện kinh nghiệm sản xuất và quản lý vốn vay của hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, vẫn chưa chuyển biến. Nhiều người còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào vốn chính sách của Nhà nước, ý thức trả nợ vay kém, khiến cán bộ ngân hàng gặp khó khăn trong công tác thu hồi nợ. Theo bà Hảo, Phòng NN-PTNT huyện, chính quyền, hội, đoàn thể các xã, thị trấn cần xác định lao động địa phương phù hợp với ngành nghề gì, kinh tế địa phương cần trồng cây gì, nuôi con gì để đề nghị Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu phát triển, giúp người nghèo có ý thức tự lực, vươn lên làm giàu. Từ đó, đồng vốn chính sách mới phát huy hết hiệu quả kinh tế, xã hội.
Theo ông Đào Tấn Nguyên, Giám đốc VBSP chi nhánh Phú Yên, bà Đỗ Thị Hảo là người có tinh thần, trách nhiệm cao, làm việc hiệu quả. Nhiều năm liền, bà Hảo được Tổng giám đốc VBSP Việt Nam tặng giấy khen. Bà còn là một trong những cá nhân được vinh danh có nhiều đóng góp trong 10 năm hoạt động của VBSP Việt Nam, được đơn vị đề nghị Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen.
Qua 10 năm hoạt động, dưới sự lãnh đạo của Giám đốc Đỗ Thị Hảo, VBSP Đồng Xuân đã đạt được nhiều thành tích đáng kể. Tính đến cuối năm 2012, tổng dư nợ của đơn vị đạt gần 157 tỉ đồng, tăng 135,9 tỉ đồng so với năm 2003 (bình quân mỗi năm tăng 64,6%); đặc biệt, nợ quá hạn được kéo giảm xuống thấp, chỉ còn khoảng 0,83% tổng dư nợ. |
LÊ HẢO