Thứ Năm, 03/10/2024 03:30 SA
Đem lại một chút xuân...
Thứ Sáu, 08/02/2013 09:19 SA

Tốt nghiệp khóa kỹ thuật viên chuyên khoa phục hồi chức năng Trường trung cấp Y tế Đà Nẵng, Hồ Thị Nhung về làm việc tại Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng của tỉnh. Chị được lãnh đạo bệnh viện phân công phụ trách tổ phục hồi chức năng. Vừa làm việc, chị vừa theo học khóa tại chức 4 năm tại Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh nhằm nâng cao trình độ phục vụ người bệnh tốt hơn.

chi-Nhung130208.jpg

Chị Nhung tận tình hướng dẫn người bệnh tập luyện để phục hồi chức năng - Ảnh: T.THỦY

Công việc của tổ phục hồi chức năng thật nặng nề. Số bệnh nhân lúc đông nhất lên đến 50 người. Bệnh nhân là những người bại liệt do tai biến mạch máu não, do tai nạn giao thông và các trẻ em bị bại não... Họ vận động, di chuyển khó khăn, đau đớn thể xác, căng thẳng tinh thần, nặng nề tâm trạng lo âu, bi quan, thậm chí không muốn sống nữa. Vì vậy trong quá trình điều trị, luyện tập họ thường tỏ ra nóng nảy, khó tính.

Chị Nhung tâm sự: “Trước một đối tượng phục vụ như vậy, bản thân tôi và các anh chị em trong tổ luôn xác định là ngoài trách nhiệm, lương tâm của người thầy thuốc, nếu không có tình thương yêu bệnh nhân, coi nỗi đau của họ như nỗi đau của chính mình thì không thể nào hoàn thành nhiệm vụ được giao. Mỗi bước phục hồi của người bệnh, dù rất nhỏ, cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc của chúng tôi”. Như anh đã biết Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, người Cha, người Thầy kính yêu của chúng ta, gọi các cơ sở chữa bệnh là “nhà thương”. “Ngày mai các chú đưa Bác đến thăm nhà thương Vân Đình. Các chú sắp xếp để tháng tới Bác đến thăm nhà thương Bạch Mai”. Các bậc lão thành trong ngành Y cho biết: Từ lâu, các cơ sở chữa bệnh ở nước ta, dù ở đô thị hoặc nông thôn, đều được gọi là nhà thương. Không rõ từ thời gian nào, cái “mốt” dùng từ Hán - Việt, đã biến nhà thương thành bệnh viện hiện nay.

“Nhà thương”, danh hiệu này mang ý nghĩa cao cả biết bao! Nhà thương là nơi chữa bệnh, nhưng muốn chữa bệnh đạt kết quả tốt, ngoài trình độ chuyên môn, trước hết, quan trọng hơn hết, phải có lòng yêu thương người bệnh. “Lương y phải như từ mẫu” người thầy thuốc giỏi phải như người mẹ hiền. Thực hiện lời huấn thị trên đây của “Chủ tịch Hồ Chí Minh, biết bao thầy thuốc cả Tây y và Đông y, đã hết lòng vì người bệnh, đem lại lòng biết ơn, sự tin yêu kính trọng của người bệnh và gia đình họ, bồi đắp thêm ngời sáng truyền thống nhân ái, nhân văn của ngành Y và của dân tộc ta. Đáng tiếc là những năm gần đây, ở một số thầy thuốc phai nhạt y đức, coi đồng tiền hơn sức khỏe người bệnh, nên đã để xảy ra những hiện tượng đau lòng mà báo chí đã nêu.

Chị Nhung dừng dòng suy nghĩ của mình, trở lại câu hỏi của tôi, về những kết quả đã đạt được của tổ hồi sức chức năng. Chị kể: Đáng mừng là nhiều bệnh nhân, sau khi được chúng tôi trò chuyện, động viên thuyết phục và tận tình hướng dẫn, đã chịu khó tập luyện, kết quả là sức khỏe dần dần hồi phục, tự tin hơn với cuộc sống hiện tại. Như trường hợp anh Tuân, xã Hòa Thành (Đông Hòa) làm nghề thợ hồ, bị bại liệt. Anh đã vào bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh điều trị một thời gian, nhưng chưa đỡ. Về nhà anh đóng cửa buồng nằm một mình, không muốn tiếp xúc với ai, ngay cả vợ mình. Nghe lời khuyên của bạn bè, anh xin vào điều trị tại Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Phú Yên. Sau 6 tháng luyện tập, với sự hướng dẫn động viên của các nhân viên kỹ thuật, kết quả thật đáng mừng. Anh Tuân đã sử dụng được xe lăn một cách thành thạo. Trên chiếc xe lăn, hằng ngày anh đi bán vé số. Tiền công anh thu về chẳng được là bao, nhưng cũng đã góp chút ít để giải quyết khó khăn cho cuộc sống gia đình. Điều quan trọng là, trên khuôn mặt khá điển trai, nụ cười mà anh dứt bỏ từ mấy năm trước nay đã trở về, đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho gia đình, bà con họ hàng, làng xóm. Ai cũng mừng cho anh. Họ đâu biết rằng, có những người tuy không phải là thành viên trong gia đình anh, cũng không bà con thân thuộc gì với anh, nhưng trong lòng lại thấy vui hơn, hạnh phúc hơn, vì đã góp phần đem lại một chút xuân cho những cuộc đời bất hạnh vì bệnh tật và gia đình họ. Đó là những cán bộ, nhân viên tổ phục hồi chức năng thuộc Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh, mà con chim đầu đàn là tổ trưởng, kỹ thuật viên, cử nhân Hồ Thị Nhung.

BẰNG TÍN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Sống trung thực, lòng mình thanh thản
Thứ Năm, 07/02/2013 08:30 SA
Khi dân chung sức
Thứ Tư, 06/02/2013 09:00 SA
Góp thêm sắc xuân cho đời
Thứ Ba, 05/02/2013 09:00 SA
Tuổi cao, gương càng sáng
Thứ Hai, 04/02/2013 09:00 SA
Việc gì có lợi cho dân thì làm
Thứ Sáu, 01/02/2013 09:46 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek