Đó là cụ Nguyễn Khiều ở thôn Cảnh Phước, xã Hòa Tân Đông (Đông Hòa). Năm nay đã chuẩn bị bước sang tuổi 92, nhưng hàng ngày cụ vẫn miệt mài với công việc đan đát, giữ nghề truyền thống.
Cụ Nguyễn Khiều với công việc hàng ngày - Ảnh: X.HIẾU |
Cụ Khiều cho biết, từ khi còn là một thiếu niên đã được cha dạy cho đan đát. Lúc đầu là chặt tre, vót nan, rồi đan những sản phẩm đơn giản, như mành nhốt vịt, giỏ nhốt gà, vỉ phơi bánh tráng… Sau đó tập đan những thứ khó hơn như rổ, rá, trẹt, nia, nong, thúng, mủng, giần, sàng, lờ… và khó nhất là đan nừng (dụng cụ có nắp đậy, trét dầu rái, thường làm thành một cặp để gánh). Sản phẩm làm ra chủ yếu là để dùng trong gia đình và làm “vật trao đổi ngang giá” (lấy sản phẩm đổi lúa, hoa màu… - PV). Theo cụ Khiều, đan thúng, nia đã khó, nhưng khó nhất là đan nừng. Để đan được công cụ dùng làm rương có thể đựng quần áo, bánh, mứt, gạo… (Hai tay bụm gạo vô nừng/Đồng Cam nước độc anh đừng ở lâu – dân gian) yêu cầu phải khéo tay và tỉ mỉ từng li từ việc chẻ tre, vót nan đến đan đát. Cụ kể, từ xa xưa trước khi về nhà chồng các cô gái thường được cha mẹ tặng cho đôi thúng, đôi rổ và giá trị nhất là đôi nừng để làm “của hồi môn”. Đây là món quà quý giá vừa mang giá trị vật chất, nhưng cũng chứa đựng trong đó tình cảm gia đình sâu sắc, gắn với lũy tre làng.
Do gia đình người dân nào ở nông thôn cũng dùng sản phẩm được đan đát từ tre, nên những người giỏi nghề, khéo tay không bao giờ thất nghiệp. Hàng vừa đan xong, chưa kịp đưa đến chợ đã có người đến lấy. Về sau, nhất là những năm gần đây, khi các sản phẩm từ nhựa xuất hiện ngày càng nhiều, nên nhu cầu sử dụng các mặt hàng đan đát từ tre giảm… Không chỉ ở thành thị mà ngay tại nhiều vùng nông thôn rất ít gia đình còn sử dụng rổ rá bằng tre; thúng mủng thì ngày càng ít đi. Đặc biệt gần như không còn thấy lờ xuất hiện vào mỗi mùa mưa để lũ trẻ xách chạy ra đồng thả cá. Riêng nừng thì đã…“tuyệt chủng”.
Yêu quê hương, yêu lũy tre làng kẽo kà kẽo kẹt mỗi trưa hè và yêu nghề truyền thống; mặc dù đã quá cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ngày ngày cụ Khiều vẫn miệt mài với nghề đan đát. Gần đây, do tuổi cao và sau một cơn bạo bệnh không thể tự mình chặt tre được, cụ nhờ con cháu, hàng xóm hoặc thuê người chặt rồi tỉ mẩn chẻ, vót từng nan tre. Khỏe lúc nào cụ làm việc lúc đó, có lúc vài ba ngày mới hoàn thành một cái rổ, cả tuần mới đan xong một cái thúng… Sản phẩm làm ra cụ nhờ con cháu mang ra chợ bán để có tiền uống trà. Thương cụ tuổi già mà vẫn không chịu nghỉ tay, con cháu mỗi lần ghé thăm đều mua sản phẩm do cụ làm, gọi là ủng hộ. Một vài người tuổi đã trung niên tìm đến theo học nghề đan của cụ, nhưng vì thiếu tính kiên trì nên giữa chừng bỏ học.
“Cụ già rồi, giữ nghề này được ngày nào thì giữ. Mong con cháu đừng bỏ lũy tre, bỏ truyền thống, bỏ quê hương. Nhờ có lũy tre mà giặc đến rồi giặc phải đi, môi trường được trong lành”- Cụ Khiều tâm sự.
XUÂN HIẾU