Được thành lập hơn 2 năm qua, Thư viện Xanh của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đồng Xuân không chỉ là nơi để học sinh tiếp cận nguồn tri thức bổ ích, mà còn góp phần tạo nên không gian thiết thực trong phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Một góc của Thư viện Xanh - Ảnh: H.MY
Đến thăm Thư viện Xanh của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đồng Xuân, nhiều người sẽ bất ngờ trước công trình sáng tạo và thú vị này.
Thư viện Xanh nằm trong khuôn viên chỉ khoảng 50m2, ở một góc của sân trường, sát cổng ra vào. Hai bên lối đi vào thư viện có trồng nhiều loại hoa đẹp. Trong Thư viện Xanh, có rất nhiều cây xanh quý và đẹp như lộc vừng, bằng lăng, sanh, mai rừng... Trung tâm của “Thư viện Xanh” là một nhà sàn nhỏ bằng gỗ của đồng bào dân tộc để độc giả có thể chiêm ngưỡng và thả hồn về với rừng núi đại ngàn. Đây cũng là nơi thể hiện bản sắc văn hóa của một ngôi trường dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Sát cổng vào là một hồ nước rộng, vừa là một điểm nhấn của cảnh quan đồng thời là nơi tạo ra độ ẩm để xua đi cái nắng gay gắt mùa hè. Trong thư viện, sách không đặt trên kệ, cũng không có thủ thư. Mà sách được treo trên những nhánh cây, trong những chai nhựa lớn, xung quanh là hàng chục ghế đá. Đến đây, học sinh tự tháo chốt lấy sách và để sách vào chỗ cũ sau khi đọc xong. Trung bình mỗi ngày có gần 40 học sinh đến đọc sách ở thư viện.
Theo thầy Phạm Ngọc Hòa, Hiệu trưởng nhà trường, do lịch học hai buổi của học sinh trùng khớp với thời gian làm việc của cán bộ thư viện nhà trường nên các em không có điều kiện đến thư viện đọc sách và tìm tài liệu. Vì thế, từ năm học 2010-2011, nhà trường đã thiết kế ra một không gian mở, tích hợp với nhà sàn truyền thống, bể nước, ghế đá, cây xanh cùng hơn 150 đầu sách các loại, để các em có thể tự do đến đọc sách, mở rộng kiến thức.
Để đáp ứng nhu cầu đọc sách của học sinh, mỗi tháng nhà trường thay sách một lần, mỗi lần thay 30 đầu sách và thường xuyên tăng cường nguồn sách. Ngoài lượng sách được hỗ trợ, nhà trường còn vận động các thầy cô giáo và các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm sách cho học sinh. Với đặc thù là trường dành riêng cho học sinh dân tộc thiểu số, vốn tiếng Việt, kỹ năng sống của các em còn hạn chế. Vì thế nhà trường thường xuyên bổ sung các đầu sách mang tính giáo dục cao, những truyện tranh có hình thức trình bày dễ hiểu để các em trau dồi tiếng Việt. Đồng thời, thư viện hoạt động mà không có cán bộ quản lý còn giúp các em nâng cao tính tự giác trong việc đọc và bảo quản sách. Em La Lan Công Tuyền, học sinh của trường cho biết: “Đọc sách tại thư viện, giúp em trang bị thêm các kiến thức về xã hội, tự nhiên, lịch sử… Thư viện Xanh rất bổ ích cho chúng em. Trách nhiệm của chúng em là học giỏi, giữ gìn nguồn tài liệu và thường xuyên làm vệ sinh, tưới cây, giữ sạch cho Thư viện Xanh”.
Ngoài trang bị kiến thức, Thư viện Xanh của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đồng Xuân còn là nơi giúp các em rèn luyện kỹ năng sống, học cách gắn kết với mọi người. Em La Mo Thị Thu, học sinh lớp 6 của trường, những ngày đầu xa nhà, nhập học, sống nội trú nên khá rụt rè và bỡ ngỡ trong học tập và sinh hoạt tập thể. Nhưng khi đến với không gian mở của Thư viện Xanh, em đã tự tin hơn. Từ thư viện này, Thu bắt đầu hòa đồng với các bạn, cùng nhau học tập và vui chơi. Từ đó, Thư viện Xanh là điểm đến yêu thích của em sau mỗi chiều tan học.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Ngô Ngọc Thư nhận xét: “Bấy nhiêu cuốn sách đang cuộn trong những chiếc chai phế liệu kia là bấy nhiêu công phu, tâm huyết của thầy cô Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đồng Xuân chắp cách ước mơ, khát vọng cho con em người đồng bào. Cầm chiếc chai nhỏ, rút cái chốt sắt và cuốn sách mà mình thích đã nằm gọn trong tay, tôi chợt nghĩ đến nhiều thư viện lớn trong nước mà tôi đã có dịp đến. Tôi khâm phục những người đã làm nên “Thư viện Xanh” nhỏ bé, xinh xắn này. Ý nghĩa thiết thực mà nó mang lại là hết sức to lớn đối với học sinh nhà trường”.
HÀ MY - HUYỀN TRANG