Thứ Năm, 03/10/2024 20:27 CH
Những điển hình xuất sắc tiêu biểu trong học tập và làm theo gương Bác
Thứ Năm, 26/11/2009 07:31 SA

Trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng ta phát động thời gian qua, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu. Bằng sự tôn kính và tấm lòng biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ, mỗi người, tuy ở những cương vị, điều kiện công tác và cuộc sống không giống nhau, nhưng tất cả có một điểm chung là đều hướng đến cộng đồng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực theo tấm gương đạo đức của Người. Dưới đây là một số điển hình xuất sắc qua ba năm thực hiện Cuộc vận động ở tỉnh ta...

 

Hat-mua091126.jpg

Hát múa ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại tại Lễ phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”  - Ảnh: HIẾU NGỌC

 

Thượng úy Nguyễn Minh Thám, điều tra viên Công an huyện Tuy An: NGƯỜI CHIẾN SĨ CÔNG AN VỪA “HỒNG”,  VỪA “CHUYÊN”

 

tham091126.jpgHưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, Nguyễn Minh Thám, điều tra viên Công an huyện Tuy An luôn phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, không ngại khó khăn, gian khổ, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong công việc, dù phải luôn đối mặt với những hiện tượng tiêu cực, những mặt trái của xã hội, nhưng thấm nhuần sâu sắc 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, học tập và làm theo gương Bác, anh luôn xác định cho mình lập trường chính trị tư tưởng vững vàng, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức trong sạch, giản dị, trung thực, nêu cao tinh thần trách nhiệm. Mỗi khi nhận nhiệm vụ, bất kể giờ giấc, nắng, mưa, sớm tối… anh đều có mặt ngay hiện trường, kịp thời nắm tình hình, thu thập thông tin, dấu vết, phục vụ tốt cho công tác.  Các vụ án do anh thụ lý điều tra đều bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm, đồng thời không làm oan sai người vô tội. Nhiều lần muốn chạy tội, các đối tượng đã đưa hối lộ với số tiền lớn nhưng anh kiên quyết từ chối, nêu cao tấm gương liêm khiết của người chiến sĩ Công an nhân dân, mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Một số thành tích nổi bật trong thời gian qua của anh là trực tiếp truy bắt 9 đối tượng có quyết định truy nã; tham gia vận động 12 đối tượng có quyết định truy nã ra đầu thú; tham gia bắt một đối tượng do Công an tỉnh bạn ra quyết định truy nã… Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn công an xã giải quyết đúng đắn các vụ vi phạm pháp luật xảy ra ở cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự địa phương. Thượng úy Nguyễn Minh Thám luôn tâm niệm: Học tập và làm theo gương Bác là học tập và làm theo suốt đời. Tôi luôn phấn đấu trở thành người chiến sĩ Công an nhân dân vừa “hồng”, vừa “chuyên” . 

 

KPă H’Bin, Phó trưởng buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh: NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM

 

bin2.jpgCuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Trung ương Đảng phát động đã giúp tôi nhận thức rõ và sâu sắc hơn về những lời dạy của Bác. Mặc dù chưa một lần được gặp Bác nhưng Người đã đọng lại trong tôi một tình cảm đặc biệt, một sự kính trọng vô hạn, khó diễn tả bằng lời. Và tôi nghĩ mình phải làm một điều gì đó” -  KPă H’Bin cho biết.

 

Nói đi đôi với làm, là Khẩu đội trưởng khẩu đội dân quân phòng không của buôn Lê Diêm (trong đó có ba là nữ), KPă H’Bin luôn là đầu tàu, gương mẫu trong công tác. Chị duy trì thường xuyên chế độ sinh hoạt của khẩu đội, động viên cán bộ, chiến sĩ tham gia đầy đủ các đợt huấn luyện do cấp trên tổ chức. Từ 2006-2008, khẩu đội phòng không luôn giành giải cao trong các đợt hội thao do huyện và tỉnh tổ chức.

 

Để thành viên trong khẩu đội quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, bên cạnh tham gia đầy đủ các buổi học tập các chuyên đề về Bác do Đảng ủy thị trấn Hai Riêng triển khai, chị còn sưu tầm 150 tư liệu về Bác Hồ để phổ biến trong khẩu đội, giúp mọi người nắm bắt, hiểu rõ, sâu sắc hơn về tấm gương đạo đức của Người. Tháng 6/2007, KPă H’Bin vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Tháng 4/2008, chị được nhân dân tín nhiệm bầu làm phó buôn Lê Diêm. Với đàn ông,  “vác tù và” đã khó, với chị, nhiệm vụ càng khó khăn gấp nhiều lần. Tuy nhiên, với suy nghĩ “mình phải làm một điều gì đó theo gương Bác”, chị đã hoàn thành trọng trách nặng nề này.

 

Trăn trở trước việc buôn làng không có đường để vận chuyển nông sản, chị đã đề xuất và trực tiếp cùng ban nhân dân vận động bà con hiến đất (bản thân chị cũng hiến 200m2) , huy động 160 lượt ngày công, đào đắp hơn 200m3 đất đá; đồng thời, quyên góp hơn 5 triệu đồng để đầu tư làm đường nội đồng dài gần 4 km. Con đường hình thành đã tạo thuận lợi cho vận chuyển nông sản,  không bị tư thương ép giá như trước nên bà con trong buôn rất  phấn khởi và đồng tình ủng hộ. Ngoài ra, KPă H’Bin còn đi đầu trong việc xây nhà vệ sinh, nhà tắm và động viên bà con làm theo; cùng ban nhân dân vận động đoàn viên, thanh niên, học sinh thường xuyên quét dọn vệ sinh đường làng, chuồng trại gia súc, gia cầm… để làm cho buôn làng ngày càng sạch đẹp, văn minh. Từ chỗ số ít, đến nay 100%  hộ trong buôn sử dụng nước sạch, điện sinh hoạt và 65% hộ có nhà tắm, 40% hộ có nhà vệ sinh… Buôn Lê Diêm do chị làm buôn phó được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chọn là mô hình điểm “Tự quản về vệ sinh môi trường” của tỉnh. 

 

Nguyễn Chí Huấn, Bí thư chi bộ thôn Lạc Đạo, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa: TRUNG TÂM ĐOÀN KẾT CỦA DÂN LÀNG

 

O-Huan091126.jpgĐứng đầu chi bộ một thôn còn nhiều khó khăn như Lạc Đạo (xã Sơn Thành Tây), nhưng học tập và làm theo gương Bác, đồng chí Nguyễn Chí Huấn đã làm tốt vai trò bí thư của mình bằng những việc làm cụ thể. Từ một chi bộ với bốn đảng viên, nhưng có đến ba đảng viên ở xã về sinh hoạt, chỉ sau một năm, chi bộ thôn Lạc Đạo đã phát triển được ba đảng viên mới, đủ điều kiện để thành lập chi bộ sinh hoạt độc lập. Cả thôn có 152 hộ với 640 dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 50%. Để tạo thành một khối đoàn kết, thống nhất như Bác Hồ đã dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, bí thư Nguyễn Chí Huấn luôn đi sâu tìm hiểu tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân, lắng nghe dân nói và giải thích cho dân hiểu về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước… Đồng thời, luôn thực hiện công bằng xã hội, mọi người bình đẳng như nhau. Bên cạnh tôn trọng phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc, đồng chí cũng đồng thời hướng người dân thực hiện theo nếp sống mới. Nhờ vậy, việc ma chay, cưới xin tổ chức dài ngày lãng phí thời gian, tiền của… đã giảm hẳn. Đặc biệt, trong thôn không còn trường hợp người chết để quá 24 giờ chưa mai táng. Ba năm qua, tình hình an ninh trật tự ở địa bàn giáp ranh với xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh này luôn ổn định, không có người vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội. Đồng chí Huấn nói: “Mình là đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, nói phải đi đôi với làm. Có như vậy thì quần chúng nhân dân mới nghe và làm theo mình”. 

 

Ka Sô Liễng, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa): LÀM GIÀU NHỜ CÓ Ý CHÍ VÀ LÒNG TIN

 

kso091126.jpgVới  ý chí, bản lĩnh của một cựu chiến binh, vốn vay vỏn vẹn chỉ 10 triệu đồng,  cựu chiến binh người dân tộc Chăm H’Roi Ka Sô Liễng đã biến 18.400m2 đất hoang “thả cuốc xuống là trúng đá” thành đất sản xuất với vô số các loại cây ăn quả; đồng thời đào ao thả cá, làm chuồng nuôi gà… Hỏi trong vườn hiện có bao nhiêu cây, con…, ông trả lời ngay: có 31 cây xoài, 32 cây mít, 12 cây chanh, một cây quất, sáu cây bưởi năm roi, hai cây bơ, 20 cây mận, 30 bụi tre lấy măng, 1.200 cây xà cừ, 1.400 cây keo lai, 2.500 cây bạch đàn, 50 cây dó bầu, 30 cây huỳnh đàn, 600 cây điều, hàng trăm cây mãng cầu, vài trăm bụi thơm… Chuồng gà luôn có từ 50-200 con. Ngoài trồng cây lâu năm, cây ăn trái, ông còn trồng cây cảnh để từng bước cải tạo hình thành vườn du lịch mi-ni, không bỏ phí một tấc đất nào. Hiện ông đã trả hết nợ và hàng năm thu lãi từ 30-40 triệu đồng. Có được thành quả trên, ông đã “làm hư không biết bao nhiêu rựa, bao nhiêu cuốc, mồ hôi đổ ra như nước suối. Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ tìm phương pháp làm sao ngày hôm sau năng suất hơn ngày hôm trước”. Ông cho biết, từ khi được học tập, quán triệt các chuyên đề về Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ông thấy càng thấm thía những lời dạy của Bác Hồ, nhất là câu “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”. Với trách nhiệm một hội viên cựu chiến binh, khi ban chấp hành Hội giao việc gì ông đều phấn đấu hoàn thành và làm hết khả năng của mình; đồng thời tham gia xây dựng quỹ hội để giúp đỡ anh chị em hội viên gặp khó khăn, hoạn nạn. Bài học ông rút ra cho bản thân qua học tập và làm theo gương Bác, là có ý chí quyết tâm, dám nghĩ dám làm và phải có lòng tin ngay vào bản thân mình. Đồng thời, phải có kế hoạch tổng thể, vạch ra các đỉnh điểm đạt tới mà phấn đấu, bằng sức lao động của chính mình. Ông bộc bạch: Tôi luôn tâm niệm và hứa sẽ phấn đấu hết sức mình để thực hiện tốt hơn lời Bác Hồ dạy: “Càng già, càng dẻo, càng dai/Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai/Đôn đốc con em làm nhiệm vụ/Vuốt râu mừng xã hội tương lai”.

 

Ngoài một cựu chiến binh sản xuất giỏi, ông Ka Sô Liễng còn là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian - nhất là văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số - được nhiều người trên cả nước biết đến. 

 

Trung tá Trần Chí Đức, Trưởng ban Chính sách, Bộ CHQS tỉnh Phú Yên: CẦU NỐI GIỮA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC, QUÂN ĐỘI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG

 

C-Duc091126.jpgLà cán bộ chính sách cấp tỉnh, trong quá trình công tác, trung tá Trần Chí Đức luôn thể hiện mình là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước, quân đội với người có công, thông qua việc triển khai tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách cụ thể. Anh tiếp nhận nhiệm vụ Trưởng ban Chính sách tháng 7/2008, sau một năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thấm nhuần lời dạy của Người đối với Quân đội nhân dân và với tinh thần “không biết thì hỏi, không giỏi thì học”, anh đã nhanh chóng làm quen và thuần thục với công việc, nhiệm vụ mới. Thể hiện rõ nhất là kết quả tiến độ giải quyết hồ sơ theo Quyết định 290, Quyết định 188 của Thủ tướng tăng dần theo thời gian. Cụ thể, năm 2007, thẩm định báo cáo quân khu 454 hồ sơ, chi trả 86 trường hợp với số tiền 236,8 triệu đồng. Năm 2008, thẩm định báo cáo quân khu 612 hồ sơ, chi trả 376 trường hợp với số tiền gần 1,1 tỉ đồng. Năm 2009, thẩm định báo cáo quân khu 2.371 hồ sơ và tổ chức chi trả cho 1.414 trường hợp với số tiền gần 4,2 tỉ đồng. Hiện nay có 1.543 hồ sơ đã được thẩm định xong với số tiền sẽ chi trả là trên 3 tỉ đồng. Trung tá Trần Chí Đức luôn tâm niệm và thường trao đổi, nhắc nhở, động viên cán bộ trong ban: Những người đến với mình chính là đồng chí, đồng đội hoặc là người thân của đồng chí, đồng đội của mình đã chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Khi họ đến với mình tức là đã tin vào mình và đặt niềm tin vào chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước. Vì vậy phải luôn sẵn sàng giúp đỡ họ với những điều kiện sẵn có, không quản ngại khó khăn, nề hà về giờ giấc, ngày nghỉ… Phải để cho bà con, đồng đội đến với mình như người thân trong một gia đình, chân tình và gần gũi.

 

Nhà báo Nguyễn Thị Thu Lan (Đài Truyền thanh TP Tuy Hòa): NGƯỜI CÓ DUYÊN VỚI CÁC CUỘC THI KỂ CHUYỆN TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

 

thu-lan091126.jpgMỗi lần tham gia cuộc thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhà báo Nguyễn Thị Thu Lan đều đạt giải cao. Với nhiệm vụ được phân công, chị luôn hoàn thành tốt, luôn thể hiện tính tiên phong, gương mẫu của một người đảng viên. Bản thân là phóng viên, phát thanh viên của Đài Truyền thanh TP Tuy Hòa, chị thường xuyên bám sát cơ sở, địa bàn để truyền tải  thông tin bằng một giọng đọc ấm áp, truyền cảm. Một vinh dự thật lớn đến với chị là khi được chi bộ cơ quan chọn tham gia hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, do TP Tuy Hòa tổ chức và đạt giải nhất tại hội thi này. Tham gia cấp tỉnh, chị đạt giải nhì và tham gia hội thi khu vực miền Trung – Tây Nguyên đạt giải nhất… Chị kể: Qua các cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác, tôi càng có cơ hội được giao lưu, được nghe, được hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Người. Tôi còn được nghe, được hiểu thêm về nhiều tấm gương điển hình trong thực tiễn, học tập và làm theo Bác. Từ đó, bản thân càng thấm nhuần sâu sắc hơn những giá trị vô giá của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh để học tập và làm theo.

 

Chị Lan cho biết: Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” có sức lan tỏa và tác động sâu sắc đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên, thể hiện rõ nhất qua thái độ ứng xử, đạo đức tác phong, sự năng nổ trong công tác xây dựng nề nếp trong mỗi cơ quan, đơn vị, tạo sự đoàn kết, thống nhất, đấu tranh giúp từng cán bộ, đảng viên hoàn thiện mình. Chị  tâm niệm: Học tập Bác không chỉ những việc lớn  mà từ những việc nhỏ, đơn giản, bình thường trong cuộc sống hằng ngày, trong công tác ở cơ quan. Có như vậy, bản thân mới ngày càng tiến bộ.

 

Thiếu tá Nguyễn Văn Nhung (Đồn Biên phòng 344, Bộ đội Biên phòng Phú Yên): NGƯỜI THẦY THUỐC QUÂN Y HẾT LÒNG VÌ NHÂN DÂN

 

nhung091126.jpgPhát huy truyền thống của ngành Quân y, với trách nhiệm của người thầy thuốc, thiếu tá Nguyễn Văn Nhung không ngại khó khăn vất vả. Trong công tác, anh chủ động quan hệ chặt chẽ với ngành nghiệp vụ cấp trên, với các cơ sở y tế nơi đóng quân, triển khai nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe cán bộ chiến sĩ và nhân dân. Trong những năm qua, anh cùng đồng nghiệp đã khám và điều trị cho trên 300 lượt cán bộ, chiến sĩ, đồng thời  cùng đơn vị giám sát và ngăn chặn được dịch sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, quai bị… góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân. Không chỉ sử dụng tây y, anh còn thường xuyên vận dụng kết hợp y học cổ truyền dân tộc nhằm tăng thêm nguồn phục vụ hiệu quả công tác phòng và điều trị bệnh. Chính vì thế, đơn vị đã triển khai trồng vườn thuốc nam với đủ 7 nhóm cây chữa các bệnh thông thường. Thiếu tá Nhung bộc bạch: Nhờ có chương trình quân dân y kết hợp mà tôi có cơ hội tham gia nhiều hoạt động tại địa phương như tiêm ngừa thương hàn cho các cháu, tham gia giám sát diệt bọ gậy, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo, neo đơn, tẩy giun cho học sinh tiểu học, hưởng ứng ngày vi chất dinh dưỡng, tuyên truyền các biện pháp tránh thai hiện đại… Chương trình này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân mà còn kết hợp xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, tạo mối quan hệ giữa đơn vị và địa phương, quần chúng nhân dân ngày càng gắn bó mật thiết. Trong quá trình đến khám chữa bệnh người dân đã cung cấp cho đơn vị nhiều thông tin có giá trị phục vụ cho công tác chỉ đạo nghiệp vụ biên phòng, trật tự an toàn xã hội tại địa phương được giữ vững.

 

Qua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác Hồ đối với lực lượng bộ đội biên phòng, bằng sự cố gắng của bản thân và sự giúp đỡ của tập thể đơn vị, thiếu tá Nhung đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng ba và nhiều bằng khen khác, xứng đáng là người thầy thuốc quân y được dân tin yêu, quý mến.

 

Cô giáo Lê Thị Kim Lan, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch CĐCS Trường THPT Lê Lợi (huyện Đồng Xuân): HẾT LÒNG THƯƠNG YÊU HỌC SINH, GẦN GŨI THÂN THIẾT VỚI ĐỒNG NGHIỆP

 

co-lan091126.jpgCô giáo Lê Thị Kim Lan luôn giữ gìn tư cách đạo đức, tính tiên phong gương mẫu của người đảng viên; đồng thời,  là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Cô rất mực yêu thương, quan tâm và hết lòng giúp đỡ học sinh, nhất là các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; sống tương thân, tương ái với đồng nghiệp. Là Phó Hiệu trưởng, cô Lan đã cùng với Ban giám hiệu, tập thể hội đồng sư phạm nhà trường xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong đơn vị. “Trên cương vị là Chủ tịch công đoàn, cô Lan luôn  gần gũi, đi sâu tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của cán bộ giáo viên; thường xuyên quan tâm đến đời sống tinh thần và vật chất của công đoàn viên, cùng Ban chấp hành công đoàn xây dựng khối đoàn kết gắn bó, kịp thời đề xuất với lãnh đạo nhà trường  giúp đỡ đồng nghiệp và gia đình công đoàn viên khi gặp khó khăn hoạn nạn” - thầy Hoàng Xuân Lượng, Phó Bí thư Đảng ủy Trường THPT Lê Lợi,  nhận xét về đồng nghiệp của mình như vậy.

 

Cũng theo thầy Hoàng Xuân Lượng,  thành tích nổi bật của cô giáo Lê Thị Kim Lan trong ba năm qua là tham gia tổ chức nhiều hoạt động thiết thực  trong vận động cán bộ, giáo viên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là, đưa phong trào thi đua yêu nước đi vào chiều sâu, tránh bệnh thành tích; lồng ghép các hoạt động dạy học, hoạt động phong trào của nhà trường với Cuộc vận động; thực hiện tiêu chí người cán bộ công chức cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, thực hành tiết kiệm…Trong hoạt động công đoàn, ngoài tổ chức nhiều hoạt động thiết thực đem lại không khí vui tươi, đầm ấm  trong tập thể giáo viên, cán bộ công chức, cô giáo Lan còn tham gia tích cực các phong trào thi đua của Công đoàn ngành Giáo dục Phú Yên và Liên đoàn Lao động huyện Đồng Xuân đạt thành tích cao; tổ chức thành công hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với sự tham gia của tám tổ công đoàn; xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh nhiều năm liền được cấp trên công nhận đạt danh hiệu Công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc, năm 2008-2009 được LĐLĐ tỉnh tặng bằng khen. Trong hoạt động chuyên môn, cô giáo Lan luôn nỗ lực phấn đấu giảng dạy hiệu quả và là giáo viên dạy giỏi; khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp. Cô còn  thường xuyên nhắc nhở học sinh về ý thức  rèn luyện, học tập và làm theo gương Bác thông qua từng bài dạy, tiết học trên lớp cũng như những mẩu chuyện về Người để giáo dục các em trong cuộc sống hàng ngày.

 

Đảng ủy xã Xuân Bình (TX Sông Cầu): PHÁT HUY TỐT VAI TRÒ GƯƠNG MẪU CỦA CÁN BỘ,  ĐẢNG VIÊN

 

Xác định Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một chủ trương, một quyết tâm chính trị lớn, có ý nghĩa chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, có ý nghĩa sâu sắc và thiết thực đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ủy xã Xuân Bình đã tập trung triển khai Cuộc vận động một cách mạnh mẽ và đồng bộ theo chỉ đạo, hướng dẫn của tổ chức Đảng cấp trên.

 

Qua ba năm triển khai, Cuộc vận động đã được cán bộ đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo nên sự chuyển biến tích cực, cơ bản về nhận thức và hành động. Có 105 đảng viên, 72 cán bộ công nhân viên chức ngoài Đảng viết đăng ký “Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng những việc làm cụ thể, như tiết kiệm chi tiêu ngân sách, hạn chế sử dụng điện thắp sáng, văn phòng phẩm, điện thoại, tận tình phục vụ nhân dân… Với ý thức tự giác rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong ba năm qua, ở Xuân Bình không có cán bộ, đảng viên nào vi phạm kỷ luật. Cán bộ đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ công chức xã, đã thay đổi phong cách, lề lối làm việc, luôn tận tụy với nhiệm vụ được giao, phục vụ nhiệt tình, giải quyết nhanh và kịp thời những yêu cầu chính đáng của nhân dân. Qua Cuộc vận động, toàn xã  đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.

 

Bí thư Đảng ủy xã Xuân Bình Nguyễn Văn Khương cho biết, trong thời gian đến, Đảng ủy tập trung lãnh đạo đẩy mạnh hơn nữa thực hiện Cuộc vận động. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt để làm gương cho cán bộ cấp dưới và quần chúng nhân dân.

 

Nguyễn Ngọc Trường, Bí thư chi bộ khu phố Đông Hòa (thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa): NGƯỜI CÁN BỘ LUÔN GẦN DÂN, SÁT CƠ SỞ

 

N-truong091126.jpgỞ khu phố Đông Hòa, không ai là không biết ông Nguyễn Ngọc Trường, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận khu phố.

 

Năm 2006, nghỉ hưu theo chế độ, ông Trường tiếp tục tham gia công tác ở địa phương với mong muốn được tiếp tục đóng góp một phần công sức, trí lực của mình trong sự nghiệp chung của Đảng. Nhưng thật không dễ dàng khi đảm nhiệm chức vụ Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận khu phố với một cán bộ về hưu, bởi Đông Hòa là khu phố thuần nông, đời sống của bà con nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, mặt bằng kinh tế không đồng đều. Các phong trào thi đua yêu nước lâu nay bị lãng quên, vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể còn mờ nhạt...

 

Học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, người cán bộ về hưu Nguyễn Ngọc Trường như được tiếp thêm sức mạnh. Chính ông là người đề xuất những cách làm mới trong điều hành công tác chung với tinh thần mỗi cán bộ phải là đầu tàu, gương mẫu cho người dân noi theo. Nhờ vậy, tình hình phát triển kinh tế xã hội, an ninh chính trị ở khu phố Đông Hòa đã chuyển biến rõ nét. Từ một địa phương yếu kém về mọi mặt, Đông Hòa trở thành một khu phố tiên tiến, văn hóa, một điển hình mới ở huyện Sơn Hòa. Tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể được kiện toàn củng cố, thể hiện tốt vai trò lãnh đạo. Nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong giai đoạn cách mạng hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Trường đã  tự rèn luyện, học tập và làm theo gương Bác. Đồng thời, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng tham gia làm theo. Những kết quả đạt được đáng phấn khởi là 100% cán bộ đảng viên, trên 90% nhân dân ở Đông Hòa được quán triệt đầy đủ các chuyên đề về tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chuyển từ “học tập” sang “làm theo” là chính. Ba năm liền, khu phố Đông Hòa giữ vững danh hiệu khu phố tiên tiến, có từ 85 – 90% số hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa, 90% hộ có mức sống ổn định và khá giả... Bí thư chi bộ Nguyễn Ngọc Trường tâm sự: “Học Bác là học suốt đời, học để hoàn thiện, để cống hiến được nhiều hơn cho nhân dân. Những kết quả bước đầu ở địa phương trong cuộc vận động là động lực, cơ sở để mọi cán bộ, người dân cùng học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người”.

 

Thầy giáo Phạm Huy Văn, Phó hiệu trưởng, Bí thư Đoàn trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Hòa): LUÔN TRĂN TRỞ VỚI NHỮNG MÔ HÌNH MỚI

 

PH-Van091125.jpgLà một phó hiệu trưởng, lại phụ trách kiêm nhiệm công tác Đoàn, thầy giáo Phạm Huy Văn, Phó hiệu trưởng, Bí thư đoàn trường THPT Trần Quốc Tuấn luôn ý thức được trách nhiệm nặng nề của mình với học sinh toàn trường. Vì vậy, anh luôn tâm niệm, mình phải thực sự gương mẫu mới có thể thuyết phục được hội đồng giáo viên và có được tình cảm, sự kính trọng của học sinh. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng phát động, đã mở ra con đường tất yếu giúp anh tự rèn luyện mình.

 

Trong công tác chuyên môn, thầy giáo Anh văn Phạm Huy Văn là người tiên phong trong việc đổi mới giảng dạy như: Phát huy tính tích cực chủ động của học sinh trong giờ học, thiết kế giáo án điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin... Những sáng kiến của thầy giáo Văn được Hội đồng Sư phạm nhà trường đánh giá cao, trong đó đề tài “Vai trò của tổ chức Đoàn trong việc thực hiện phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đạt loại A cấp tỉnh. 3 năm liền, thầy giáo Phạm Huy Văn là giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua cơ sở.

 

Ở nhiệm vụ Bí thư Đoàn trường, Phạm Huy Văn là một thủ lĩnh tâm huyết. Bí thư Phạm Huy Văn đã nhẹ nhàng đưa các nội dung tuyên truyền về chủ trương, chính sách, nghị quyết, nội quy, quy định của nhà trường, các cuộc vận động... đến với học sinh qua những diễn đàn, CLB, sân khấu hóa. Nhờ vậy, các em tiếp thu một cách tự nguyện và hiệu quả. Tất cả những nhiệm vụ phong trào của Đoàn được gắn với nhiệm vụ quan trọng nhất của học sinh và nhà trường là phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” và Cuộc vận động “Hai không, bốn nội dung”. Nhiều mô hình được triển khai trong toàn trường tạo sự hứng thú và hiệu quả trong học sinh như: sân khấu – diễn đàn, các CLB học thuật, dã ngoại về nguồn, giao lưu đối thoại với thầy cô, sinh viên trong định hướng nghề nghiệp, vườn ươm tài năng... đã thu hút đông đảo các đối tượng học sinh tham gia tích cực. Nhiều năm liền, Đoàn trường THPT Trần Quốc Tuấn đạt danh hiệu vững mạnh – xuất sắc, năm học 2008 – 2009 được đề nghị Trung ương Đoàn tặng bằng khen.

 

Đỗ Văn Điểu, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An): LẤY HIỆU QUẢ CÔNG VIỆC LÀM THƯỚC ĐO

 

O-Dieu091126.jpgVới nông dân, việc tập hợp đã khó nên việc vận động để tham gia các phong trào, các buổi tuyên truyền về  chính sách, pháp luật càng khó hơn. Hiểu được thực tế ấy, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Chí Thạnh Đỗ Văn Điểu có cách làm riêng của mình để thuyết phục bà con. Theo anh, trước hết mọi việc đều phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, phong trào gì thì cũng phải gắn với lợi ích thiết thực nhất và người cán bộ hội phải là người bạn, đồng hành làm gương cho mọi người nhìn vào.

 

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã trở thành kim chỉ nam hành động, giúp anh Điểu và tổ chức Hội tích cực bám cơ sở, hiểu được tâm tư nguyện vọng của nông dân, cũng như những thế mạnh về phát triển kinh tế địa phương, từ đó, xây dựng những mô hình hiệu quả. Anh và BCH Hội phối hợp với cơ quan chuyên môn, những nông dân có kinh nghiệm tổ chức nhiều lớp tập huấn như: Sản xuất giống, cánh đồng 50 triệu, 3 giảm 3 tăng, trồng rau sạch, chăn nuôi thú y tại nhà... thu hút hàng trăm lượt nông dân đăng ký theo học. Hội còn là cầu nối để nông dân đến với ngân hàng với hình thức vay tín chấp để phát triển kinh tế hộ gia đình. Chính sự hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật, tạo điều kiện về đồng vốn, Hội Nông dân thị trấn Chí Thạnh đã giúp hàng trăm gia đình có thu nhập ổn định, trong hai năm gần đây có 225 lượt hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (trong đó cấp tỉnh 25 hộ, cấp huyện 35 hộ, cơ sơ 165 hộ), giúp 21 gia đình thoát nghèo.

 

Khi kinh tế người dân ổn định, khá giả, Hội Nông dân mà đứng đầu là Chủ tịch Đỗ Văn Điểu tiếp tục  đẩy mạnh công tác tuyên truyền hội viên, người dân tham gia các phong trào xã hội và được hưởng ứng mạnh mẽ. Qua các buổi sinh hoạt định kỳ, hội tổ chức quán triệt các Nghị quyết của Đảng, các chuyên đề về học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhiều hội viên hăng say học tập, đăng ký dự thi công tác dân vận khéo và thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đều đoạt giải cao. Phối hợp với các ban ngành tuyên truyền pháp luật đến hội viên nông dân, vận động người dân tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương, đóng góp để làm các công trình phúc lợi công cộng... được đông đảo người dân hoan nghênh, hưởng ứng. Nói về công việc của mình, anh Đỗ Văn Điểu khiêm tốn: “Kết quả mình làm được là kết quả từ việc ứng dụng việc học tập và rèn luyện theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có phần rất lớn của tất cả hội viên nông dân”.

 

Làm tốt công tác hội, tạo được uy tín, tin tưởng nơi người dân, anh Đỗ Văn Điểu được nhận bằng khen của Trung ương hội Nông dân Việt Nam (các năm 1999, 2003, 2006, 2007, 2008), kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giai cấp nông dân”, kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp công tác Dân vận”…

 

Hội nông dân xã Hòa Quang Nam (Phú Hòa): NHẬN THỨC ĐÚNG ĐẮN VÀ THỰC HIỆN TỐT CUỘC VẬN ĐỘNG

 

Hội Nông dân xã Hòa Quang Nam là một trong chín tập thể (và 17 cá nhân) tiêu biểu xuất sắc, có nhiều thành tích trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được Hội Nông dân tỉnh Phú Yên biểu dương và là một trong những tập thể xuất sắc tiêu biểu của tỉnh.

 

Để cán bộ hội viên chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức theo tinh thần Cuộc vận động, Ban Thường vụ Hội Nông dân xã đã xây dựng từng kế hoạch cụ thể, đề ra những nhiệm vụ trọng tâm về công tác Hội và phong trào nông dân với các nội dung thiết thực; kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đi đôi với đấu tranh, phê phán những tập thể, cá nhân có biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để nông dân nắm bắt và thực hiện tốt. Những nội dung “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” Hội Nông dân xã Hòa Quang Nam đã tập trung triển khai đến hội viên là về thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; về chống tham ô, lãng phí, quan liêu và sửa chữa lề lối làm việc; về nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

 

Nhờ phối hợp triển khai tốt Cuộc vận động nên các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương được cán bộ và hội viên nông dân nhận thức đúng đắn và thực hiện tốt. Qua thực hiện Cuộc vận động đã xuất hiện nhiều gương nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu, đi đầu trong phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”, góp phần ổn định tình hình chính trị trên địa bàn, đưa kinh tế tiếp tục phát triển, đời sống của bà con nông dân ngày một đi lên, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới.

 

Diệp Tú  Lan, Chi hội phó Hội Phụ nữ thôn Tuyết Diêm (xã Xuân Bình, TX Sông Cầu): VẬN ĐỘNG NHIỀU NGƯỜI CÙNG THỰC HÀNH TIẾT KIỆM

 

diep-tu-lan091126.jpgXác định, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ không phải là vấn đề khó, từ cán bộ và nhân dân ai cũng có thể làm theo, từ đó, chị Diệp Tú Lan đã xây dựng kế hoạch làm theo cho mình.

 

Để chị em hiểu biết, nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và những giá trị to lớn của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, là cán bộ phụ nữ thôn, chị đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu và trực tiếp tuyên truyền về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đến chị em phụ nữ qua những mẩu chuyện về Bác. Trong đó, mẫu chuyện “Việc chi tiêu của Bác Hồ” là chị tâm đắc nhất. Chính mẩu chuyện này đã giúp chị giành giải nhì Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trở thành báo cáo viên tích cực trong đợt tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động của TX Sông Cầu. Ngoài ra, chị còn tuyên truyền trong chị em phụ nữ những chuyên đề về công tác Hội… góp phần đẩy mạnh  phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, vận động giúp nhau làm kinh tế gia đình, giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch sốt xuất huyết, phòng chống tệ nạn xã hội… Đặc biệt, học tập Bác về thực hành tiết kiệm và hưởng ứng phong trào thực hành tiết kiệm do Hội Liên hiệp Phụ nữ TX Sông Cầu phát động, qua mô hình “Quả dừa tiết kiệm”, “Nắm gạo tình thương”, chị Diệp Tú Lan đã trực tiếp vận động mỗi hội viên trong chi hội thực hiện một “Quả dừa tiết kiệm” cá nhân và một “Quả dừa tiết kiệm” tập thể với số tiền hơn năm triệu đồng, xây dựng mô hình “Nắm gạo tình thương” được 32 ký. Số tiền và số gạo này đã hỗ trợ 11 chị vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

 

Với những thành tích đã đạt được trong công tác Hội, nhiều năm liền, chị Diệp Tú Lan được bình chọn là cán bộ Hội phụ nữ xuất sắc ở cơ sở, được Thị ủy, UBND và Hội Liên hiệp Phụ nữ TX Sông Cầu khen thưởng, biểu dương.

 

Nhóm PV – CTV (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek