77 tuổi, đã gắn bó với buôn làng, với đồng bào của mình, nhưng với già Ma Vi, muốn bằng người, làm người có ích cho xã hội thì phải luôn học hỏi, phấn đấu, đặc biệt là học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. “Còn sống ngày nào là già còn học tập và làm theo gương Bác”, ông nói.
- Ảnh: NG.CHUNG
Là một trong những người lớn tuổi nhất trong buôn, đã từng nếm trải đạn bom chiến tranh nên già Ma Vi luôn nhận thức: đồng bào mình có được cuộc sống tốt đẹp và không ngừng đổi thay như ngày hôm nay là nhờ ơn Đảng và Bác Hồ. Như gia đình ông, có năm người con (ba gái, hai trai), tất cả đều lập gia đình, có nhà riêng, cuộc sống ổn định và các cháu đều ngoan hiền, học giỏi. Đó là nhờ ông học được ở Bác qua lời dạy “Tuổi cao chí càng cao”, nên ra sức dạy bảo điều hay lẽ phải, đồng thời nêu gương sáng cho cháu con noi theo. Ma Vi vận động bà con buôn làng bỏ cái xấu làm theo cái tốt, thực hiện nếp sống văn minh, phát triển kinh tế gia đình… “Bí quyết” của ông là “muốn người khác nghe và làm theo thì mình phải nói đi đôi với làm. Làm có hiệu quả rồi mới nói”.
Ông kể: Năm 1979, Duân Bek ở buôn Hai Klốc (xã Ea Bia) vu khống gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của ông. Khi làng phân xử, Duân Bek sai hoàn toàn nên dòng họ bắt Duân Bek dắt bò đến nhà ông đập, ăn để tạ lỗi. Đợi lúc mọi người có mặt đông đủ, ông mới bảo trưởng họ: Trưởng họ phải có trách nhiệm nói cho mọi người biết sau này không nên làm như vậy. Hai bên có xích mích, mâu thuẫn thì giảng giải chỉ ra cái sai, cái đúng, người sai biết đó mà sửa chữa, người đúng thông cảm cho người sai. Về sau hai bên không được hiềm khích thù hằn với nhau là được rồi, không cần phải giết bò, uống rượu phạt”. Rồi ông bảo Duân Bek dắt bò về nuôi, không nhận phạt vạ. Hay như trường hợp của Ma Rưng uống rượu say rồi vu khống, gây ảnh hưởng đến danh dự của ông. Khi xử ra, Ma Rưng thấy sai, xin đập bò thú lỗi, nhưng ông cương quyết không nhận phạt bò mà chỉ nhận tượng trưng và cùng uống với buôn làng một ché rượu “để cho nó nhớ lần sau không tái phạm”. Từ đó về sau Ma Rưng không tái phạm, sống đoàn kết gắn bó, có trách nhiệm với bà con buôn làng.
Một số trường hợp khác, như vợ chồng A Ma Yưk, A Mí Yưk ở buôn Krông mâu thuẫn gia đình dẫn đến bỏ nhau, đốt bò, heo, lấy rượu để phạt vạ. Được bà con trong buôn tin tưởng giao nhiệm vụ hòa giải, ông vận động họ quay lại sống với nhau hạnh phúc mà không phải tốn kém bò, heo, rượu ché… Nhờ vậy hủ tục phạt vạ dần dần được xóa bỏ.
Không chỉ có tài vận động bà con giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, từ bỏ các hủ tục lạc hậu, sống theo nếp sống văn minh, Ma Vi còn giỏi trong làm ăn, phát triển kinh tế gia đình và noi gương cho nhiều người cùng làm theo. Trước kia buôn Krông nghèo lắm. Nhiều nhà không đủ gạo ăn, con cháu bỏ học giữa chừng, phải đi rẫy rất khổ, đau bệnh nhiều. Với suy nghĩ, “phải có trách nhiệm với con cháu, trách nhiệm với mấy cháu cán bộ xã, với nhà nước” nên Ma Vi luôn tham dự các cuộc họp buôn, chi bộ, kể cả họp thanh niên để góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh. Ông cũng thường xuyên đến từng nhà vào những lúc thích hợp, tuyên truyền vận động bà con chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ông nói với bà con rằng: “Phải chăm chỉ làm ăn. Phải học cách chăm sóc những loại cây mà mình trồng mới mang lại hiệu quả. Bò bệnh thì phải tiêm thuốc. Con cháu ốm thì phải đưa đi trạm xá, bệnh viện để bác sĩ khám, cho cái toa thuốc. Muốn thoát khỏi đói nghèo thì phải cho con học cái chữ để biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất…”. Nói một lần bà con chưa thông, ông nói nhiều lần. Nói trong lúc họp dân, nói trong khi ăn bỏ mả… Nói nhiều nên cũng được nhiều người nghe và làm theo.
Những năm gần đây, bà con làm ăn khấm khá, ruộng rẫy thường được mùa. Có tiền bạc dôi dư, nhiều gia đình sắm được xe máy, ti vi, đồ dùng đắt tiền trong nhà… Có xe máy, số thanh niên mới lớn, chưa học lấy bằng lái đã phóng bạt mạng mỗi khi leo lên xe. Mà trong buôn thì chó, heo thường thả rông, nhiều trẻ con hay chạy ra đường nên rất dễ gây tai nạn. Ông hay nhắc nhở các thanh niên “phải chạy chậm chậm, đề phòng tai nạn xảy ra”. Rồi tình trạng uống rượu, bia say xỉn cãi vã nhau gây mất trật tự, thậm chí xích mích gây gổ, đòi đánh nhau, ông cũng đứng ra can ngăn, giảng giải. Nói một lần, chúng để ngoài tai, nhưng ông kiên trì nhắc nhở nhiều lần. Khi hiểu ra thì “ tụi nó cũng nghe theo, chạy xe an toàn, không vi phạm giao thông, không gây rối trật tự công cộng”.
Ma Vi rất ghét bọn người xấu, lừa phỉnh, dụ dỗ người dân làm điều xấu. Ông bảo: “Cái bụng của dân làng mình chỉ có tốt. Nhưng có người do nhận thức còn cạn, nên dễ mắc lừa theo lời dụ dỗ đường mật của kẻ xấu”. Vì vậy thấy có người nào có biểu hiện sai trái là ông kịp thời định hướng, tuyên truyền vận động “không để kẻ xấu làm hại đến bà con, đến buôn làng”.
Ma Vi được học viết chữ Ê Đê từ hồi còn nhỏ. Vì vậy ông thường dịch các tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng Ê Đê gửi đến Đài truyền thanh-truyền hình huyện để phát cho dân nghe. Qua đó, bà con nắm được đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, định hướng phát triển của địa phương.
Thực hiện lời dạy của Bác: “Người biết chữ dạy người chưa biết chữ. Người biết nhiều dạy người biết ít”, nên ngày đêm ông miệt mài soạn giáo án, tham gia giảng dạy và mở được hai lớp dạy tiếng Ê Đê đều đạt kết quả theo yêu cầu đề ra. Ông tâm sự: “Tiếng nói, chữ viết của người Ê Đê là tài sản vô giá của dân tộc. Tôi dạy chữ, dạy tiếng cho con cháu trong buôn và cho đồng bào cán bộ người Kinh là để giữ gìn vốn quý vô giá này, góp phần xây dựng tình đoàn kết ngày càng bền chặt giữa các dân tộc như Bác Hồ hằng mong muốn”.
MA HINH