Thời gian qua, phong trào “Cựu chiến binh (CCB) thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi” được Hội CCB xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) triển khai thực hiện hiệu quả. Từ phong trào đã xuất hiện những cựu binh vượt khó, vươn lên sản xuất với nhiều mô hình hiệu quả kinh tế cao, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. CCB Mang Xíu người dân tộc Chăm, là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phong trào ấy.
Mang Xíu sinh ra và lớn lên trong gia đình dân tộc thiểu số nghèo, đông anh chị em ở thôn Da Dù, xã Xuân Lãnh, nơi quê hương có truyền thống đấu tranh cách mạng trong hai thời kỳ chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Tháng 3/1975, Mang Xíu tham gia lực lượng du kích xã, làm nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ địa phương. Đến tháng 10/1975, Mang Xíu gia nhập bộ đội thuộc Đại đội 380, Huyện đội Sông Cầu, đến năm 1984 ông xuất ngũ về địa phương.
Nói về những tháng năm sau khi rời quân ngũ, Mang Xíu cho biết: “Thời điểm ấy, cuộc sống vô cùng khó khăn, đất đai chia theo định suất nên không có nhiều, không có vốn liếng để làm ăn, không biết vay mượn ai, vợ chồng phải tự lực cánh sinh, chắt chiu từ cái chén, đôi đũa ăn cơm, cuộc sống vất vả đè nặng lên vai, vậy mà cái đói nghèo vẫn bao vây giữa núi rừng, tưởng như không lối thoát… Mình chỉ biết cật lực lao động để mong sao được no cái bụng, ấm cái lưng thôi...”.
Sau đó, nhờ chủ trương đúng đắn của Nhà nước, quy hoạch định canh, định cư, tạo điều kiện cho gia đình Mang Xíu khai hoang, mở rộng diện tích trồng mía, trồng sắn. Từ bản chất truyền thống đã được thử thách trong lực lượng vũ trang, phát huy bản tính cần cù lao động. Đặc biệt, nhờ sự giúp đỡ của địa phương và Hội CCB tạo điều kiện cho vay vốn, CCB Mang Xíu quyết tâm đầu tư cho phát triển kinh tế gia đình, thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, thâm canh, tăng vụ, kết hợp nuôi heo, bò, khai hoang vỡ đất. Sau một thời gian dài cần cù lao động, đến nay ông đã có trong tay khối tài sản hàng tỉ đồng với 5ha mía, 15ha keo lai hiện đã được 4-5 năm tuổi, phát triển 6 con bò lai sin, mua 1 xe cải tiến để vận chuyển nông sản...
Cầm trên tay quyển sổ theo dõi chi phí sản xuất của gia đình, CCB Mang Xíu vui mừng nói: “Năm nay với 5ha mía chi phí nhân công trồng, làm cỏ, giống, phân bón... hết 120 triệu đồng, dự kiến thu hoạch trên 320 triệu đồng, còn lãi 200 triệu đồng; 15ha keo lai xoay vòng mỗi năm thu hoạch 5ha, thu lãi 100 triệu đồng… tất cả thu lãi khoảng 300 triệu đồng chưa kể các nguồn thu khác từ chăn nuôi”.
Đôi mắt ánh lên niềm vui, Mang Xíu tâm sự thêm: “Đến nay, gia đình mình đã thoát khỏi cảnh đói nghèo, cuộc sống vật chất, tinh thần đã được nâng lên, mình càng thấm thía giá trị của giọt mồ hôi, nước mắt mình đổ ra. Giờ đã trả hết nợ vay Nhà nước, con cái cũng trưởng thành rồi, mình dự kiến năm nay xây lại ngôi nhà mới khang trang hơn”.
Không chỉ chăm lo cuộc sống cho gia đình, bản thân Mang Xíu còn thường xuyên trao đổi ý kiến xây dựng trong việc sản xuất để bà con trong thôn làm theo, từng bước phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Hàng năm, gia đình ông đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương và các hoạt động tình nghĩa, tạo mối quan hệ tốt đẹp, có uy tín đối với chính quyền và nhân dân địa phương.
Ông Huỳnh Trọng Sơn, Chủ tịch Hội CCB huyện Đồng Xuân, cho biết: “Mang Xíu là một trong những CCB người Chăm tiêu biểu. Dù bận công việc kinh tế gia đình, nhưng ông luôn dành nhiều thời gian để tham gia công tác Hội, tham gia sinh hoạt, học tập; hàng năm luôn đạt gia đình văn hóa, hội viên gương mẫu, tạo được sự gắn bó với nhau trên tình đồng chí, đồng đội, sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống hàng ngày cũng như giúp nhau trong công tác xóa đói giảm nghèo”.
Với những kết quả đạt được, CCB Mang Xíu đã được Hội CCB huyện Đồng Xuân giới thiệu điển hình CCB sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh năm 2017. Tại hội nghị kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua yêu nước, Mang Xíu được UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích điển hình tiên tiến xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2018.
ĐẶNG SỸ